Gặp người lưu giữ những bức thư của đồng đội

Tổng hợpThứ Ba, 21/12/2010 10:32:00 +07:00

(VTC News) - Đại tá Huỳnh Phương Bá giữ được các bức thư cho đến ngày nay là cả sự kỳ công...

(VTC News) -Đến thăm nhà Đại tá Huỳnh Phương Bá, nguyên Phó Cục trưởng về Chính trị Cục Kinh tế- Quân khu 5 hiện nghỉ hưu ở  H18/4 K482 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng, tôi gặp ông đang xem lại hơn 50 lá thư đồng đội trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

 

Đại tá Huỳnh Phương Bá giữ được các bức thư cho đến ngày nay là cả sự kỳ công.  Nhận được thư (thường là thư tay theo đường công văn hoặc nhờ ai đó gửi trực tiếp), ông đều bọc trong ni-lon và bỏ vào thùng đại liên. Khi đi công tác thì gửi lại cho bộ phận văn thư. Biết ý ông, các đồng chí ở cơ quan luôn tìm cách bảo vệ, mang theo khi di dời đơn vị hoặc tránh các cuộc càn quét của địch.


Trong số thư còn lưu giữ, nhiều nhất là của cố Trung tướng Nguyễn Huy Chương- nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 5, liên tục viết thư cho ông từ năm 1967 đến năm 1974, lúc Trung tướng còn là Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Ngãi đến khi là Chính uỷ Sư đoàn 2. Thư nào cũng kín đặc chữ, tình cảm ân cần:

 

 “Đã bao năm công  tác ở Quảng Ngãi và gần 2 năm công tác với Bá, lòng thương mến vô hạn. Mình không nghĩ Quân khu sẽ rút Bá. Bản thân mình cũng như anh em trong Ban không muốn Bá xa nơi đây. Việc chung rất tâm đắc, đời tư việc riêng của mình và Bá còn thông cảm, còn thương nhau biết bao”…. “Đến bây giờ cậu cũng như mình, hai anh em đã già mà thấy như hồi thuở còn thanh niên. Cứ quên Phương Bá là Chính uỷ Trung đoàn từ bao giờ mà cứ nghĩ là anh em. Tình cảm của mình và Bá quý lắm. Những ngày ở Tỉnh đội, mến thương tin cậy, bàn bạc dân chủ. Khi mình về Sư 2 mấy lần xin Bá về mà không được”… “Hôm nay rất bận, đương họp Đảng uỷ e1 nhưng cũng tranh thủ biên thư cho Bá và Tiệng. Bức thư này gửi chung cả 2 người đồng chí và cũng là người em thân yêu từ thuở nhỏ. Sống với Bá từ năm 1954 đến nay đã 20 năm. Cũng ghê thật. 13 năm trên chiến trường Quảng Ngãi, trên dải đất núi Ấn, sông Trà vô cùng gian khổ, đậm đã tình nghĩa. Sống với nhau đến lúc xa nhau như ai cắt đi một khúc ruột.” 

 

Còn đây là thư của ông Nguyễn Phú Soại, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, sau này là đại sứ Việt Nam ở Hung-ga-ri: “Phương Bá với anh đã sống với nhau mấy năm, đồng cam cộng khổ, bây giờ nhìn lại Bá, anh vẫn mong ước được trở lại quê hương”.


Thư của ông Phan Thanh Biền, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi viết cho ông khi ông rời Tỉnh đội nhận công tác khác: “Tuy không phải người chôn nhau cắt rốn đất Quảng Ngãi nhưng tình cảm cách mạng rất dồi dào. Đồng chí đã đem hết sức mình làm việc, tận tuỵ lúc khó khăn phức tạp cũng như lúc thuận lợi. Tình đồng chí cộng sản, tình bạn chiến đấu trong gian khổ, ở thương, đi nhớ…”


Dương Quang Trứ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ban Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh đội viết thư hài hước mà cảm động: “Đi thật đấy à. 13 năm ở với nhau mà nay ra đi thật à. Bỏ công việc chất đống lại cho bọn mình sao?”.


Những lá thư làm ông khắc khoải nhất là thư của của đồng chí mình thông báo tổn thất sau một trận đánh ác liệt. “Qua mấy trận chiến đấu quân số đại đội 1 là 29, c2 là 32, c3 là 28, c4 là 23 anh à.” (Lê Thanh Cượng, Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 409). Có thư đến tay ông thì đã rách đi một nửa, không biết đồng đội viết gì sau một nửa ấy. Có lẽ là thêm tên một người đã hy sinh…

 Thư của Đinh Vầu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 20 đem đến cho ông một bất ngờ sung sướng “Vừa rồi tôi lục thùng đại liên của anh Bảo lại thấy thư của người thân của anh gửi từ bao giờ, nằm ở đó, tôi đã nhờ hai đồng chí mang về cho anh”.


Trong tất cả kỷ vật của mình, ông Huỳnh Phương Bá nhắc nhiều về cô gái Liên Giang đa cảm mà can trường, người đã gửi cho ông hàng chục lá thư. Cô đã hy sinh anh dũng trên đường công tác để lại bao dự định dở dang. Là học sinh miền Nam, từng tốt nghiệp đại học Tổng hợp Văn, cô xung phong trở về quê hương làm giáo viên vùng giải phóng. Một vài lần gặp gỡ, ông và cô trở thành đôi bạn tri kỷ, tri âm.


Cô viết cho ông cũng là để bày tỏ những suy nghĩ trước sự khốc liệt của chiến trường và niềm tin tất thắng.  Sau này ông chỉ còn giữ một ít thư của cô, còn lại gửi cho người chị ruột của Liên Giang ở miền Bắc.  “... Năm nay anh Bá có làm được lúa không hay vẫn ăn mỳ thay cơm. Phần em, em vẫn còn sống đàng hoàng sau 2 trận càn liên tiếp ở Tây và Đông đất tướng Sơn Tịnh. Những tưởng vĩnh biệt cuộc đời trong những ngày tháng 8 nhưng mạng em còn lớn lắm. Ở khu Tây vừa thoát chết, em đi công tác ở khu Đông thì bị càn tiếp. Nằm hầm bí mật 8 ngày, 8 đêm, bị đói mất 5 ngày. Đói thì em chịu được, vẫn tỉnh táo như thường, có điều khát là không sao chịu nổi. Những ngày không nhìn thấy ánh mặt trời và những đêm không nhìn được các vì sao, phải nằm một chỗ, em suy nghĩ đủ chuyện, chuẩn bị tư thế để đối phó với kẻ thù khi có tình huống xảy ra. Những lúc nóng và khát nước quá, em lại nghĩ đến cái ảnh anh Nguyễn Đức Thuận (truyện Bất khuất) đứng dưới đèn 200W mà tự động viên mình. Sau những ngày gian khổ ấy, em vẫn sống và trở về vị trí chiến đấu. Quân Nam Hàn càn đến anh ạ (nghe nói Lữ đoàn “Bồ câu trắng” mới sang). Quân này bị Mỹ biến chúng thành những con vật, mất cả tính người, chúng nó man rợ mà hèn nhát. Từ thượng cổ, trung cổ đến nay không có bọn lính đánh thuê nào dã man thế. Ở xa khó mà tưởng tượng nổi anh ạ. 100, 1000 cái toà an Rutsen cũng không không trị hết tội thằng Giôn xơn...

 

Tuổi trên 80, ông Bá cho rằng tình đồng đội luôn là một phần không thể thiếu được trong cuộc đời ông. Nhiều năm nay ông là người tích cực mở câu lạc bộ Hán-Nôm quận Hải Châu ngay tại nhà  mình gồm các cựu chiến binh, vừa để biết thêm loại chữ quý này vừa là dịp để gặp gỡ tâm tình, hàn huyên. Ông nói rằng, những lá thư sẽ mãi mãi là nhân chứng để ông nhớ về một thuở đạn bom dữ dội nhưng cũng ấm áp vô cùng tình đồng đội đồng chí thân thương.

 

Lê Vi

Bình luận
vtcnews.vn