Những người… “ươm mầm” nơi đất đảo Trường Sa

Tổng hợpThứ Bảy, 05/02/2011 08:35:00 +07:00

(VTC News) - Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên đất đảo Trường Sa là những nụ cười tươi trẻ của những người lính, trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi lính...

(VTC News) - Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là những nụ cười tươi trẻ của những người lính, trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi lính. Gác lại những niềm riêng, những bộn bề, nhớ nhung, lưu luyến…ở quê nhà, họ xung phong ra với Trường Sa không chỉ làm nhiệm vụ canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc mà còn…“ươm mầm” cho đất đảo Trường Sa. 

“Ươm mầm” nơi đất đảo

Nắng gió ở Trường Sa dường như đã hòa quyện vào tâm hồn những người lính trẻ làm cho họ thêm vững chắc tay súng giữa trùng khơi. Những nét mặt rạng ngời và thân thiện của họ khiến những khó khăn dường như chỉ là ký ức. Với cái bắt tay và ôm siết chặt, tôi và chiến sỹ Hoa Văn Phương Anh quấn quýt hỏi han nhau như những đồng đội cũ lâu ngày gặp lại. 

Nụ cười người lính đảo Trường Sa... 

Phương Anh cho biết anh là chiến sỹ trẻ nhất của Đảo Nam Yết. Phương Anh sinh năm 1989, quê ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; nhập ngũ tháng 10/2007, đầu năm 2008 Hoa Văn Phương Anh được ra với Trường Sa. Anh nhớ ngày chia tay đất liền để ra với đảo, mọi người trong gia đình, bạn bè đều lo lắng và sợ Phương Anh đang còn trẻ sẽ không đủ sức chịu đựng với sóng gió Trường Sa. Nhưng được sự giúp đỡ của đồng đội anh đã hòa mình nhanh chóng và dần thích nghi với cuộc sống trên đảo. Hàng ngày hăng say tập luyện, sẵn sàng chiến đấu.
 
“Bây giờ sống trên đảo em thấy thoải mái như ở nhà, tất cả mọi cái đều đầy đủ, anh em ở đây đoàn kết và thương yêu nhau lắm nên em không thấy nhớ nhà. Ở đây cũng có 5-6 đồng chí trẻ tuổi như em nên cũng vui lắm. Có lẽ em sẽ xin ở lại bảo vệ đảo trong nhiều năm nữa”, Phương anh cho biết. 

Vừa nói, vừa cười, Phương Anh dắt tay tôi đi tới vườn rau xanh mà anh và đồng đội vừa mới trồng được để “khoe”: “Anh thấy chưa, mới ra đảo được mấy tháng mà tụi em đã trồng được rau xanh rồi. Thế mà lúc còn ở trong đất liền có người nói là ra đảo thiếu rau xanh. Trồng rau xanh ở đây cũng dễ giống như trồng ở đất liền anh à”. 

Tôi đưa mắt nhìn những luống rau xanh ngắt, xanh hơn cả màu nước biển, thẳng tắp mà khâm phục bàn tay chăm sóc của những người lính. Màu xanh tràn đầy sức sống như chính những tâm hồn trẻ trung và mang nhiều khát vọng của họ vậy. 

Rời đảo Nam Yết, tàu HQ936 đưa chúng tôi tới đảo Đá Lớn, một trong những đảo mà được đánh giá là gian khổ nhất của quần đảo Trường Sa. Và cũng từ đây, nhiều câu chuyện thú vị được bắt đầu. Bắt chuyện với chiến sỹ Nguyễn Lý Hoàng Linh, sinh năm 1985 (quê ở Vĩnh Thái, Nha Trang, Khánh Hòa). Hoàng Linh cho biết, anh vừa mới ra đảo đầu năm 2008. Lần đầu tiên được ra với đảo Đá Lớn mọi cái đều quá bất ngờ so với sự tưởng tượng của anh. Một hòn đảo toàn là đá như tên gọi của nó vậy. Nhưng qua thời gian, cuộc sống dần thích nghi với anh. Anh cảm thấy yêu hơn với đảo Đá này. “Đảo Đá nhưng không “đá” anh à, mỗi tảng đá ở đây đều có tâm hồn và cũng là dấu mốc khẳng định lãnh hải của nước ta, được sống và bảo vệ đảo Đá Lớn chúng em tự hào lắm”, Hoàng Linh nói.  
Những người lính trẻ luôn giữ chắc tay súng gìn giữ sự bình yên nơi đảo xa...

Chúng tôi biết, để có niềm tự hào đó, ngày đêm các anh đã cố gắng luyện tập và vượt qua những khó khăn hiện tại. Anh Linh cho biết thêm, ngoài nhiệm vụ canh gác mỗi ngày trên đảo, anh em còn tăng gia trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mới nghe tưởng là các anh nói đùa, nhưng tận mắt chứng kiến những giàn rau xanh ngắt; đàn chó, đàn vịt và những con heo trên đảo đá mới thấy được cuộc sống tươi mới trên đảo đá này đã được “ươm mầm” từ…đá.

Ấm tình người chiến sĩ nơi biển đảo Trường Sa

Một cuộc sống mới bắt đầu trên đảo từ khi có dấu chân của người lính và những người dân lần đầu tiên đặt chân lên đảo. Sự có mặt của người dân khiến các chiến sỹ ngày đêm canh giữ biển trời thấy ấm lòng hơn, vững chắc tay súng hơn khi bên họ là những gia đình nhỏ. 

Những hộ dân này sau khi được tuyển chọn trong đất liền, ra sống trên đảo với chu kỳ 5 năm, sau đó vào lại đất liền và những hộ dân khác sẽ tiếp nối. Được biết, ngoài 7 hộ dân ở đảo Sinh Tồn, còn có 7 hộ dân nữa mới ra sinh sống ở đảo Trường Sa lớn. Tiếng khóc, tiếng cười của trẻ em tạo ra cảm giác ấm cúng như ở trong đất liền. Chủ tịch xã Sinh Tồn (Đảo Sinh Tồn) Kim Thanh Hoa cho biết, đảo đã có gần 10 hộ dân với hơn 25 khẩu (trong đó có hơn 10 trẻ em). 

Những bước chân chập chững trên đất đảo Trường Sa... 

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 5 của vợ chồng anh Trần Văn Thành và Phan Thị Tám (quê ở Vĩnh Hòa, Nha Trang). Anh Thành cho biết, vợ chồng anh và con gái Trần Thị Thu Hiền (8 tuổi) mới ra đảo hơn 1 tháng. Trước khi đi, hàng xóm, bạn bè ai nấy đều can ngăn. Họ cho rằng ra sống ngoài đảo cực khổ lắm. Nhưng có đặt chân lên đảo mới biết, cuộc sống không như người ta nghĩ. 

“Khi ra đây vợ chồng em chỉ mang áo quần thôi. Tất cả mọi thứ đều được Nhà nước chu cấp cho hết. Anh thấy đó, từ Tivi, đầu máy, giường tủ, chăn màn…cho đến những vật dụng nhỏ nhất như chén bát, song nồi…đều đã có sẵn. Tất cả 7 ngôi nhà của 7 hộ dân đều được xây khép kín giống nhau, nền nhà được lát gạch hoa sáng bóng. Mỗi nhà được cấp 1 tivi, 1 đầu máy, 1 bộ bàn ghế, lương thực, thực phẩm…Ngoài ra, hàng tháng mỗi thành viên trong gia đình được nhận một khoản tiền trợ cấp (2,5 triệu/người/tháng) để sau này vào đất liền họ có vốn làm ăn, buôn bán. 

Chủ tịch xã Sinh Tồn, Kim Thanh Hoa cho biết thêm, mới đầu làm quen cuộc sống trên đảo, 7 hộ dân đang còn bỡ ngỡ, nhớ đất liền. Nhưng được sự động viên và chia sẻ của các chiến sỹ họ đã dần dần thích nghi với cuộc sống nơi đây. Trung tá Vi Đức Thanh, đảo trưởng đảo Sinh Tồn tâm sự, hàng ngày anh và những đồng đội khác thường đến nhà dân kể chuyện, chia sẻ những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu của họ; hướng dẫn cho họ cách trồng rau xanh trên đảo, đánh bắt cá ngoài biển…và giúp họ sống và sinh hoạt theo tác phong của “nhà binh”. Chiến sỹ và ngư dân dường như không có khoảng cách. 

Có lẽ trường hợp của cô giáo Bùi Thị Nhung (SN 1981, quê ở Cam Lân, Khánh Hòa) làm chúng tôi nhớ mãi trong suốt cuộc hành trình. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và về công tác tại trường Tiểu học Suối Cát hơn 1 năm nay. Với công việc và thu nhập ổn định, nhưng khi biết được chính sách đưa dân ra sinh sống tại đảo Trường Sa, Nhung đã bàn với chồng xin được ra đảo “gieo chữ” với suy nghĩ giản dị “Em ra đây là mong muốn dạy học cho các cháu kẽo sau này các cháu vào đất liền sẽ bị tụt lại với các bạn cùng trang lứa. Tuy việc dạy học vất vả hơn so với đất liền, nhưng em sẽ cố gắng hết sức để  các cháu trên đảo được học hành tốt nhất”. 

Cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung đang “gieo chữ” trên đảo... 

Nghĩ là làm, cô giáo Nhung lên đường ra đảo. Nhung tâm sự : “Hiện trên đảo Trường Sa lớn có 12 cháu, 2 lớp 1, 1 lớp 2 và 2 lớp 3. Thời khóa biểu của lớp học: buổi sáng dạy lớp 1 và mẫu giáo; buổi chiều dạy lớp 2 và lớp 3. Nội dung học tập cũng giống như ở đất liền. Đa số các em đều ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Hàng tuần, hàng tháng vẫn có kiểm tra bài vở và phân loại, nhận xét, đánh giá kết quả học tập”.  Chứng kiến một buổi dạy của cô giáo Nhung cùng các cháu trên đảo, tiếng bi bô của con trẻ đánh vần, tiếng cô giáo giảng bài… khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh của một “tổ chim non” giữa trùng trùng sóng biển. Ở đó, hàng ngày tiếng bập bẹ của “chim con”, thánh thót của “chim mẹ”…vang xa cả một góc trời.

Và còn rất nhiều người như Chủ tịch xã Kim Thanh Hoa (SN 1985), Phó CT xã Cao Văn Giáp (SN 1984), Chủ tịch Mặt trận Hồ Bảo Ân (SN 1984), Bí thư đoàn xã Mai Thành Tiến (SN 1984). Đảo Trường Sa lớn có: Chủ tịch Thị trấn Trường Sa Nguyễn Quốc Thiện (SN 1980), Phó CT Biện Văn Quảng (SN 1980), Chủ tịch Mặt trận Lê Minh Cảnh (SN 1986) và Bí thư đoàn Phạm Gia Huy (SN 1985)…mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng họ cùng chung một ý chí, như một đại gia đình ấm cúng; cùng nhau bảo vệ và xây đắp hòn đảo ngày càng vững mạnh. Tôi hiểu, họ chính là những “tế bào”, đã ươm mầm cho đất đảo Trường sa…

Anh Dương
Bình luận
vtcnews.vn