Phóng sự

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương

Thứ Năm, 15/09/2022 11:40:00 +07:00

(VTC News) - Võ sư Phan Minh Hải - Chưởng môn đời thứ 3 của võ đường Phan Thọ - tự hào kể về ông ngoại, người từng đặt cược cả mạng sống để khẳng định uy tín võ Bình Định.

Võ sư Phan Thọ không bao giờ chấp nhận ai coi thường người dân Việt, nhất là trong lĩnh vực võ học. Vì vậy, ông đã hơn một lần mang cả tính mạng của mình ra để khẳng định võ Bình Định không thua kém bất kỳ môn phái võ thuật nào.

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương - 1

 

Cho đến nay, những võ sư gạo cội và những người yêu võ không chỉ ở Bình Định vẫn truyền miệng những giai thoại về 3 lần hạ gục các võ sĩ người Hàn của ông Phan Thọ, dù lão võ sư đã về gặp các huyền thoại võ học Tây Sơn tối 27/4/2014.

Câu chuyện 3 lần đấu, 3 lần thắng 3 võ sĩ người Hàn tôi được nghe võ sư Phan Minh Hải - cháu ngoại cố võ sư Phan Thọ, Chưởng môn đời thứ ba Võ đường Phan Thọ - kể lại.

…Một ngày rất nóng của năm 1970. Cái nóng dường như không phải từ thời tiết mà hừng hực phát ra từ những người dự khán ở trại huấn luyện Phú Tài. Hơi nóng còn bốc lên từ hai cỗ quan tài phía trước võ đài.

Trước trận đấu, dân đất võ và các võ sư, võ sinh đã nóng từ sự bực bội, uất ức trước sự coi thường, miệt thị của một sĩ quan Đại Hàn của sư đoàn Mãnh Hổ tên Lee. Là một võ sư Taekwondo tứ đẳng huyền đai, ông ta lớn tiếng thách thức cả làng võ Bình Định.

Các võ đường sôi sục phản ứng, nhưng rồi họ lại thở dài vì biết chọn ai ra đấu với kẻ kiêu ngạo. Hơn nữa, áp lực tâm lý cũng đè nặng lên các võ sư. Nếu thắng thì bảo vệ được uy tín võ Bình Định, nhưng liệu rồi võ đường có an ổn vì những đòn đánh trả thù dưới thắt lưng? Còn thua, mọi người không dám nghĩ đến…

Sự bức bối ấy cũng bao trùm cả võ đường của võ sư Phan Thọ. Nhiều đêm, vị võ sư ở tuổi tứ thập không ngủ. Dưới bóng trăng đêm huyền ảo, các võ sư và võ sinh của võ đường thấy bóng thầy mình nhấp nhô, luồn lách giữa những hình nộm ra quyền, tung cước.

Rồi cả miền đất võ bừng bừng khí thế khi võ sư Phan Thọ của mình chấp nhận lời thách đấu. Vui mừng, lo lắng cứ theo nhau trào lên lặn xuống như những đợt sóng con sông Côn nối hai bờ đất võ lúc êm đềm chảy, khi gầm réo bởi lũ về.

Và rồi, họ được chứng kiến trận đấu có một không hai của hai kỳ phùng địch thủ. Võ sư nổi danh từng hạ con lợn rừng hung hãn nặng hơn 2 tạ và viên sĩ quan với những đòn chân sấm sét đặc trưng của phái võ lừng tiếng xứ Hàn.

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương - 2

 

Hai võ sĩ bước lên sàn đấu. Mọi người nín thở chứng kiến họ cùng nhau ký vào lá Sinh tử trạng - tờ cam đoan trong trận đấu rủi ai chết thì người ấy chịu, không được khiếu nại, không được gây khó khăn cho phái võ đối phương.

Người dân Bình Định tin thì tin đấy, hy vọng cũng tràn trề nhưng họ trĩu nặng lo âu khi chứng kiến một trận đấu không cân sức. Một bên là võ sĩ Đại Hàn cao lừng lững tới 1,8 mét nặng 75 kg. Còn bên kia, niềm hy vọng Phan Thọ của họ kém hẳn 20 cm chiều cao và 20 kg cân nặng.

Bên kia, lính Đại Hàn ào lên những tiếng hét vang khích lệ. Bên này, những người dân Bình Định siết tay nhau trong im lặng, nín thở chờ đợi...

Hiệp đầu, võ sư Phan Thọ bị dồn ép liên tục bởi các đòn chân uy lực, hiểm hóc và liên hoàn của người đã luyện tập Taekwondo tới mức ảo diệu. Ông bình tĩnh né đòn làm hao sức đối phương và cố gắng tìm điểm yếu của đối thủ. 

Hiệp hai, Phan Thọ đã tìm được bí quyết chế ngự đối phương. Trong một khoảnh khắc, tận dụng được sơ hở khi võ sĩ Hàn tung cú đá liên hoàn mà phòng thủ không chắc, ông áp sát đối thủ theo bí quyết Tấn đả tam chiến, rồi dùng thế Yến tử khuynh thân đánh vào thái dương đối phương.

Vào giây quyết định, ông dùng thế Độc xà thám nguyệt (hiểu nôm na là con rắn ngóc đầu nhìn trăng) hụp xuống tránh đòn chân sinh tử, rồi húc thẳng vào bụng dưới làm võ sư Đại Hàn ngã nhào, chết điếng.

Lúc này, từ phía những người dân ào lên những tiếng hô như muốn hất tung võ đài. Họ đã được tận mắt chứng kiến một trận đấu mà người võ sĩ dám lấy mạng sống của mình để giữ gìn thanh danh của miền đất võ Tây Sơn Bình Định.

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương - 3

 

Dừng lại một chút như để tâm mình lắng lại, người cháu ngoại tiếp tục hồi tưởng về trận đấu sau đó 2 năm, khi võ sư Phan Thọ ở vào tuổi 45.

…Nhân dịp giỗ Tổ vua Hùng tổ chức tại Pleiku, những sĩ quan Đại Hàn đưa một số võ sĩ theo học Teakwondo từ Sài Gòn lên vùng đất cao nguyên để đấu võ. Đoàn võ cổ truyền Tây Sơn gồm có 20 võ sĩ, trong đó có Phan Thọ cũng được mời lên tham gia.

Qua các trận tỷ thí, nhiều võ sĩ Đại Hàn liên tiếp bị đánh bại. Nhưng, họ bất phục! Trong đoàn của họ có cây át chủ bài là võ sĩ Joo - Huyền đai ngũ đẳng - còn chưa thượng đài. Với họ, dù có thua tất cả trận thì trận đấu phục thù cuối cùng mà chiến thắng thì chung cuộc họ vẫn thắng.

Cuối cùng, võ sĩ nổi danh xứ Hàn bước từng bước vững chãi lên võ đài. Võ đài như rung rinh trước sức nặng và chiếc đai đen năm đẳng của ông ta. Joo lên tiếng thách đấu. Những lời thách đấu ngạo mạn như muốn chỉ thẳng vào người võ sư từng chiến thắng đồng hương của ông ta.

Vút một cái, võ sư Phan Thọ thanh thoát nhảy lên võ đài. Một tiếng thét vang lên, những đòn chân vũ bão phần phật tiếng gió. Mọi người tưởng như Phan Thọ đã nằm xuống đo ván.

Nhưng không, trước những cú đá vun vút, Phan Thọ nhanh nhẹn "lặn" người xuống tránh đồng thời dùng độc chiêu Độc xà thám nguyệt làm đối thủ té nhào xuống sàn, hai khuỷu tay bị chống xuống sàn khiến xương vỡ nát, máu tuôn ra lênh láng. Vị Ngũ đẳng huyền đai Teakwondo không thể tiếp tục thi đấu và ra hiệu xin dừng trận đấu.

Chưởng môn Phan Minh Hải - người thừa kế cả kho tàng võ thuật của ông từ thơ bé - chia sẻ: “Làng võ thuở ấy và hôm nay vẫn trầm trồ kể lại hai trận thắng để đời của ngoại. Nhưng ngoại luôn nhắc nhở tôi và các đệ tử trong võ đường: Môn phái nào cũng có những tinh hoa. Người thua một trận đấu, không có nghĩa là môn phái kia kém cỏi. Điều quan trọng là võ sĩ đã tiếp thu được hết những tinh hoa võ thuật ấy chưa, đặc biệt là biết áp dụng những tinh hoa ấy để giành chiến thắng hay chưa. Vì thế, thắng đừng kiêu, bại chớ nản!”.

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương - 4

 

Năm 1998, một đoàn võ sư, võ sĩ của Hàn Quốc đến Bình Định với mong muốn giao lưu, học hỏi võ cổ truyền Bình Định. Khi tới Võ đường Phan Thọ nằm giữa cánh đồng lúa trải dài của thôn Thủ Thiện (xã Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định), họ được diện kiến lão võ sư Phan Thọ, khi ấy đã 72 tuổi.

Thăng hoa trong câu chuyện võ, một vị trong đoàn vô tình ngỏ ý coi thường võ Bình Định. Câu nói chạm đúng lòng tự ái của võ sư Phan Thọ.

Một lần nữa, lão võ sư với những nét hằn thời gian trên khuôn mặt bình thản bước xuống sân nhà với mong muốn giới thiệu những tinh hoa của miền đất võ, để các vị khách hiểu hơn võ và người Bình Định.

Vào trận, võ sĩ Hàn Quốc tung ngay cú đá cực mạnh nhắm vào đầu lão võ sư. Người ta chỉ thấy loang loáng bóng trắng của mái đầu bạc chìm xuống. Ngay sau đó, tiếng “Bụp” khô khốc vang lên, cây cột bật ra những mảng xi măng.

Đôi chân như chày sắt không dừng lại, nó tiếp tục xé gió với đích đến là người võ sĩ già thân hình nhỏ thó, đã sắt lại theo thời gian. Đối lại với những cú đá hiểm hóc và dũng mãnh, chiêu Độc xà thám nguyệt một lần nữa được lão võ sĩ sử dụng. Và, một lần nữa rắn đã mổ trúng trăng.

Một lần nữa, tinh hoa võ học Bình Định lại được phát tiết, những yếu tố Đức - Tài của người luyện võ nói chung và người võ sĩ Bình Định lại được bộc lộ.

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương - 5

 

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương - 6

 

Khi tập tuyệt chiêu này, võ sư Phan Thọ bố trí các hình nộm xen kẽ nhau, đồng thời buộc dây chằng chịt ngang tầm thắt lưng chúng. Sau đó ông tập né tránh, luồn qua dây, lách qua các hình nộm cho thật lanh lẹ, nhuần nhuyễn.

Đây là chiêu thức cúi hụp người xuống để né đòn đá của đối phương rồi dùng đầu húc thẳng vào các yếu điểm để hạ gục đối phương.

Tuyệt chiêu Độc xà thám nguyệt chia làm 3 bộ: Trung, Thượng, Hạ. Bộ Thượng đánh từ chấn thủy trở lên, bộ Trung - từ chấn thủy xuống đan điền, bộ Hạ - từ đan điền trở xuống.

Nét độc đáo trong chiêu thức này là đòn quyết định nhanh, mạnh, dứt khoát, trong đó yếu tố lấy nhu thắng cương làm tiền đề.

Để làm được điều này, đôi mắt phải cực tinh và bình tĩnh quan sát ưu nhược điểm của đối phương. Từ công sang thủ, thủ sang công hoàn toàn linh hoạt theo cách đối phương ra đòn.

Môn phái nào cũng có những thế võ, bài võ bí truyền mang lại sự tồn tại cho võ đường và luôn chỉ được truyền dạy cho con em trong dòng học, hoặc các đệ tử ruột. Tuy nhiên, với Võ đường Phan Thọ thì không như thế.

“Các thế võ mà ông truyền dạy cho tôi không phải chỉ có con em trong gia tộc Phan Thọ mới được học. Ông dặn có thể truyền dạy cho bất kể người nào hội tụ tròn Đức - trọn Tài” -  Võ sư Phan Minh Hải, Chưởng môn Võ đường Phan Thọ nói.

Video: Võ sư Phan Minh Hải biểu diễn Chiêu thức Độc xà thám nguyệt

Độc xà thám nguyệt 3 lần xuất hiện, 3 lần hạ gục đối phương - 7

 

Bình luận
vtcnews.vn