Đời sống

Doanh nghiệp Việt chung tay hành động, quyết chặn đứng ô nhiễm rác thải nhựa

Thứ Sáu, 14/10/2022 15:37:13 +07:00

(VTC News) - Trước nguy cơ rác thải nhựa tàn phá môi trường, nhiều doanh nghiệp trong nước đã hành động để giảm lượng nhựa thải ra tự nhiên hay sử dụng các sản phẩm tái chế.

Trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa đang đe dọa môi trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, ngày 4/12/2019, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Một trong các giải pháp quan trọng, có ý nghĩa xử lý tận gốc nguy cơ ô nhiễm, đó là nghiên cứu, phát hiện, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Nói cách khác, giải pháp này đề cao vai trò và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (viết tắt - EPR) trong việc chung tay hành động vì môi trường.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai EPR tại Việt Nam đang đối diện không ít thách thức, dù nhiều doanh nghiệp lớn đã nỗ lực thay đổi, cải tiến công nghệ, hướng tới những giải pháp thân thiện với thiên nhiên.

Thành lập liên minh tái chế 

Tại Việt Nam, các công ty giải khát đối mặt nhiều thách thức trong việc sử dụng nhựa tái chế, vì hiện nay chưa có doanh nghiệp chuyên sản xuất loại nhựa tái chế dùng cho thực phẩm.   

Tháng 6/2019, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì hợp tác thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với mong muốn góp phần vì Việt Nam xanh - sạch - đẹp, thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

PRO Vietnam hỗ trợ phát triển hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.

Là thành viên của PRO Vietnam, Công ty TNHH La Vie, một thành viên của Tập đoàn Nestlé, đã có sáng kiến sử dụng nhựa tái chế (R-PET) trong các sản phẩm của mình. 

Từ năm 2018, La Vie loại bỏ màng co nắp chai vì đây là phần bao bì khó thu gom và dễ thải ra môi trường. Năm 2019, La Vie lần đầu ra mắt sản phẩm sử dụng chai thủy tinh và đầu tư quy trình để thu gom và tái chế hoàn toàn vỏ chai sau sử dụng. Ngoài ra, La Vie cũng đang tập trung vào sản phẩm bình dung tích lớn (loại 19 lít) có thể tái sử dụng nhiều lần

Với cách làm trên La Vie là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam dùng chai được làm từ nhựa tái chế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác nhựa cũng như xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu của Lavie là phấn đấu có thể tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025.

Doanh nghiệp Việt chung tay hành động, quyết chặn đứng ô nhiễm rác thải nhựa - 1

Các thành viên của PRO Vietnam. 

"Nhựa phế thải là một trong những vấn đề lớn gây ảnh hưởng tới môi trường bền vững mà thế giới ngày hôm nay đang phải đối mặt. Giải quyết vấn đề này cần có hướng tiếp cận một cách tổng thể. Chúng tôi cam kết sẽ tìm ra những giải pháp tốt hơn để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế bao bì. Tham vọng của chúng tôi là tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm", ông Mark Schneider, Tổng Giám đốc Nestlé khẳng định. 

Bên cạnh Nestlé, một thành viên khác của PRO Vietnam là Suntory PepsiCo cũng hành động vì môi trường. Tháng 8 vừa qua, Suntory PepsiCo Việt Nam và Công ty TNHH Nhựa tái chế Duy Tân ký biên bản hợp tác chiến lược 5 năm về việc cung cấp nhựa tái sinh để sản xuất bao bì các sản phẩm của Suntory PepsiCo giai đoạn năm 2022 - 2026.

Theo biên bản hợp tác, 2 công ty cam kết hướng tới phát triển bền vững. Suntory PepsiCo đang từng bước chuyển đổi các bao bì từ vỏ chai vPET (bao bì từ nhựa nguyên sinh) sang rPET (bao bì từ nhựa tái sinh), qua đó giảm thiểu lượng rác thải nhựa dùng một lần gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Sau 4 năm, Suntory PepsiCo đã tiết kiệm được 3.500 tấn nhựa. Sáng kiến bỏ màng co ở nắp chai Aquafina, thương hiệu nước nổi tiếng của Suntory PepsiCo, cũng giúp doann nghiệp tiết kiệm 140 tấn nhựa mỗi năm.

Vai trò của chính sách 

Bên cạnh các thương hiệu nước giải khát lớn, thị trường sản xuất nhựa công nghệ cao tại Việt Nam cũng có những bước phát triển, trong đó có An Phát Holdings - tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Tiền thân là công ty sản xuất bao bì màng mỏng được thành lập năm 2002, nhưng từ năm 2013, An Phát Holdings chuyển hướng nghiên cứu và phát triển nguyên vật liệu thân thiện môi trường, với dòng sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn thương hiệu AnEco.

Doanh nghiệp Việt chung tay hành động, quyết chặn đứng ô nhiễm rác thải nhựa - 2

Bên trong nhà máy sản xuất vật liệu thân thiện của An Phát Holdings. 

Túi và các sản phẩm mang thương hiệu AnEco làm từ nhựa phân huỷ sinh học có khả năng phân hủy hoàn toàn tạo thành CO2, H2O và mùn hữu cơ trong thời gian 6 - 12 tháng, không để lại vi nhựa hay các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, vấn đề của An Phát Holdings cũng như các doanh nghiệp sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nằm ở chỗ: vật liệu công nghệ cao đòi hỏi giá thành cao so với các vật liệu truyền thống, do đó không phải sản phẩm hấp dẫn, được ưu tiên với một các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

"Các doanh nghiệp thích sử dụng nhựa nguyên sinh làm nguyên liệu đầu vào bởi dễ sản xuất, còn sử dụng nhựa tái chế sẽ đòi hỏi phải thay đổi công nghệ cho phù hợp để thiết kế bao bì sản phẩm. Đây có thể là rào cản, khiến nhiều người chưa mặn mà với các sản phẩm tái chế. 

Với người tiêu dùng, thắc mắc phổ biến cũng là sản phẩm, vật liệu tái chế liệu có an toàn không? Tâm lý người dùng luôn muốn dùng đồ mới. Chúng ta cần mở lòng với sản phẩm tái chế để giảm tiêu thụ tài nguyên", ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh (thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam), cho biết. 

Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, nhấn mạnh vai trò của quản lý Nhà nước với phát triển bền vững ở Việt Nam.

"Sản phẩm nhựa dùng một lần và nhựa thông thường đều tiện dụng và giá cả thấp hơn so với các sản phẩm thân thiện môi trường. Các sản phẩm từ nhựa xanh có hàm lượng công nghệ cao, nên giá thành sẽ cao hơn so với nhựa truyền thống.

Để giải quyết bài toán về giá cả, doanh nghiệp cần sự trợ lực từ Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm thân thiện môi trường cũng như những chính sách hạn chế, đánh thuế cao các sản phẩm nhựa truyền thống để tạo sức cạnh tranh về giá cả cho các sản phẩm thân thiện môi trường.

Được sự trợ lực của chính sách tốt thì các doanh nghiệp sẽ nhìn ra thị trường tiềm năng của các sản phẩm thân thiện môi trường, và sẽ chuyển dịch sang hướng sản xuất xanh và người dân cũng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng sang hướng bền vững", đại diện An Phát Holdings khẳng định. 

Theo quan điểm của ông Nguyễn Lê Thăng Long, để đồng bộ mô hình kinh doanh sản xuất theo xu hướng phát triển xanh và bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần trợ lực về chính sách.

Doanh nghiệp Việt chung tay hành động, quyết chặn đứng ô nhiễm rác thải nhựa - 3

Ông Nguyễn Lê Thăng Long mong muốn doanh nghiệp được tạo điều kiện về chính sách để phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Thứ nhất, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà quản trị quốc gia và doanh nghiệp có trình độ cao, hoài bão lớn. Cần phổ biến rộng rãi kiến thức về mô hình kinh tế này cho các doanh nghiệp và người dân để từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt.

Thứ hai, cần thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch, tăng cường sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo trong sản xuất.

Thứ ba, để tạo cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, cần có những chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các dự án bền vững, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.

Dù vậy, trọng tâm thực hiện EPR hay triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn thuộc về tư duy và định hướng của các doanh nghiệp ở Việt Nam. 

"Doanh nghiệp phải giải bài toán lợi ích ngắn hạn, hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất tuyến tính thì phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, rõ ràng cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Đặc biệt, việc giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất sẽ góp phần hiện thực cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050", ông Nguyễn Lê Thăng Long kết luận. 

Hồng Nam - Hồng Quân
Bình luận
vtcnews.vn