Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để... gửi tiết kiệm

Kinh tếThứ Bảy, 04/12/2010 06:20:00 +07:00

TGĐ một ngân hàng CP lớn tại TP.HCM tiết lộ: Một số DN lớn có nguồn tiền mặt dồi dào nhưng vẫn đi vay ngân hàng để kinh doanh tiền gửi tại nhà băng khác...

Tổng giám đốc một ngân hàng CP lớn tại TP.HCM tiết lộ: Hiện tượng một số doanh nghiệp lớn có nguồn tiền mặt dồi dào nhưng vẫn đi vay tiền ngân hàng này để kinh doanh tiền gửi tại nhà băng khác là có thật: “Lãi suất vay ưu đãi của ngân hàng chỉ khoảng 14,5- 15% một năm vì họ thuộc loại khách VIP. Thế nhưng, sau khi vay họ chẳng đem đi kinh doanh mà lại gửi ở nhà băng khác lãi suất 16 - 17%".


Khi ký hợp đồng vay tiêu dùng với một nhà băng ngoại, chị Thanh ở quận Đống Đa (Hà Nội) đồng ý với 2 kỳ giải ngân đầu tiên có lãi suất gần 15% một năm. Tuy nhiên, sau khi giải ngân đợt đầu và chưa dùng hết số tiền thì lãi suất tiết kiệm trên thị trường vọt lên 15%. Chị Thanh tức tốc đem 400 triệu đồng chưa dùng tới gửi tại một phòng giao dịch ngân hàng trên phố Tây Sơn.

Cho tới khoản giải ngân tiếp theo, chị chưa dùng hết thì lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng lên 16%. Nhẩm tính trong vòng một tháng tới, gia đình sẽ chỉ cần dùng vài trăm triệu đồng, còn đến 1 tỷ đồng nhàn rỗi, chị lại gọi nhân viên của một ngân hàng cổ phần tới nhà để làm thủ tục gửi.

“Mình chưa làm gì tới số tiền đó, mà cũng đã vay rồi, gửi được lãi suất cao thì mình vừa đỡ lãi vay, vừa được ‘vênh’ một ít”, chị Thanh cười khi nói về chuyện đi vay rồi đem gửi tiết kiệm.


Người dân đi gửi tiết kiệm nhiều hơn vì lãi suất rất hấp dẫn 

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM cho biết, hiện tượng người dân vay tiền nơi này rồi đem gửi tiền tiết kiệm ở chỗ khác không nhiều. Điều này xảy ra do một số người tận dụng được cơ hội vay giá rẻ với hợp đồng đã ký từ cách đây nhiều tháng. Khi lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng cao, mức gửi tiền thậm chí còn cao hơn cho vay cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, ông này tiết lộ, hiện tượng một số doanh nghiệp lớn có nguồn tiền mặt dồi dào nhưng vẫn đi vay tiền ngân hàng này để kinh doanh tiền gửi tại nhà băng khác là có thật: “Lãi suất vay ưu đãi của ngân hàng chỉ khoảng 14,5- 15% một năm vì họ thuộc loại khách VIP. Thế nhưng, sau khi vay họ chẳng đem đi kinh doanh mà lại gửi ở nhà băng khác lãi suất 16 - 17%. Chúng tôi cũng từng gặp hiện tượng này trước đây nhưng chưa ngăn chặn được triệt để”.

Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh lớn tại Hà Nội cho biết, với một số khách hàng doanh nghiệp thuộc diện đặc biệt, họ có quan hệ giao dịch với nhiều nhà băng khác nhau. Việc họ có dự án cần vay vốn cũng là có thật và lãi suất vay cho đối tượng này thuộc diện ưu đãi nhất. Tuy nhiên, họ có cần tiền tới mức phải đi vay hay không thì cũng khó xác định.

“Với việc một số nhà băng nhỏ sẵn sàng nhận tiền gửi với mức lãi suất rất cao, thì doanh nghiệp ‘tranh thủ’ vay tiền ngân hàng để kinh doanh tiền gửi ở nơi khác cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây không phải là nhân tố tích cực trong bối cảnh hiện nay”, ông này nói.

Nguồn tin từ một ngân hàng nước ngoài lớn cho biết, các nhà băng cổ phần nhỏ hiện không tiếp cận được nguồn vốn liên ngân hàng vì những tổ chức khác xếp họ vào diện danh sách phải đề phòng.

“Cửa duy nhất của họ là từ dân cư và doanh nghiệp. Họ chấp nhận lãi suất cao để phòng thanh khoản cuối năm nên doanh nghiệp và cả người dân cũng có lợi từ việc này”, chuyên gia tiền tệ nhận xét.


Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên cẩn trọng về dòng tiền khi gửi tại đây bởi trong trường hợp muốn rút tiền về giữa chừng khi có việc gấp có thể sẽ gặp khó khăn. Đây cũng là lý do các nhà băng lớn hạn chế cho ngân hàng nhỏ vay trong dịp cuối năm.


Theo Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn