Doanh nghiệp quảng cáo quay cuồng trong đại dịch

Thị trườngChủ Nhật, 30/05/2021 10:50:00 +07:00
(VTC News) -

Mặc dù cả nước đã chấp nhận "sống chung" với đại dịch, song các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau vẫn lao đao, đặc biệt là ngành quảng cáo.

Làn sóng COVID-19 khiến cho nền kinh tế Việt Nam điêu đứng, nhiều doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp đang từng ngày phải quay cuồng tìm hướng đi để vực dậy, đơn cử phải kể đến các doanh nghiệp quảng cáo. Có thể nói, với tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp trong nước bị sụt giảm doanh thu trong thời gian dài kéo theo chi phí cho việc quảng cáo cũng hạn hẹp, quảng cáo chỉ được thực hiện ở mức cầm chừng để người tiêu dùng không quên đi thương hiệu của mình. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp quảng cáo.

Nếu nói một cách đúng thực tế, số hợp đồng quảng cáo có được trong thời điểm dịch bệnh phải giảm hơn 50% so với bình thường. Chưa kể, cách doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp, mỗi tháng, số hợp đồng quảng cáo chỉ nhỏ giọt, kéo theo doanh thu sụt giảm đi đáng kể.

Với diễn biến phức tạp của đại dịch, đặc biệt trong thời gian nhiều tỉnh/thành giãn cách xã hội, ước tính doanh số quảng cáo ngoài trời đã suy giảm 30-40% so với trước dịch.

"Hoạt động quảng cáo những năm gần đây vốn đã khó khăn do một số cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ thì trong hai năm 2020-2021 vướng phải đại dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn", ý kiến của ông Nguyễn Trường Sơn - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã từng trình bày trong công văn gửi đến Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã nói lên thực trạng của các doanh nghiệp quảng cáo đang phải quay cuồng trong đại dịch.

Doanh nghiệp quảng cáo quay cuồng trong đại dịch - 1

Quảng cáo ngoài trời quay cuồng trong đại dịch.

Theo các chuyên gia, khó khăn kéo dài nhiều tháng do dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp trong nước phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm cũng như thu hẹp quy mô kinh doanh. Trong đó, hơn 50% các công ty phải thu hẹp qui mô kinh doanh của mình. Tình trạng này được các doanh nghiệp dự đoán sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng doanh thu của công ty đến tết 2021. Đặc biệt trong đó phải kể đến các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời. 

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời, tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, cung ứng vật tư, thiết bị quảng cáo hầu như bị tê liệt, đình đốn. Quảng cáo báo chí, truyền hình vốn là thế mạnh thì nay lại giảm sút nặng nề và bị lấn át bởi quảng cáo trên mạng xã hội.

Tại TP.HCM - thị trường quảng cáo lớn nhất cả nước, theo khảo sát của Câu lạc bộ Quảng cáo ngoài trời (OOH Club), trong năm 2020 có tới 97,7% thành viên của Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA) bị giảm doanh thu do dịch COVID-19. Cụ thể, 36,7% doanh nghiệp giảm từ 20 - 40% doanh thu; 30% doanh nghiệp giảm từ 40 - 60%; 23,3% doanh nghiệp giảm trên 60% doanh thu. Trong đó hơn 50% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô kinh doanh.

Vật tư, thiết bị, phương tiện sản xuất của các doanh nghiệp quảng cáo chủ yếu nhập từ nước ngoài, nay không nhập khẩu được. Thêm nữa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, vật tư tồn trong các kho trong nước không được luân chuyển, doanh nghiệp dù có việc cũng không tổ chức sản xuất được.

Giá thuê vị trí quảng cáo trên đất công ở nhiều tỉnh, thành không được giảm hoặc gia hạn mặc dù HHQCVN và doanh nghiệp đã có văn bản đề xuất với các địa phương.

Việc sửa chữa, bảo dưỡng bảng quảng cáo định kỳ theo hợp đồng với khách hàng không thực hiện được do quảng cáo không được đưa vào diện dịch vụ, hàng hóa thiết yếu nên doanh nghiệp không được cấp giấy đi đường.

Giao thương bị hạn chế, hợp đồng kinh doanh bị cắt giảm, thị trường bị thu hẹp, nguồn vốn cạn kiệt, thiếu vốn kinh doanh, trong khi đó chi phí thường xuyên (thuê địa điểm quảng cáo, nhà xưởng, kho bãi, nhân công...) không được giảm, người lao động mất công ăn việc làm.

Khó khăn là vậy, thế nhưng các công ty trong ngành quảng cáo lại không nằm trong diện nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. 

Trước những khó khăn đó, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp quảng cáo được tiếp cận, áp dụng đầy đủ, bình đẳng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như doanh nghiệp của các ngành nghề khác.

Trong đó có những giải pháp cấp bách như: Xem xét cho các doanh nghiệp quảng cáo được miễn giảm thuế thu nhập, thuế đất, cho vay vốn ưu đãi và đặc biệt là sớm dỡ bỏ các hạn chế giao thương để các doanh nghiệp nối lại chuỗi thời gian đứt gãy, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp được giảm, gia hạn thuế và miễn tiền lệ phí quảng cáo năm 2020-2021. Đồng thời, được gia hạn thuê miễn phí một năm đối với các bảng thuê đất của Nhà nước để bù cho thời gian mất khách do dịch bệnh gây ra.

Nhật Lê
Bình luận
vtcnews.vn