Doanh nghiệp nhỏ và vừa than khó vay vốn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì?

Tài chínhThứ Sáu, 07/07/2023 10:24:04 +07:00
(VTC News) -

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo, cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) diễn ra vào chiều 6/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có đối thoại trực tiếp về vấn đề lãi suất và tiếp cận tín dụng.

Trong đó, giải đáp những thắc mắc của đại diện doanh nghiệp về việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bà Hồng thông tin, hiện nay Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích.

"Thông tư hướng dẫn của NHNN cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). NHNN cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn", bà Hồng nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Theo bà Hồng, những vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ của chính tổ chức đó. Tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn khác nhau tùy theo mục đích vay, chẳng hạn vay để đầu tư kinh doanh bất động sản, vay để thực hiện dự án xuất khẩu, vay để sản xuất nông nghiệp…tài liệu chứng minh sẽ khác.

"NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật. Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng", bà Hồng nhấn mạnh.

Một số doanh nghiệp cho rằng các ngân hàng thương mại cổ phần huy động lãi suất cao nên cho vay lãi suất cao hơn, có ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác, doanh nghiệp không vay được của ngân hàng thương mại cổ phần.

Giải đáp ý kiến này, Thống đốc giải thích việc quyết định lãi suất huy động và cho vay là do các tổ chức tín dụng tự quyết định, trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nếu không vay được của ngân hàng thương mại cổ phần thì vẫn có lựa chọn vay của các ngân hàng thương mại nhà nước, hiện nay toàn hệ thống có tới trên 2.000 chi nhánh trên khắp cả nước, các ngân hàng có hiện diện tới tận huyện, ngân hàng chính sách xã hội còn có điểm giao dịch tới tận cấp xã.

“Song, những khó khăn của DNNVV cần phải được nhận diện, đánh giá đầy đủ, từ đó mới có giải pháp trúng và đúng. Do vậy, Thống đốc kiến nghị Chính phủ cần tổ chức Hội nghị đánh giá tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV theo Luật hỗ trợ DNVVN để có hướng giải quyết hiệu quả các vấn đề. Theo đó, mỗi bộ ngành, địa phương đều có các giải pháp, chính sách cùng tham gia tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, không thể riêng ngành nào, hoặc chính sách nào giải quyết được hết tất cả các vấn đề”, Thống đốc bày tỏ.

Trong số các giải pháp hỗ trợ, Thống đốc cho rằng, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh cho DNNVV vay vốn, Thống đốc tin rằng, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và DNNVV được hỗ trợ nhiều hơn.

Mặt khác, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, bản thân DNNVV cũng cần khắc phục những hạn chế của mình bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. DNNVV cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin....

Về phía NHNN, thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và diễn biến kinh tế, tiền tệ, tích cực triển khai các giải pháp để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nói chung và DNNVV nói riêng.

Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn