Doanh nghiệp khóc ròng vì thủ tục của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Kinh tếThứ Ba, 06/06/2017 07:30:00 +07:00

Do những quy định pháp luật cứng nhắc của Cục Đăng kiểm Việt Nam, doanh nghiệp đóng tàu khóc ròng khi để tuột mất hàng trăm tỷ đồng hợp đồng đóng tàu.

Như bài báo trước trên VTC News đã phản ánh, anh Bùi Thành Luân (trú tại xóm Thái Hòa, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã thuê Cty Việt Séc đóng tàu bằng vật liệu polypropylen copolyme (PPC) nhưng không được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm, gây thiệt hại lớn.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng chỉ vì quy định tréo ngoe

Nhiều năm nay, ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Cty Việt Séc, doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực đóng tàu bằng vật liệt Polypropylene copolymer (PPC) phải vác hàng chồng hồ sơ đi cầu cứu từ trung ương đến địa phương khi không thể đăng kiểm tàu chỉ vì những quy định tréo ngoe của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Đảo cho biết, vật liệu PPC được sản xuất  tại CH LB Đức, bắt đầu được ứng dụng trong việc chế tạo tàu thuyền từ những năm 1995 tại CH-Séc. Hiện nay, trên thế giới, rất nhiều nước sử dụng sản phẩm và đánh giá rất cao vì có nhiều đặc tính ưu việt.

Video: Công ty Việt Séc chạy thử cano du lịch sức chở 35 người

May mắn được tiếp xúc với công nghệ này, năm 2011, ông Đảo kết hợp với chuyên gia người Séc - ông Jindrich Metal (người phát minh công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC) về Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là nước duy nhất mà Séc chuyển giao công nghệ đóng tàu hiện đại này.

Năm 2013, công ty đóng tàu cho Hải quân. Sau khi xem xét năng lực của nhà máy, và công nhận đăng kiểm của CS Lloyd (một đơn vị đăng kiểm của CH-Séc, Đăng kiểm Hải quân (Bộ Quốc phòng) đăng kiểm cho hàng loạt tàu PPC của công ty cung cấp cho lực lượng vũ trang.

Sau khi đóng thành công hàng loạt tàu loại lớn cho cảnh sát biển, công ty nhận được nhiều đơn hàng đóng tàu dân sự. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) không chấp nhận đăng kiểm với lý do Việt Nam chưa có “Quy chuẩn kỹ thuật” đóng tàu thuyền PPC. Việc này khiến ông Đảo phải hủy và đền bù nhiều hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Trươc sự làm việc quan liêu, cứng nhắc của ĐKVN, ngày 18/6/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là ông Đinh La Thăng đã khẳng định: “Hiện nay, pháp luật không cấm việc đóng tàu bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng với điều kiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện...” (CV số 7783/BGTVT-KHCN về việc ứng dụng vật liệu PPC trong đóng phương tiện thủy nội địa).

Tại CV 7783, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: “Cục ĐKVN công nhận kết quả đăng kiểm CS Lloyd hoặc Đăng kiểm Hải quân hoặc bất cứ một tổ chức đăng kiểm nào khác thực hiện, trên cơ sở đó cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện thủy nội địa vỏ PPC trong giai đoạn chưa ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ PPC”.

Sau chỉ đạo này, hàng chục chiếc tàu, thuyền, cano…, thậm chí 2 chiếc tàu khách PPC lớn, có sức chở 32 người và 56 người do Cty James Boat (một công ty khác cũng chế tạo tàu bằng vật liệu PPC) chế tạo cũng đã được Cục ĐKVN cấp đăng kiểm.

Trước tin vui này, các doanh nghiệp đóng tàu PPC nhận các đơn hàng. Tháng 11/2016, ông Đảo hoàn thiện hồ sơ gửi ra cục ĐKVN để đăng kiểm nhưng lại bị từ chối với lý do sức chở của tàu lớn hơn 12 người.

Sau đó, ngày 20/12/2016 do Bộ GTVT ban hành chính thức thông tư số 43/2016/TT-BGTVT cho phép đóng tàu thuyền PPC chở đến 12 người (Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 28/7/2017).

Thông tư này ra đời khiến doanh nghiệp đóng tàu PPC đứng trước nguy cơ phá sản.

Quy định bóp chết doanh nghiệp, cản trở sức sáng tạo

Theo ông Đảo, ĐKVN ban hành thông tư như vậy cũng không sai. Tuy nhiên, cách làm việc của họ cứng nhắc, quan liêu.

“Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đóng tàu PPC giới hạn kích thước dưới 20m và số khách đến 12 người là bất hợp lý. Trong khi những tàu do chúng tôi sản xuất đã được đăng kiểm hiện nay có kích thước dưới 10m đã được chở đến 12 người thì những chiếc tàu lớn hơn cần phải được tăng sức tải nếu kết quả tính toán thiết kế bảo đảm an toàn.

Tôi phản đối việc ĐKVN đưa ra giới hạn, nếu mai mốt năng lực, trình độ của tôi làm được con tàu 24m, thậm chí là lớn hơn thì lúc đấy ĐKVN lại bảo Tiêu chuẩn quy phạm không có lại không cho làm à? Như thế là cản trở doanh nghiệp phát triển, cản trở sức sáng tạo của doanh nghiệp.

DSC_0152

Tàu CSB chiều dài 14m mà công ty Việt Séc đã đóng và vận hành nhiều năm nay. 

Ngày 30/5/2017, ĐKVN gửi văn bản yêu cầu công ty xin Bộ GTVT sản xuất thử nghiệm cano H30 và H38 nếu phương tiện muốn đăng kiểm sức chở trên 12 người. Trong khi tàu chế tạo, hạ thủy chạy rồi mà họ còn không đến kiểm tra xem thế nào cứ ngồi ở Hà Nội nói doanh nghiệp xin Bộ GTVT cho đóng thử nghiệm. 

Công ty đóng tàu cho Cảnh sát biển chiều dài đến 14m, trang bị hai máy trong tổng công suất 600HP hiện tàu đang hoạt động tốt, so với tàu CSB thì hai cano H30 và H38 quá đơn giản, chiều dài lớn nhất mới có 11m, công suất máy nhỏ hơn. Vậy thì có lý gì mà cứ yêu cầu công ty phải đi đóng thử nghiệm?

Chỉ vì đăng kiểm sức chở trên 12 người mà ĐKVN cứ đòi hỏi phải làm thử nghiệm, theo ĐKVN suy nghĩ thì sức tải của con tàu không phụ thuộc vào kích thước tàu mà phụ thuộc vào ý chí của cơ quan đăng kiểm” – ông Đảo bức xúc.

Ông Đảo nói tiếp: “Về vật liệu PPC thì thế giới cũng đã có những tiêu chuẩn quy định rồi, các thông số cơ lý tính đều có cả, công nghệ hàn nhiệt cũng có tiêu chuẩn, sức tải con tàu dựa trên thông số kỹ thuật, tính toán thiết kế… bằng các thông số khoa học có thể tính toán ra sức tải của tàu chở được bao nhiêu người, sau đó chất tải lên cho chạy, an toàn thì cho đăng kiểm?”.

Ông lấy ví dụ: "Nói như ĐKVN thì khi Dubai xây tòa tháp cao nhất thế giới thì cũng phải xây 1 tòa tháp thử nghiệm bên cạnh hay sao? Việc công trình có an toàn hay không dựa trên các tiêu chuẩn khoa học, kỹ thuật, vật liệu đã được kiểm định và có các tiêu chuẩn rồi.

Chỉ cần dựa vào đó để căn cứ, tính toán xem có đáp ứng được không thôi. ĐKVN làm việc quá quan liêu, máy móc, nếu cứ như thế này thì ngành đóng tàu không bao giờ phát triển được".

Bộ GTVT xem xét sửa đổi quy chuẩn Quốc gia cho tàu PPC

Theo văn bản mới nhất (số 5623/BGTVT- KHCN, ngày 26/5/2017) do Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Nhật gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam (Vr), Bộ GTVT chấp thuận cho phép thiết kế, chế tạo, sử dụng thử nghiệm hai tàu khách F55 (Favourite 55) và F65 (Favourite 65) bằng vật liệu PPC của công ty cổ phần công nghệ James Boat (mọt công ty khác chế tạo tàu PPC) để làm cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng vật liệu PPC trong đóng phương tiên thủy tại Việt Nam.

Bộ GTVT yêu cầu Vr và Tổ công tác về tàu PPC do Bộ GTVT thành lập có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát kỹ thuật cho 2 phương tiện tàu thủy F55 – F65 trên cơ sở phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và theo quy định hiện hành.

Trong giai đoạn chạy thử nghiệm, tập hợp các số liệu thu thập được về an toàn kỹ thuật để làm căn cứ nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi bổ sung Tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho loại tàu đóng bằng vật liệu PPC.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn