Đi tìm mẹ con chị lao công trong bức ảnh Tết chạm đến hàng triệu trái tim

Sức khỏeThứ Hai, 15/02/2016 08:06:00 +07:00

Hình ảnh em bé 5 tuổi quét rác cho mẹ vào ngày mùng 3 Tết làm lay động lòng người, VTC News đã tìm ra nơi ở của hai mẹ con.

(VTC News) – Chúng tôi đã tìm đến ngôi nhà trọ tồi tàn của mẹ con chị lao công trong bức ảnh được cộng đồng mạng xúc động đặt tên “Có mẹ là có mùa xuân”.

Mùng 3 Tết, anh Hồ Hải Hoàng, người yêu nhiếp ảnh đã chụp được những  tấm hình gây xúc động về mẹ con chị lao công. Những tấm hình ghi lại cảnh người mẹ đẩy xe rác, đứa con khoảng 5 tuổi tươi cười giúp mẹ. Trên người em là bộ quần áo Tết đỏ thắm.

Bé 5 tuổi quét rác cho mẹ với nụ cười vui vẻ - Ảnh: Hồ Hải Hoàng  

Ảnh chụp trên đoạn cầu vượt Trung Văn - Mễ Trì, vỉa hè Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Bức ảnh đã khiến cộng đồng facebook dậy sóng với những tình cảm dạt dào dành cho mẹ con chị.

Phóng viên VTC News đã tìm ra được nơi ở  của hai mẹ con người phụ nữ ấy.

Chị Ngô Thị Vân, tổ trưởng tổ Phạm Hùng, hợp tác xã vệ sinh Thành Công cho biết, hình ảnh được đăng tải trên mạng là chị Thơm cùng đứa con nhỏ. Từ mùng 2 Tết, Thơm đã ra Hà Nội để làm việc và ca trực buổi chiều ngày mùng 3, Thơm có đưa theo con gái đi làm.



Bé 5 tuổi quét rác cho mẹ: Em bé mặc quần áo mới ngày Tết cùng mẹ đi làm - Ảnh: Hồ Hải Hoàng 

Chị Vân cho biết, chị Thơm có thuê nhà khu vực gần đường Phạm Hùng nhưng chị không rõ địa chỉ cụ thể. Nếu muốn gặp chị Thơm, 2 giờ chiều mùng 5 Tết, chị lại làm việc ở đoạn đường Đỗ Đức Dục.

Nóng lòng muốn gặp mẹ con chị lao công khiến cộng đồng mạng dậy sóng, chúng tôi đã tìm mọi cách và đã liên lạc được với chị Thơm. Đón tôi ở ngõ, bé gái trong tấm ảnh đẩy xe rác đó vui vẻ ôm chầm lấy tôi cùng về nhà trọ.

Bé Trang với niềm vui con trẻ khi được lì xì.

Trong con ngõ nhỏ ở phố Phú Đô (Hà Nội), người phụ nữ trẻ và con thuê một căn phòng nhỏ ẩm thấp sống qua ngày.

Ôm cháu nhỏ vào lòng, tôi khen bé đáng yêu. Cháu bé chỉ cười bẽn lẽn.

Em bé 5 tuổi sống cùng mẹ trong căn nhà trọ ẩm thấp.

Kể về thời điểm bức ảnh mẹ con chị được đưa lên mạng mùng 3 Tết, chị Thơm bảo: Hôm đó, định khóa trái cửa cho con trong nhà nhưng con cứ muốn đi. Hai mẹ con cùng đi làm việc. Em bảo con ra bãi cỏ ngồi cho đỡ nắng, cháu không chịu, cứ đòi đẩy xe với mẹ cho vui.

“Khi em thấy có anh chụp ảnh em, em cứ ngỡ ngỡ ngàng ngàng, biết đâu anh ấy chụp rồi đưa lên mạng. Em kéo xe đi,” – Thơm kể.

“Lúc em quay ra đón con ở bãi cỏ thấy cháu cầm bao lì xì. Con bảo: Con thấy 2 chú trên cầu, chú cứ đứng chụp mẹ. Chú gọi ra và mừng tuổi con.”
Niềm vui vô bờ khi thời gian ngắn ngủi của Tết, bé Trang được gần mẹ.

Khi phóng viên VTC News gặp mẹ con chị Thơm, cũng là lúc anh Hồ Hải Hoàng, người chụp ảnh 2 mẹ con đến thăm.

“Tôi đi ngang đoạn chân cầu vượt thì thấy 1 đứa trẻ ngồi một mình. Tôi hơi giật mình nhưng nhìn sang đối diện thì thấy người đang quét đường nên đoán đó là mẹ đứa bé,” anh Hoàng kể.
 

“Tôi nghĩ kiểu gì con bé sẽ đẩy giúp mẹ nên bí mật đứng chờ gần tiếng đồng hồ mới chụp được cảnh 2 mẹ con cùng đẩy xe rác. Lúc đó, tôi thấy xúc động lắm. Tôi sửa ảnh và đưa lên mạng luôn.”

Có mẹ là có mùa xuân

Qua câu chuyện, Thơm kể chị quê ở Vân Đình nhưng lấy chồng về Đại Từ, Thái Nguyên.

Năm 2008, Thơm và chồng lên Hà Nội tìm việc. Chị bán nước ở vỉa hè chỗ vòng xuyến chỗ đường Châu Văn Liêm. Đến giờ, chị vẫn tranh thủ bán nước từ 7 giờ tối đến nửa đêm.
 
Cách đây 2 năm, Thơm xin làm thêm quét rác khu vực Đỗ Đức Dục, Phạm Hùng. Ban ngày đi làm đủ 8 tiếng. Tối về lại bán nước. Tết năm nay, chị trực đến hết ngày 29 âm lịch, được nghỉ mùng 1. Mùng 2 bắt đầu làm lại.

Kể về cái Tết của mình, giọng Thơm bỗng chùng xuống: “Tối ngày 29 Tết, làm xong hết việc thu dọn cành đào, cành quất cùng với rác trên đường, em bắt xe về Thái Nguyên thăm gia đình chồng và 2 đứa con. Em ở đó đến chiều mùng 1 thì bắt xe xuống Hà Nội để mùng 2 đi làm.

Sáng ngày mùng 3 cháu ở nhà, nhưng ngủ trưa xong cháu dậy sớm nằng nặc đòi con đi với mẹ nhé. Và Thơm cho con theo.”

Nghe mẹ kể chuyện, cháu bé 5 tuổi nhỏ nhắn cứ khúc khích cười. Vẻ tươi vui của con đối lập hoàn toàn với gia cảnh căn phòng trọ tồi tàn.

 
Tôi nhìn khắp căn phòng chỉ chừng hơn 10 m2 ẩm thấp. Đệm để ngủ được trải thẳng dưới nền nhà, cái ti vi cũ kỹ. Không hề thấy bóng dáng Tết: Không cành hoa, không cành đào.
 
Tôi nhìn khắp căn phòng chỉ chừng hơn 10 m2 ẩm thấp. Đệm để ngủ được trải thẳng dưới nền nhà, cái ti vi cũ kỹ. Không hề thấy bóng dáng Tết: Không cành hoa, không cành đào. Ở một góc phòng trọ là góc nấu nướng lạnh tanh.

Hôm trước nhìn thấy Nguyễn Thu Trang - tên cháu bé - trong ảnh còn rực tươi trong màu áo đỏ, hôm nay nhìn con mặc chiếc áo cũ, quần cộc, thỉnh thoảng ho khe khẽ khiến tôi không khỏi chạnh lòng.

“Con mặc thế có lạnh không?” - Tôi hỏi. Con bé không trả lời, chỉ cười và nép vào lưng mẹ nó…
 
Không thấy bóng dáng người đàn ông ngày Tết, tôi hỏi: “Nãy em kể chồng lái taxi, em còn một cháu trai năm nay học lớp 2 nữa sao chị không thấy?”

Ánh mắt Thơm cụp xuống buồn bã: “Em sinh năm 1988, chồng em sinh năm 1985. Năm 2006, chúng em lấy nhau rồi 2 vợ chồng cùng chuyển lên ở đây, vợ bán nước, chồng đi xe ôm. 3 năm nay thì chồng em xin đi lái taxi. Sau đó, chồng em đi làm suốt. Em đã không ăn Tết với chồng 8 năm nay rồi.”

Khi con trai lớn đến tuổi đi học mẫu giáo, Thơm đưa con về cho bà nội nuôi, rồi đứa thứ 2 - là bé Trang - ra đời, Thơm cũng gửi về quê. Hàng tháng, Thơm gửi tiền cho bà nội chi tiêu nuôi hai đứa trẻ.

“Tết này, em cho cháu lên Hà Nội chơi với em, đến mùng 8, em lại cho Trang về Thái Nguyên đi học.” – Giọng Thơm cứ đều đều, buồn bã.

Thơm cho biết, chị phải tự lo kinh tế rất vất vả để nuôi con. “Em phải chấp nhận xa con để còn đi kiếm tiền nuôi 2 đứa trẻ. Có tháng, em về 2 lần, có tháng về 1 lần trong những ngày nghỉ làm.”

Cũng là phụ nữ với nhau, tôi thấy trào dâng nỗi xót xa khi Thơm một mình nơi đất khách, đến ngày Tết cũng chỉ có đúng một ngày nghỉ để được gần con nhỏ, ngày mùng 2 đã phải đưa cháu đi làm cùng.

Khi ngắm những bức ảnh về tình mẫu tử tuyệt vời ấy, tôi - và có lẽ tất cả các bạn, comment phía dưới với những trạng thái xúc động - đâu biết rằng mẹ con chị lao công lại có cuộc sống thiệt thòi đến vậy.
Giọt nước mắt của người mẹ muốn trào khi nói về 2 đứa con và người chồng đi biệt tăm.

“Nhớ cái năm 2008, chồng em không về, ngày Tết ôm con mà một nghìn em không có, một hạt gạo cũng không. Em bế con ra ngoài đường, đi ra đi vào mà chỉ khóc, chẳng thể làm gì.

Chủ nhà thấy thế, thương, cho em ăn cơm. Mùng 5 Tết, chồng về mua cơm cho ăn, em không ăn nổi.”

“Tết năm nay so với Tết 2008 em đã đỡ hơn nhiều rồi. Em tự đi làm và lo được cuộc sống, không còn phụ thuộc vào chồng - Thơm kể tiếp - Từ khi con em 8 tháng tuổi đến giờ, em tự làm và tự lập, mẹ con em phụ thuộc gì nữa. Trộm vía đẻ con ra không ốm đau, chứ không chắc em còn khổ hơn. Trong ngày Tết và năm mới em mong ước: Chỉ mong sao, 2 đứa mạnh khỏe. Cuộc sống riêng của em thì sao cũng được.”

“Em nghĩ mình phải cố gắng làm việc, cố gắng sống để làm và lo cho con ăn học đàng hoàng - Thơm kể, vẫn chất giọng đều đều buồn bã, nhưng đôi mắt lại thấy sáng lên niềm hy vọng - Tiền làm lao công và làm thêm chắt chiu cũng lo đủ cho cháu học ở quê.”


Nguyễn Tâm
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn