Đến thời "hàng bán rẻ nhất Hà Nội" không ai thèm ngó

Kinh tếThứ Tư, 18/04/2012 01:03:00 +07:00

(VTC News) - Dù đã tung đủ chiêu thức khuyến mại, giảm giá, nhưng nhiều cửa hàng thời trang tại Hà Nội vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.

(VTC News) - Dù đã tung đủ chiêu thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu sau khi có thông tin lương tối thiểu của công chức tăng, nhưng nhiều cửa hàng thời trang tại Hà Nội vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.

Đủ chiêu trò

Những ngày gần đây, dạo qua các con phố tập trung nhiều “shop” (cửa hàng) quần áo thời trang tại Hà Nội như: Hàng Bông, Cầu Giấy,  Nguyễn Khang, Chùa Bộc... dễ nhận thấy số lượng biển quảng cáo giảm giá "sốc", khuyến mãi "khủng" đã giảm đi trông thấy.

“Người mua đã quá “nhờn”, thậm chí phát ngán với mấy chiêu thức đó rồi nên họ thờ ơ với biển quảng cáo sale off (giảm giá) là điều dễ hiểu. Bản thân mình là một người kinh doanh giờ ra đường còn dửng dưng với chuyện người ta giảm giá bao nhiêu % khi mua hàng, huống chi người khác”, chủ một shop thời trang ở Phùng Khoang (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết.

Hàng hiệu giảm giá tới 50%, nhưng vẫn ít người nhòm ngó 

Còn theo quan sát của PV VTC News, tại Hà Nội, lượng khách ra vào tại các cửa hàng quần áo ở Cầu Giấy hay Chùa Bộc vẫn không hề suy giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, người mua thì ít, người ngắm thì nhiều.


Bất chấp việc nhiều cửa hàng khuyến mại, giảm giá “sốc” (từ 20 – 75%) với nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt, người mua vẫn…lặng lẽ ra về. Nhiều shop vì làm ăn thua lỗ đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

Qua tìm hiểu, nhiều chủ cửa hàng thời trang thừa nhận, chiêu “sale off” giờ xưa như …Trái đất rồi. “Nhưng vẫn không thể thiếu các biển quảng cáo kiểu đó. Mình cứ để biển sale off, bắt được “con gà” nào thì bắt”, anh Tú – chủ một shop thời trang ở Sài Đồng (Long Biên – Hà Nội) nói.

Theo tiết lộ của chủ một shop thời trang khác, vẫn là chiêu ấy, nhưng người ta đổi từ giảm giá sang dùng từ thanh lý.

Hàng loạt cửa hàng trên đường Minh Khai hay đường Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, HN) hoặc ở Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, HN) …hiện đang sử dụng chiêu này.


Dù nhiều shop xả hàng lỗi mốt với giá "sốc", các "thượng đế" vẫn thờ ơ  

Với những tấm biển lớn có in dòng chữ “thanh lý hàng đông”, “thanh lý hàng hè lỗi mốt”, “xả hàng đông”, “xả hàng hè 2011”…, nhiều người mua khó lòng làm ngơ. Thậm chí, tại những trung thương mại lớn như, pico mall, Parkson, hoặc tại hệ thống cửa hàng uỷ quyền của mình, nhiều hãng thời trang danh tiếng trên thế giới cũng sử dụng chiêu thức này để “câu khách”.


Táo bạo hơn, có những shop trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, HN) còn treo biển thanh lý cửa hàng hàng tháng trời. Nhiều người tá hoả khi biết hàng hoá ở những cửa hàng đó chẳng lúc nào vơi, thậm chí vẫn đầy ứ  mọi lúc.

Không chỉ thế, cạnh biển thanh lý toàn bộ sản phẩm, chủ một số cửa hàng ở đây còn treo thêm biển “Ở đây bán rẻ nhất Hà Nội”, hoặc “Ở đâu rẻ hơn, trả lại tiền” để tăng uy tín với khách hàng. Còn để có được trọn vẹn niềm tin của “thượng đế”, họ tặng thêm cho các khách hàng ruột những thẻ VIP.

“Có thẻ VIP trong tay, bạn là khách hàng kim cương của chúng tôi, và lần sau khi tới mua hàng, bạn sẽ được giảm giá tuỳ độ VIP của mình”, nhân viên bán hàng tại một shop thời trang ở Cầu Giấy nói với khách.

Chiêu "bán rẻ nhất Hà Nội" đã trở nên lỗi thời?  

Hết giảm giá “sốc”, người ta đua nhau chuyển sang khuyến mại “khủng” mua 1 tặng 1, thậm chí mua 1 tặng 3. Để bán được nhiều hàng hơn nữa, các shop thời trang còn lựa mẫu xinh, tung ảnh “hot” lên các mạng xã hội mỗi lần có đợt hàng mới về.

Ế ẩm vì …của rẻ là của ôi?

Chị Trang (25 tuổi, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, HN) kể: “Lần trước đi săn hàng hiệu giảm giá với tụi bạn ở Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), tôi phát rồ khi về tới nhà mới biết chiếc áo hiệu Chanel được mua với giá chỉ bằng một nửa giá gốc của mình bị mục chỉ be bét như hàng second-hand. Trong khi đó, chiếc quần không nhãn mác với giá ưu đãi chỉ 100.000 đồng (bằng 1/3 giá ban đầu) khi giặt ra màu đỏ sậm trông đến kinh”.

Nhiều “thượng đế” khác cũng gặp phải tình huống bi hài tương tự như chị Trang do tham đồ rẻ, hàng giảm giá, nhưng chẳng biết kêu ai.

Của rẻ là của ôi? 

“Có những cửa hàng treo biển “Hàng mua rồi, miễn trả lại” và trên thực tế, họ chẳng có tý trách nhiệm nào với sản phẩm mình đã mua ở đó chứ chưa nói gì tới hàng khuyến mại nếu chẳng may chúng bị lỗi. Do vậy, một khi đã xác định mua hàng sale off, chúng tôi phải tự bảo vệ lấy mình bằng cách kiểm tra kĩ trước khi mua thôi”, chị Trâm Anh (30 tuổi) nói.


Trong khi đó, anh Dương (Ba Đình, HN) than: “Hôm 8/3 vừa qua, tôi hí hửng vào một shop hàng đồng giá chỉ 195k (195.000 đồng – pv) ở Bạch Mai (Hai Bà Trưng, HN) để tìm mua váy tặng bạn gái. Khi chọn được một chiếc ưng ý, hỏi giá thì nhân viên ở đó cho biết, chiếc váy tôi ưng trị giá 485.000 đồng. Hỏi ra mới biết, họ chỉ đồng giá một gian hàng trong shop, còn lại…”.

 

Cũng với tâm lý “tăng xin, giảm mua”, Oanh, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói: “Giờ ai chả biết khuyến mại nhiều khi chỉ là trò bịp bợm. Em vẫn trung thành với quần áo ở chợ đêm sinh viên vì chúng rẻ. Còn hơn vào shop mua hàng dởm mà giá thì "cắt cổ". Sinh viên tụi em đi dạo các shop chỉ để …ngắm thôi!”.


Cô Là, một nhân viên thư viện than thở: “Phải tới 1/5 tới đây, lương tối thiểu của công chức mới tăng lên 1,05 triệu đồng/tháng, tính ra chưa bằng tiền mua một chiếc áo hàng hiệu. Vậy thì việc các shop thời trang hàng hiệu giảm giá, khuyến mại ồ ạt có nghĩa lý gì? Ai giàu vẫn cứ mua thôi, còn dân công chức vẫn thơ ơ với khuyến mại khủng mà thôi”.

Bài và ảnh: Minh Quân


Bình luận
vtcnews.vn