Đến Bảo tàng Quân đội, xem "báu vật chiến trường"

Tổng hợpThứ Năm, 16/12/2010 10:38:00 +07:00

Nếu ai đó nói những vật cũ nát và hỏng hóc chỉ là những thứ bỏ đi, điều đó hoàn toàn sai khi họ tham dự Triển lãm “Những kỷ vật kháng chiến – Dấu ấn thời gian”.

Nếu ai đó nói những vật cũ nát và hỏng hóc chỉ là những thứ bỏ đi, điều đó hoàn toàn sai khi họ tham dự Triển lãm “Những kỷ vật kháng chiến – Dấu ấn thời gian”. Bởi ở đó, những vật dụng tưởng như rất đỗi bình thường kia lại chứa đựng và tái hiện biết bao câu chuyện hào hùng, cảm động về cuộc sống, chiến đấu, hy sinh và cả chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong chiến tranh.

Được khai mạc vào chiều ngày 15-12 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Triển lãm trưng bày 1033 hiện vật chọn từ hơn 11.000 kỷ vật kháng chiến trong Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” diễn ra trong 3 năm qua. Nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo  Đảng, Nhà nước và Quân đội, các đại sứ và đại diện các cơ quan, tổ chức tại Hà Nội đã đến dự.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, triển lãm là sự tri ân, tôn vinh những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần giáo dục lòng yêu nước và những tình cảm cách mạng trong sáng cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân, động viên các tổ chức, đơn vị, địa phương, và cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hiến tặng kỷ vật kháng chiến.

Một cựu chiến binh đang xem những hình ảnh và tư liệu tại Triển lãm. 

Triển lãm bao gồm 4 phần chính: Phần mở đầu giới thiệu khái quát về Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”, Phần giới thiệu kỷ vật kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Phần giới thiệu kỷ vật kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) và Phần “Tiếp lửa truyền thống” là bức thông điệp của Cuộc vận động gửi tới thế hệ trẻ.

Các kỷ vật kháng chiến được trưng bày trong bốn phần trên đã tái hiện cuộc sống, chiến đấu, sinh hoạt của quân và dân ta. Có những vật dụng rất giản đơn như chiếc lược, đèn dầu đến những cái máy truyền chữ hay chiếc vô lăng nhưng chúng đều gắn với những sự kiện quan trọng hay mang theo mình các câu chuyện xúc động lay động lòng người.

Ngay khi triển lãm mở cửa, khách thăm quan đã đứng chật ních các khu trưng bày. Trong đó có những cụ ở tuổi xưa nay hiếm đến những thanh niên còn đang ngồi trên ghế nhà trường và rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều cựu chiến binh và thanh niên xung phong những người đã hiến tặng các kỷ vật cho cuộc Triển lãm này.

Trong bộ quân phục bạc màu, hai vợ chồng bác Nguyễn Văn Ít và Vũ Thị Như Hiền đang ôn lại những kỷ niệm xưa khi xem lại bộ sưu tập thư đã ngả sang màu vàng. Ngày đó, bác trai còn chiến đấu tại chiến trường, bác gái ở nhà một mình nuôi con. Những cách thư là cách duy nhất hai người liên lạc với nhau. Bác Ít giữ rất cẩn thận toàn bộ số thư đó qua hết trận đánh này đến trận chiến kia, trong đó có cả bức thư do con gái bác gửi khi chị mới biết viết.

Rất nhiều người thuộc các thế hệ khác nhau đã đến tham quan triển lãm.  

Với nét chữ tròn và to, trong bức thư con gái bác viết có đoạn: “em Hương đã nói được rồi gọi bố luôn và chỉ lên ảnh bố con rất khoẻ và lớn con sắp đi học lớp 1 con hứa với bố con sẽ học gioải để bố yêu. Con Thanh Hà”. Dù có một vài lỗi chính tả trong thư nhưng chính bức thư đó như đã tiếp thêm cho bác sức mạnh chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chiến tranh kết thúc, hai bác chuyển về công tác tại Học viên Quân y cho đến khi nghỉ hưu.

Bộ sưu tập thư đó hiện đang được trưng bày tại phần ba của cuộc triển lãm và thu hút rất nhiều người tham quan. Em Bùi Thị Huế, sinh viên năm thứ nhất khoa Việt Nam học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội  và các bạn cùng lớp đã đến Bảo tàng từ rất sớm. Em rất thích thú với những bức thư của bác Ít và bác Hiền, bởi theo em, “những bức thư đó rất sâu đậm và chứa đựng nhiều tình cảm” và bây giờ sẽ rất khó nhận được những bức thư đó khi mà điện thoại và mạng Internet ngày càng trở nên phổ biến.

Nét mặt ưu tư, ông Mark Kintzley tham quan rất kỹ từng gian trưng bày và từng kỷ vật. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến và bị thương tại chiến trường miền Nam - Việt Nam. “Tôi thật sự cảm thấy xúc động và ấn tượng khi tham quan Triển lãm này, nó làm tôi nhớ lại quãng thời gian tôi ở Việt Nam, đó là những kỷ niệm đau thương, tôi lấy làm tiếc vì cuộc chiến đã xảy ra,” ông nói.

Ông Ronald Ward (trái) trò chuyện với hoạ sĩ Lê Đức Tuấn (phải) 


Mặc dù đã nghỉ hưu sớm nhưng ông Mark rất quan tâm đến Việt Nam, ngay khi biết có cuộc Triển lãm về những kỷ vật kháng chiến ông đã cùng con trai tham gia. Hiện con trai ông đang làm việc tại Hà Nội, anh làm cho Văn phòng MIA – Hoa Kỳ. Ông tâm sự: Thông qua Triển lãm này, tôi thêm hiểu hơn về con người Việt Nam và sự hy sinh của họ trong chiến tranh. Tôi cảm thấy rất vui vì người Việt Nam trong đó có cả những quân nhân từng tham gia chiến tranh, rất thân thiện và cởi mở ngay cả với những cựu binh Mỹ như tôi.

Đặc biệt, Triển lãm còn là nơi gặp mặt của những người bạn mới quen nhưng như đã thân từ rất lâu rồi. Ông Ronald Ward, Chuyên viên Giải quyết thương vong thuộc Văn phòng MIA tại Hà Nội, rất muốn gặp hoạ sĩ Lê Đức Tuấn tại Triển lãm. Hai người mới quen nhau chưa lâu nhưng rất thân thiết sau khi ông giúp chuyển cuốn ký hoạ tới hoạ sĩ Lê Đức Tuấn. Qua các thông tin đại chúng, cuốn ký hoạ, được coi là cuốn nhật ký “đừng đốt bằng tranh” đã được nhiều người biết đến.

Ông Ronald Ward tâm sự: “Tôi đã bị cuốn hút ngay từ lần đầu được nhìn thấy cuốn ký hoạ của ông Tuấn. Đó là những bức tranh rất đẹp được vẽ bởi một người lính trẻ trong khi chiến tranh ác liệt đang xảy ra.” Ông hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều kỷ vật chiến tranh được trao lại giữa các cựu chiến binh hai nước.

Với vốn tiếng Việt khá, ông hỏi hết người này đến người khác về hoạ sĩ Tuấn. Đến gian trưng bày thứ hai của Triển lãm thì ông Ronald Ward gặp được, hai người bắt tay nồng ấm và nói chuyện vui vẻ. Ông Ronald Ward nhắc hoạ sĩ Tuấn đừng quên đến dự tiệc ông mời cuối tháng này.Cựu chiến binh Lê ĐứcTuấn  hứa sẽ đến và sẽ tặng ông một món quà đặc biệt.

Nhân dịp này, Báo Quân đội Nhân dân cũng đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những kỷ vật kháng chiến”. Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội với trên 300 bài viết được gửi về toà soạn. Hơn 10 giải thưởng đã được trao cho các tác giả có tác phẩm đạt giải.

Theo QĐND

Bình luận
vtcnews.vn