Phóng sự

Đêm thứ Bảy định mệnh trong đìa dứa của 32 dân công hỏa tuyến

Chủ Nhật, 30/04/2023 07:15:00 +07:00

(VTC News) - “Ba má ơi! chắc con chết. Ba má ơi! con về không được”, tiếng khóc thắt ruột của những nữ dân công trúng đạn vang lên trong đìa dứa giữa đêm khuya ở Sài Gòn.

Vùng đầm lầy mọc chi chít dứa dại ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh nhuốm đầy máu dân công hỏa tuyến. 32 người con anh dũng của quê hương Vĩnh Lộc đã mãi mãi nằm xuống. Ngày ấy, Vĩnh Lộc được coi là “vành đai lửa” của khu Tây Sài Gòn khi nằm tiếp giáp với căn cứ địa Củ Chi và căn cứ Vườn Thơm.

Đêm thứ Bảy định mệnh trong đìa dứa của 32 dân công hỏa tuyến - 1

 

Tối thứ Bảy ngày 15/6/1968 (tức 20/5 Âm lịch), đoàn dân công hỏa tuyến gồm 55 người của ấp Tân Hòa 1, ấp Tân Hòa 2 (xã Vĩnh Lộc) được triệu tập để vận chuyển hai thương binh của Sư đoàn 9 nằm dưới ghe ở Bưng Cát (xã Vĩnh Lộc) về ấp Bình Thủy (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Sau đó, đoàn tải đạn từ Long An về lại điểm tập kết.

Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng nhằm phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta tại Sài Gòn năm Mậu Thân 1968.

Thế nhưng, trong lúc di chuyển, đoàn dân công hỏa tuyến bị máy bay địch phát hiện. Những làn đạn không thương xót của quân thù đã khiến 32 dân công ngã xuống, trong đó có 25 nữ và 7 nam.

Bà Nguyễn Thị Khỏi (79 tuổi), nữ dân công tham gia tải thương đêm 15/6/1968 kể, cứ 19h, dân công hỏa tuyến lại gọi nhau tập trung ở ngã tư Tân Hòa 1. Đến 20h, cả đoàn được lệnh di chuyển đi tải thương. Trời tối đen như mực, đoàn người chủ yếu là phụ nữ tuổi đôi mươi bắt đầu lên đường. Trên tay họ không một tấc sắt nhưng trong tâm trí họ là ý chí kiên cường.

Đêm thứ Bảy định mệnh trong đìa dứa của 32 dân công hỏa tuyến - 2
 

Đường từ ngã tư Tân Hòa 1 hướng về ấp Bình Thủy là con đường gian nan với vô số đầm lầy, dứa dại. Nước ngập tới đùi, tới bụng, cỏ mọc um tùm. Trong đêm nhá nhem, máy bay địch quần thảo vùng trời Vĩnh Lộc, đèn trực thăng soi sáng cả một vùng.

Đoàn tải thương đến khu vực đìa dứa ở bưng Láng Sấu, người dẫn đoàn yêu cầu các dân công ẩn nấp vào đầm lầy bên dưới những cây dứa dại. Tuy nhiên, họ bị địch phát hiện. Vết bùn loang nổi lên mặt nước đã phát giác nơi ẩn nấp của các dân công. Những lùm dứa dại cao 2 - 3m cũng không thể nào che chắn hết từng ấy con người.

Lính Mỹ bắt đầu xả đạn bao quanh khu vực dân công trú ẩn nhằm không để ai trốn thoát. Tất cả chỉ biết nằm yên tại chỗ. Đoàn dân công có 2 người hộ tống cầm theo súng thì bị địch bắn chết đầu tiên. Sau đó, chúng tiếp tục xả đạn vào tất cả những người còn lại. Tiếng kêu la thảm thiết của những người bị thương vang lên trong đêm thanh vắng.

Ba má ơi! chắc con chết. Ba má ơi! con về không được”, tiếng khóc thảm thiết của những nữ dân công vang lên trong đìa dứa.

Lúc ấy, bà Khỏi ngụp lặn trong đầm lầy để tránh đạn nhưng do bụng đã uống đầy nước sình nên bà không thể chịu đựng thêm. Một quả mìn ném xuống chỗ bà Khỏi, bụi dứa bật gốc úp cả lên đầu bà. Xung quanh, địch vẫn xả súng liên hồi vào đoàn người. Biết đã hết cách, bà Khỏi vùng dậy và hét to “chạy, chạy”. Đoàn người nhốn nháo trong đêm đen tìm đường sống.

Nữ dân công Phan Thị Để cũng “mở đường máu” dưới làn mưa đạn cùng bà Khỏi, nhưng máy bay địch đã phát hiện ra hai nữ dân công và truy sát.

Tôi chạy gần em Để nhưng máy bay nó đuổi theo Để. Chúng tôi tách nhau ra, em Để chạy ra cánh đồng cách đìa dứa khoảng 60 mét thì bị địch bắn chết. Để trúng rất nhiều đạn, chết thương lắm. Tôi lao nhanh đến con mương nhỏ rồi nằm xuống, máy bay địch cách tôi hơn chục mét nhưng không thấy tôi vì khuất bờ đê”, bà Khỏi kể lại.

Máy bay địch tiếp tục truy đuổi, bắn tiếp vào những người còn lại. Bà Khỏi dùng hết sức bình sinh bò thật nhanh nhằm thoát khỏi vụ thảm sát kinh hoàng. Về đến Tân Hòa 1, bà báo tin cho những người trong ấp. Một số bộ đội đang dưỡng bệnh đã tức tốc cầm súng chạy vào khu vực đìa dứa. Bộ đội bắn chỉ thiên để dụ máy bay địch đuổi theo.

Hai chiếc trực thăng rời đìa dứa đuổi theo tiếng súng. Bộ đội di chuyển hướng về đồn địch nằm cách đó khoảng 1 km rồi bắn vào đồn này. Trực thăng buộc phải lao về bảo vệ đồn và rời bỏ đoàn dân công.

Ngay tức khắc, người dân ấp Tân Hòa 1 và Tân Hòa 2 kéo nhau ra đìa dứa tìm con em của mình. Ai còn la, còn khóc thì được mọi người kéo ra khỏi các vũng bùn, khiêng lên xe bò chở về nhà. Ai đã chết thì đưa về sau.

Đêm thứ Bảy định mệnh trong đìa dứa của 32 dân công hỏa tuyến - 3
 

Đêm hôm đó, lính Mỹ tiếp tục lùng sục, bao vây ấp Tân Hòa 1 và Tân Hòa 2. Quân lính khiêng người bị thương nặng tập trung lại một chỗ, tuy nhiên chúng không chăm sóc họ và để họ chết dần.

Những người bị thương nhẹ được áp giải ra đường. Máy bay lần lượt chở những người này đi bệnh viện ở Củ Chi chữa trị và phục vụ việc thẩm vấn của địch. Sau khi lành vết thương, họ bị giam tại khám Chí Hòa.

Hôm đó, tôi rủ anh Gùi, bé Lan, bé Bưởi, bé Tài, bé Vân đi tải thương, tải đạn thì tất cả đều chết. Cha mẹ mấy người đó trách tôi quá trời vì kêu con họ đi đúng cái đêm thảm sát. Nhưng sau đó họ cũng hiểu rằng, tất cả việc chúng tôi làm là vì quê hương, Tổ quốc và vì đồng bào của mình. Ai cũng mong đến ngày giải phóng Miền Nam”, bà Khỏi nói.

Đêm thứ Bảy định mệnh trong đìa dứa của 32 dân công hỏa tuyến - 4

 

Cũng như bà Khỏi, bà Phạm Thị Nê tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến đêm 15/6/1968. Bà Nê bị địch bắn khắp người. Đạn trúng ngực, tay và đùi bà. Những vết sẹo lớn vẫn in hằn trên da thịt theo năm tháng. Thế nhưng khi kể về đêm thảm sát kinh hoàng trong đìa dứa, ánh mắt của người phụ nữ 76 tuổi lại sục sôi, hừng hực khí thế hơn bao giờ hết.

Bà Nê kể, hôm đó hai chiếc máy bay bắn xối xả vào đoàn người đang ẩn náu trong đìa dứa. Những nữ dân công trúng đạn, quằn quại vì vết thương liên tục gọi “ba, má”. Một lúc sau, tiếng kêu la bớt dần vì nhiều người đã chết.

Đêm thứ Bảy định mệnh trong đìa dứa của 32 dân công hỏa tuyến - 5
 

Cháu họ của bà Nê là cô Phan Thị Tạo cũng đi cùng bà đêm đó. Hai cô cháu đều trúng đạn. Cô Tạo bị trúng vào đầu, chết ngay tại chỗ. Bà Nê bị bắn vào ngực, tay, đùi cũng lết đi không nổi. Bà nằm kê đầu tạm trên bụng người cháu và mong ước một cơ hội sống nhỏ nhoi.

Lúc trúng đạn, tôi đau lắm. Nhưng mất nhiều máu quá khiến tôi không còn cảm giác đau nữa. Tôi nằm lịm đi và chờ người đến đem về. May mắn là gia đình tôi đã ra đìa dứa kịp thời, mang tôi về chữa trị. 7 năm sau, tôi mới được bác sĩ lấy hết đầu đạn trong người ra ngoài”, bà Nê nói.

Theo bà Nê, tuy vất vả, đau thương nhưng các nữ dân công trong ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 khi đó đều rất hăng hái tham gia cách mạng. Mọi người có thể đi từ tối đến sáng mà không ai than vãn nửa lời. Ai cũng hết lòng cho công việc chung.

Buổi tối của các dân công hỏa tuyến luôn đầy ắp tiếng cười đùa, trêu chọc nhau. Đó là lúc họ tập hợp lại để đi tải thương, tải đạn. Thế nhưng, lúc lên đường làm nhiệm vụ thì vô cùng nghiêm túc và tuân theo mệnh lệnh của cán bộ trong đoàn.

Các nữ dân công đi vác súng, đạn cho bộ đội từ huyện Đức Hòa, huyện Đức Huệ (Long An) về Đình Tân Hòa 1 và ngược lại. Nếu đi suôn sẻ thì 1 - 2h sáng là đoàn người về tới nhà, gặp hôm đụng quân địch thì phải đi lòng vòng xa hơn, đến 3 - 4h.

Sau trận thảm sát, đội hình dân công của ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 tản ra để tránh sự chú ý của địch. Một số người vẫn bí mật đi theo cách mạng. Số còn lại trở về nhà và tiếp tục công việc thường nhật của mình.

Con đường mà các dân công hỏa tuyến thường xuyên di chuyển ngày ấy giờ đã được đặt tên là Dân Công Hỏa Tuyến hay còn gọi là đường Nữ Dân Công. Tuyến đường dài gần 2 km đã được cải tạo, xây dựng khang trang.

Đêm thứ Bảy định mệnh trong đìa dứa của 32 dân công hỏa tuyến - 6
 

Trên đìa dứa ở bưng Láng Sấu ngày ấy cũng đã được xây dựng Khu di tích dân công hỏa tuyến nhằm tưởng nhớ 32 dân công kiên cường. Bên trong khu di tích vẫn còn chiếc xe bò từng chở các dân công bị thương và chết trong trận càn của địch đêm 15/6/1968.

Xã Vĩnh Lộc ngày trước chính là xã Vĩnh Lộc A của ngày hôm nay. Ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 nay cũng chính là ấp 4, ấp 5 của xã Vĩnh Lộc A hiện tại.

Để khắc ghi công lao to lớn của dân công hỏa tuyến vùng “vành đai lửa” Vĩnh Lộc, năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 32 dân công hỏa tuyến năm Mậu Thân 1968.

Khu di tích dân công hỏa tuyến được UBND TP.HCM công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Đây cũng là nơi lưu giữ những dấu tích sáng ngời của thanh niên vùng ven Sài Gòn trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho quê hương, đất nước.

Bình luận
vtcnews.vn