Để lễ khai giảng mang ý nghĩa thiêng liêng, cần nói không với đọc diễn văn thành tích

Giáo dụcThứ Ba, 29/08/2017 06:55:00 +07:00

Trong vài năm trở lại đây, vấn đề ngày khai giảng của học sinh trở thành ngày để các cấp lãnh đạo nhà trường đọc diễn văn báo cáo thành tích, dài dòng và lan man, hoặc trở thành buổi lễ của các nhà tài trợ là đề tài khiến không ít phụ huynh phải lo ngại “ngày khai giảng không còn là của học trò”.

Video: Hà Nội chỉ khai giảng trong 1 tiếng đồng hồ

Bệnh thành tích 'chen chân' vào ngày khai trường

Chỉ còn chưa đến 1 tuần nữa, ngày khai trường 5/9 sẽ chính thức diễn ra trên toàn quốc.

Trong những ngày gấp rút của buổi lễ, không chỉ học sinh, mà những bậc phụ huynh vẫn chưa thể gạt bỏ hết những lo lắng, bởi thực trạng trong vài năm trở lại đây, việc học sinh đến trường trước khai giảng sau đã khiến ngày lễ vốn thiêng liêng mất đi ý nghĩa “ngày đầu tiên đến trường”.

hoc-sinh 4

 Cần phải tạo ấn tượng tốt cho trẻ trong lần đầu tiên đến trường. 

Không những thế, việc buổi lễ khai giảng trở thành nơi để lãnh đạo nhà trường đọc những bài diễn văn báo cáo thành tích dài dòng, khiến ngày khai giảng trở nên quá hình thức phô trương, không còn là của học sinh.

Chị Vũ Thị Kim Hoa - Giảng viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, cũng là phụ huynh có con đang học tiểu học - chia sẻ: "Bệnh thành tích đã và đang ăn sâu trong ngành giáo dục. Nhiều hoạt động bị hình thức hóa. Hoạt động khai giảng cũng không ngoại lệ.

Những năm gần đây, lễ khai giảng diễn ra quá dài dòng, nhiều bài phát biểu dài lê thê kéo dài tới 15 – 20 phút! nội dung không gần gũi, không thiết thực, không vì học trò. Trong đó nặng về khoe thành tích quá khứ. Trong những bài diễn văn dài dòng, chỉ thấy chúng la ngán ngẩm vì… buồn ngủ.

Có khi hàng ngàn học sinh phải ngồi dưới nắng, mưa chờ các vị đại biểu hàng tiếng đồng hồ", chị Hoa bày tỏ.

Phụ huynh Nguyễn Thị Minh (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) không khỏi lo lắng nói: “Nhiều năm trở lại đây, đưa con đến trường nhân ngày khai giảng nhưng chẳng thấy các con vui vẻ. Trời thì nắng chang chang, lãnh đạo thì đứng đọc những bài diễn văn rồi báo cáo thành tích, rồi phương hướng nhiệm vụ dài ngoằng, rồi không biết từ bao giờ lễ khai giảng nhà trường cũng mời những nhà tài trợ phát biểu này nọ… mà đâu hiểu học sinh đâu muốn ngồi đội nắng để nghe. Đó đâu còn là lễ khai giảng dành cho chúng?”.

Theo chị Minh, chị Hoa và nhiều bậc phụ huynh khác, lễ khai giảng là ngày lễ ý nghĩa với lứa tuổi học trò, đương nhiên không thể bỏ. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo phải làm sao để lễ khai giảng có thể tạo động lực, và sự hào hức cho học sinh trước thềm năm học mới. Phải là lễ khai trường đúng nghĩa vì học trò.

5.9.kg

Ngày khai giảng phải lấy học sinh làm trung tâm.  

Không đọc diễn văn thành tích để tránh phô trương, hình thức

Trong Hội nghị Tổng kết cuối năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh và chỉ đạo ngành GD-ĐT về việc chọn một thời khắc khai giảng đồng loạt cả nước, làm đúng nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu phải ngắn gọn, dành nhiều thời gian cho giáo viên và học sinh hơn, phải lấy học sinh làm trung tâm…

Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn khai giảng và tổ chức một số hoạt động đầu năm học 2017 - 2018. Theo đó, thời gian tổ chức lễ khai giảng từ 7h30 - 8h30 phút, ngày 5.9. Như vậy, các hoạt động của buổi lễ diễn ra trong một tiếng.

Sở này cũng yêu cầu lễ khai giảng chú trọng vào việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, để ngày này trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Các nội dung của lễ khai giảng sẽ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư gửi nhân ngày khai trường của Chủ tịch nước, hiệu trưởng tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường, các hoạt động văn hóa văn nghệ.

Đối với cấp học mầm non, các trường tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo về thời lượng, nội dung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tường tốt cho trẻ trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Ngày 28/8, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị giáo dục trên địa bàn TP.HCM về việc, thống nhất các công tác tổ chức lễ khai giảng năm học mới và ngày Hội đưa trẻ mầm non đến trường năm học 2017-2018.

1441242659-1441206641-1441206599-khai-giang

Hiệu trưởng đọc diễn văn trong ngày khai trường cần phải ngắn gọn, không báo cáo thành tích.  

Về công tác tổ chức lễ khai giảng năm học mới, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, ngày lễ khai giảng sẽ được tổ chức thống nhất tại các trường vào lúc 7h30 ngày 5/9, gồm phần “Lễ” và phần “Hội”. Buổi lễ phải được chuẩn bị chu đáo, trên tinh thần ngắn gọn, súc tích, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới.

Cụ thể, ở phần lễ, Cần được tổ chức trang trọng, súc tích, ngắn gọn, với các nghi thức như: Chào cờ, hát quốc ca (không sử dụng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước. Đặc biệt đối với diễn văn khai giảng của hiệu trưởng phải thật sự ngắn gọn, không được báo cáo thành tích.

 Hiệu trưởng thực hiện việc đánh trống khai trường và khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc. Lồng ghép việc tổ chức đón học sinh vào các lớp đầu cấp, vận động học sinh cùng phụ huynh tham gia.

Đặc biệt, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh: Lưu ý chỉ mời lãnh đạo các cấp đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường tại buổi lễ.

Đối với phần Hội: Các đơn vị nhà trường cần tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian vui tươi, sinh động, và lành mạnh nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh, tạo ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là với học sinh đầu cấp.

Riêng với ngày hội đưa trẻ mầm non đến trường, các trường cần phải tổ chức chu đáo, nội dung sinh động, nhằm tạo ấn tượng tốt cho trẻ trong lần đầu tiên đến trường.

Để chuẩn bị tốt cho buổi lễ khai giảng đang cận kề, Sở GD-ĐT nhắc nhở các đơn vị giáo dục trên địa bàn khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, thực hiện đúng quy định về việc thu và sử dụng học phí theo hướng dẫn của Sở. Đồng thời, quan tâm thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ miễn giảm học phí đối với những trường hợp học sinh khó khăn, khuyết tật, con em thương binh,…

Nhà trường cần kiểm tra, tháo dỡ các câu khẩu hiệu đã cũ hoặc nội dung không còn phù hợp. Việc phối hợp chính quyền địa phương, công an các cấp nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong và xung quanh trường học trong dịp khai trường cũng là thiết yếu cần được quan tâm.

Video: Học sinh Triều Tiên khai giảng như thế nào?

Dương Thương
Bình luận
vtcnews.vn