Dạy trẻ con dễ, dạy người lớn mới khó

Giáo dụcThứ Ba, 25/02/2014 07:22:00 +07:00

Bình thường con trẻ học từ người lớn, từ gia đình..., nhưng hiện nay người lớn cũng gặp vấn đề khiến các em không thể học hỏi từ nguồn này.

Trong buổi ra mắt cuốn sách dành cho thiếu niên "Nhật ký Sen trắng - Chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh" của giáo sư Cao Huy Thuần cuối tuần qua, người tham dự chứng kiến một cuộc đối thoại thú vị giữa người già và người trẻ về giáo dục thiếu niên.
Buổi trò chuyện có sự tham gia ý kiến của GS Cao Huy Thuần, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn và tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh.

Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn cho rằng trẻ em Việt Nam hiện nay (và trong một thời gian dài) đang chịu sự áp chế quá lớn. Ở trường, các thầy bộ môn đua nhau ra bài tập về nhà "một cách kinh khủng", không để các em có thời gian vui chơi, tập thể thao, du ngoạn hay đọc sách.

Về đạo đức và lối sống, bình thường con trẻ học từ người lớn, từ gia đình..., nhưng hiện nay người lớn cũng gặp vấn đề khiến các em không thể học hỏi từ nguồn này được.

Cao Huy Thuần, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Xuân Xanh, trẻ em, triết học, Nhật ký Sen trắng - Chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh, giáo dục, dạy con
Từ trái sang: GS Cao Huy Thuần, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn

Góp lời tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh cho biết, giáo dục cơ bản bao gồm: đức dục (giáo dục về đạo đức), trí dục (giáo dục trí tuệ), và thể dục (giáo dục về thể chất).

Hiện nay, cả 3 mảng này đều không được quan tâm và nhìn nhận đúng mức. Ông cũng đặt câu hỏi về việc tại sao người Việt thường không thể tranh luận với nhau? Trong quá trình tranh luận thường xảy ra hiện tượng mạt sát, công kích cá nhân dẫn đến một bên bị chạm tự ái và không thể tiếp tục tranh luận.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh cũng nêu hiện tượng: khi tri thức ít, người ta thường lấy quyền lực để thay thế cho tri thức. Một ví dụ của việc này là cha mẹ không thể trò chuyện thấu đáo với con cái, thường áp đặt nhân danh vị trí của mình.

Thú vị nhất là phần hỏi đáp từ một độc giả trẻ tuổi.

Anh nói: "Giáo sư Cao Huy Thuần viết sách để giáo dục thiếu niên, vậy ông có thể viết sách giáo dục phụ huynh không?"

Và anh kể ra 3 câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất, trong một buổi đi siêu thị, cháu tôi kéo mẹ đứng vào xếp hàng thì mẹ cháu bảo "Sao mày ngu quá vậy? Mày xếp hàng thì đến khi nào mới được lên quầy đầu?". Tôi đã rất sốc.

Câu chuyện thứ hai, một đứa bé thích chơi nhạc, bố mẹ bảo cháu là "Mày chơi nhạc có kiếm ra tiền không con?".

Trong câu chuyện thứ ba, đứa bé thường có những hoạt động tự thân như đọc sách, tự giải trí, má cháu lại khuyên "Con cố gắng đi các lớp học thêm bổ trợ kiến thức Toán, Lý, Hóa để đi thi đại học cho đậu". Tôi thấy giáo dục trẻ em dễ hơn giáo dục phụ huynh nhiều".

Cao Huy Thuần, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Xuân Xanh, trẻ em, triết học, Nhật ký Sen trắng - Chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh, giáo dục, dạy con
Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn cho biết, trẻ em vốn học từ người lớn, nhưng hiện nay người lớn cũng đang có vấn đề

Chia sẻ của độc giả làm dấy lên câu hỏi: sẽ ra sao khi trẻ con đúng còn người lớn thì sai? Nhiều người trong khán phòng tin rằng, trẻ em vốn có rất nhiều tiềm năng, nhưng dần bị thui chột và đi vào lối mòn sau khi đã trưởng thành, chịu hệ quả của áp lực gia đình, xã hội.


Bình luận
vtcnews.vn