Dạy con “nghiêm” nhưng đừng “khắc”

Tổng hợpThứ Hai, 05/12/2011 04:36:00 +07:00

"Trẻ quen được chiều chuộng thì sau chẳng làm được gì ra hồn"

Do được tiếp cận với môi trường giáo dục hiện đại ngay từ nhỏ, Phương Linh, Giám đốc một tổ chức phi Chính phủ tại Hà Nội đã lên kế hoạch nuôi con theo “kiểu Tây”. Trẻ quen được chiều chuộng thì sau chẳng làm được gì ra hồn, Linh quả quyết.

“Kỷ luật sắt” từ lúc nằm nôi
Dù con gái chưa đầy một tháng tuổi, Linh đã quyết định đưa con đi biển nghỉ dưỡng. Và đương nhiên, vừa nghe qua quyết định này mẹ chồng cô đã phản đối vì “con bé chưa tròn một tháng, còn con mới sinh vết mổ chưa lành”. “Tôi đã giải thích với mẹ chồng rằng ở nước ngoài, phụ nữ sau khi sinh không kiêng cữ bất cứ thứ gì, đứa trẻ vài ngày tuổi đã được đi tắm biển, chơi tuyết cho dạn dĩ. Cứ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, trẻ ốm đau, quặt quẹo là phải”, Linh giải thích. Và rồi, mặc kệ người thân khuyên can, cả giận dữ, trách mắng, Linh đã cùng chồng đưa con mình đi Nha Trang tắm biển. “Tôi muốn con mình phải tự lập ngay từ giai đoạn nằm nôi”. Cũng chính bởi quan niệm này mà từ khi sinh con, Linh và mẹ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Mỗi lần Linh đưa con đi tắm nắng hay dạo phố, mẹ chồng cô lại than ngắn, thở dài.
Cũng chỉ vì tạo cho con ăn sâu nếp nghĩ phải tự lập, không được ỷ lại, yếu đuối, chị Phan Thu Ngọc, ở phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm: “Muốn con tự lập, ngay từ nhỏ tôi muốn con tự mình làm mọi việc, không được ỷ lại vào bố mẹ. Cách đây mấy ngày, tôi bị ngã gãy xương vai. Tuy vậy, cậu con trai 9 tuổi của tôi không hề hỏi thăm mẹ lấy một lời. Tôi có nhờ con lấy hộ cốc nước cháu cũng từ chối nói “con bận”. Tôi buồn và sốc nặng, hỏi con sao không quan tâm đến bố mẹ thì cháu thản nhiên đáp: “Bố mẹ dạy con nếu bị đau phải chấp nhận, không được quấy khóc, kêu la. Phải tự mình phục vụ mình, không được nhờ vả người khác”. Tôi nghe mà đau từng khúc ruột."
Bố mẹ nên giữ vai trò là người bạn đồng hành đi bên cạnh, định hướng, uốn nắn cho con
trên mỗi bước đường con đi. (Ảnh: Inmagine)
 

Có quan niệm hoàn toàn khác với con dâu, bà Vũ Thu Nga, ở đường Đê La Thành, phường Giảng Võ chán nản thở dài: “Cứ nhìn cách chăm con của con dâu là tôi lại ngán ngẩm. Do làm việc cho công ty của nước ngoài nên nó bị nhiễm cách nuôi con kiểu “Tây” hoá. Chẳng thế mà khi con mới hơn 10 ngày tuổi, nó đã cho con ra ngoài, 1 tháng đã cho đi bơi chung với bố mẹ. Vì vậy, thằng bé thành ra bị viêm xoang nặng. Tôi nói kiểu gì con dâu tôi cũng bỏ ngoài tai, thậm chí, nó còn cho rằng tôi là bà già cổ lỗ sĩ, không hiểu gì về cách nuôi dạy con kiểu hiện đại. Sống chung với vợ chồng con trai nên ngày nào tôi cũng phải chứng kiến cách nuôi con kiểu Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta mà thấy mệt mỏi”…
Thận trọng kẻo phản tác dụng
Bà Lê Thị Túy, chuyên gia tư vấn tâm lý - Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam cho rằng, xu hướng tạo cho con một lối sống tự lập ngay từ nhỏ đang được nhiều cặp vợ chồng trẻ áp dụng. Tuy vậy, tự thân không đồng nghĩa với chuyện bỏ rơi trẻ. Việc trẻ mới một, hai tháng tuổi đã phải ngủ một mình, không người lớn bên cạnh, khóc không ai dỗ, không chịu ăn là bị bỏ đói là biểu hiện của sự “Tây hóa” thái quá. Bên cạnh đó, có không ít ông bố bà mẹ dạy con rất thoáng, không định hướng cho con vào khuôn khổ, con muốn làm gì tùy thích, bố mẹ không gò ép hay ngăn cản.
Mỗi gia đình dạy con dù là theo “Tây” hay “ta”, thì phương pháp nào cũng phải dựa trên tình yêu thương và lắng nghe. Bản thân tôi đã tiếp xúc với một số cháu có biểu hiện tự kỷ, xa lánh người thân, sống thu mình và bàng quan với mọi sự việc diễn ra xung quanh, luôn có cảm giác bị bỏ rơi. Khi được vỗ về, an ủi cháu đã òa khóc nức nở: “Bố mẹ không thương con, khi con ngã chảy máu chân không đứng lên được, mẹ cũng không dìu con dậy. Mẹ để con tự bò đi lấy thuốc, tự băng chân. Con muốn ngủ với mẹ vì sợ ma, nhưng mẹ đuổi con về phòng. Con học không hiểu nhờ bố mẹ giảng lại thì họ lại bắt con tự suy nghĩ. Con ghét bố mẹ, con không thích ở nhà mình. Con cũng không thèm quan tâm đến bố mẹ”. Điều này cho thấy cách dạy cho con tự lập của cặp vợ chồng này đã trở lên phản tác dụng.
Cũng theo bà Túy, “phải thừa nhận rằng cách dạy con của phương Tây sẽ tạo cho đứa trẻ tính tự lập khá cao khi trưởng thành. Chúng ta cũng có thể áp dụng kiểu dạy đó đối với con cái mình, nhưng phải biết linh hoạt chọn lựa những điểm tiến bộ phù hợp. Khi áp dụng các phương pháp “Tây” cần chú ý những điểm khác biệt giữa lối sống “ta” và “Tây”, bởi thể trạng trẻ con Tây khỏe hơn trẻ con ta. Ngoài ra khí hậu, môi trường sống của các nước phát triển cũng an toàn hơn Việt Nam. Trẻ có thể đi chơi xa, nhưng không phải là trẻ sơ sinh mà phải sau năm tháng tuổi - khi thể trạng của trẻ đã khá hơn."
Còn với việc cho trẻ ngủ riêng, không nên cho trẻ cách ly bố mẹ khi còn quá bé bởi giai đoạn này có rất nhiều rủi ro. Sự lạnh lùng quá mức của bố mẹ sẽ khiến trẻ có nguy cơ trở thành người vô cảm. Hãy khuyến khích trẻ tự bước đi trên đôi chân của mình, nhưng cha mẹ cần đi bên cạnh vỗ về, nâng đỡ những khi con gặp khó khăn. Sự quan tâm của gia đình và người thân sẽ giúp trẻ tự tin hơn để có thể tự lập dần. Bên cạnh đó, nếu bố mẹ bao bọc con mình quá, trẻ sẽ ỷ lại, thụ động nhưng nuôi theo kiểu “thả rông” lại là bỏ bê con. Bố mẹ nên giữ vai trò là người bạn đồng hành đi bên cạnh, định hướng, uốn nắn cho con trên mỗi bước đường con đi.
Theo ANTĐ
Bình luận
vtcnews.vn