Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang lên cơn đau tim, phải gọi cấp cứu khẩn cấp

Tư vấnThứ Ba, 15/02/2022 09:12:00 +07:00
(VTC News) -

Nhận biết tình trạng bệnh một cách nhanh chóng là điều cần thiết để giúp bạn hồi phục tốt hơn sau khi vừa trải qua một cơn đau tim.

Một cơn đau tim có thể gây ra hiện tượng ngừng tim. Mặc dù vậy, đây là 2 tình trạng hoàn toàn khác nhau nhưng lại hay bị nhầm lẫn với nhau.

Một chiến dịch khảo sát mới đây của Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh quốc (NHS) cho thấy, cứ 4 người thì có 3 người nói rằng mình từng trải qua cơn đau tim. Tuy nhiên, chưa đến một nửa trong số họ nói rằng sẽ gọi cấp cứu nếu mình hoặc người thân mắc một số triệu chứng đau tim ít được biết đến.

Các dấu hiệu ban đầu cho thấy bạn có thể bị đau tim là đổ mồ hôi và tức ngực. Các chuyên gia y tế ở Anh khuyến cáo người dân cần tìm kiếm sự giúp đỡ nếu họ nghĩ rằng mình đang bị đau tim. 

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang lên cơn đau tim, phải gọi cấp cứu khẩn cấp - 1

Giám đốc Y tế NHS, Giáo sư Stephen Powis, cho biết: "Đáng buồn thay, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây ra 1/4 số ca tử vong trên toàn nước Anh. Do vậy, chúng tôi xác định đây là lĩnh vực quan trọng nhất mà chúng tôi phải nỗ lực để cứu sống người bệnh trong vòng một thập kỷ tới

Chiến dịch mới này của NHS sẽ là công cụ quan trọng giúp mọi người nhận biết khi nào họ hoặc ai đó xung quanh đang trải qua cơn đau tim và khi nào thì cần đến sự trợ giúp y tế.

Một số triệu chứng ban đầu có thể bị bỏ qua, vì không phải lúc nào chúng cũng cảnh báo tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, không bao giờ là quá sớm để gọi cấp cứu trong những trường hợp này. Bạn càng được hỗ trợ sớm thì càng có nhiều cơ hội để hồi phục hoàn toàn".

Thống kê cho thấy, có hơn 80.000 người đến bệnh viện vì đau tim ở Anh mỗi năm. Tỷ lệ sống trung bình của những người trải qua cơn đau tim là 7/10. Con số này tăng lên 9/10 đối với những người đến bệnh viện sớm.

Nghiên cứu của NHS cũng chỉ ra rằng, trong khi 70% số người được hỏi biết rằng, đau ngực là một triệu chứng của đau tim, thì chỉ có 41% biết rằng đổ mồ hôi cũng là một trong những dấu hiệu của tình trạng này.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang lên cơn đau tim, phải gọi cấp cứu khẩn cấp - 2

 

Các triệu chứng của đau tim bao gồm:

  • Đau ngực: cảm giác áp lực, nặng nề, căng tức hoặc ép ngang ngực
  • Đau ở các bộ phận khác của cơ thể: có thể cảm thấy cơn đau lan từ ngực xuống cánh tay (thường là cánh tay trái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai cánh tay), hàm, cổ, lưng và bụng
  • Cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Hụt hơi
  • Cảm thấy buồn nôn hoặc mệt mỏi
  • Cảm giác lo lắng hoặc hoảng loạn
  • Ho hoặc thở khò khè.

Mặc dù các cơn đau ngực thường dữ dội, nhưng một số người có thể chỉ bị đau nhẹ, tương tự như chứng khó tiêu. Trong khi triệu chứng phổ biến nhất của đau tim ở cả nam giới và phụ nữ là đau ngực, phụ nữ có nhiều khả năng gặp các triệu chứng khác như khó thở, buồn nôn, nôn và đau lưng hoặc đau hàm.

Đau tim xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn, gây ra tình trạng thiếu oxy, có khả năng gây tổn thương cơ nghiêm trọng. Trong khi đó, ngừng tim lại xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước, khiến người bệnh rơi vào trạng thái mất ý thức. 

Những bệnh nhân bị ngừng tim thường sẽ chết trong vòng vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Một cơn đau tim cũng có thể dẫn đến tình trạng ngừng tim. 

Peter Dale, người dẫn chương trình Soccer AM của kênh truyền hình Skyport, Anh bị đau tim ở tuổi 36. Anh chia sẻ: "Thời điểm đó, tôi không hề biết rằng mình đang trải qua các triệu chứng của cơn đau tim. Sáng hôm đó, tôi về nhà sau khi chơi bóng và nghĩ rằng mình bị khó tiêu. Sau đó, tôi bắt đầu thấy không ổn và hai cánh tay dần tê liệt".

"Tôi cố gắng nhắn tin cho mẹ mình để bà gọi xe cấp cứu. Chỉ khi nhân viên y tế đến, tôi mới nhận ra rằng đây là một cơn đau tim.

Các dấu hiệu ban đầu không phải lúc nào cũng nghiêm trọng nhưng nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Hành động nhanh chóng hôm đó đã cứu mạng tôi", anh cho biết.

Bảo Anh(Nguồn: thesun.co.uk)
Bình luận
vtcnews.vn