Đầu hè, dân nghèo lại lo điện tăng giá, đại gia 'méo mặt' vì làm ăn khó khăn

Kinh tếThứ Năm, 14/04/2016 07:20:00 +07:00

Quyết định điều chỉnh giá điện mới lại khiến người dân bắt đầu lo lắng, còn các đại gia như bầu Đức, bầu Hiển cũng đang vấp phải hàng loạt những khó khăn

Bước vào những ngày đầu tiên của mùa hè 2016, quyết định điều chỉnh giá điện mới lại khiến người dân bắt đầu lo lắng, còn các đại gia như bầu Đức, bầu Hiển cũng đang vấp phải hàng loạt những khó khăn trong kinh doanh.

Người dân Hà Nội háo hức mua tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng

Tại trụ sở 49 Lý Thái Tổ và 47 Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày hôm nay 13/4, người dân Hà Nội đã xếp hàng ngay từ sáng sớm để có thể sở hữu được những tờ tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Tại đây mỗi người dân phải mang theo giấy tờ tùy thân và được mua tối đa 20 tờ rời và 5 tờ loại Folder với giá 20.000 đồng/tờ rời và loại Folder là 25.000 đồng/tờ.
Cận cảnh những tờ tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng được Ngân hàng Nhà nước phát hành ngày 13/4
Cận cảnh những tờ tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng được Ngân hàng Nhà nước phát hành ngày 13/4 - Ảnh: Tiền Phong
Tổ chức muốn mua số lượng lớn sẽ phải đăng ký thông qua văn bản với phòng phát hành, nhưng số lượng không vượt quá 100 tờ.

Dù phải xếp hàng chờ nhưng người dân không phải đợi lâu, hoạt động mua bán diễn ra khá nhanh, đơn giản. Tại trụ sở 49 Lý Thái Tổ, người dân xếp hàng chờ chỉ mất khoảng 1 giờ là có thể mua được.

Còn tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, số 47 Lý Thường Kiệt, lượng người đến mua quá đông nên điểm này không đủ tiền lưu niệm để đáp ứng. Khách hàng phải đăng ký trước và nhận giấy hẹn đến lấy vào ngày hôm sau.

Nhiều người dân khi được cầm trên tay tỏ ra khá thích thú và hài lòng về chất lượng cũng như mẫu mã của tờ tiền lưu niệm 100 đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc phát hành đồng tiền lưu niệm 65 năm Ngân hàng Việt Nam để lưu niệm và quảng bá những hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam.

Thông qua tờ lưu niệm này, chúng ta có thể giới thiệu đến bạn bè công chúng trong nước và ngoài nước, những người quan tâm đến nền kinh tế nói chung và hoạt động tiền tệ ngân hàng nói riêng và đặc biệt quan tâm đến đồng tiền của Việt Nam; đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành ngân hàng trong thời kỳ đổi mới.

Tính giá điện theo mùa, dân lại lo "chết tiền điện" vào hè

Trong đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt, ngoài điều chỉnh theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỉ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện phát, giảm bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền..., biểu giá bán điện tới đây sẽ được nghiên cứu thực hiện theo mùa và vùng.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, GS. Viện sĩ Trần Đình Long cho biết: Giá thành điện chịu ảnh hưởng lớn ở nguồn điện phát. Nguồn điện phát lại phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Vào mùa mưa, nhiều nước thủy điện chiếm phần lớn trong cơ cấu điện phát, giá điện có thể thấp. Mùa kiệt (mùa khô) ngành điện phải chạy điện than, khí, dầu nhiều giá thành điện sẽ cao hơn. Do vậy tính giá bán điện theo mùa vụ là tính sát với thực tế.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân nữa để giá bán điện được tính theo mùa vụ, theo các chuyên gia trong ngành điện, đó là cơ cấu điện phát của chúng ta đang ngày một có sự thay đổi đáng lo ngại. Nguồn thủy điện giá rẻ đang chiếm ngày càng ít trong cơ cấu nguồn, thay vào đó, điện chạy than, dầu và khí tăng lên. Ngay điện mua của Trung Quốc cũng có giá khác xa và tăng dần lên theo thời gian.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không tính đến phương án giá bán điện theo mùa vụ, vùng miền, EVN với bộ máy hoạt động được cho còn cồng kềnh và chưa hiệu quả sẽ chỉ có “lỗ” và “thiệt”, trong khi không thể cứ tăng giá điện một năm mấy lần với lý do bù đắp các chi phí.

Cho đến nay, chưa có phương án biểu giá bán điện mới nào được công bố áp dụng. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN trước đó khẳng định: 6 tháng đầu năm 2016, EVN sẽ không kiến nghị tăng giá điện.

Dù vậy, với động thái giá điện có thể tính theo mùa vụ, người dân bắt đầu lo ngại, cứ mùa hè họ phải sử dụng rất nhiều điện. Giá điện mùa hè áp cao hơn giá điện mùa đông thì các hóa đơn điện sẽ còn tăng khủng tới mức nào?! Với lý do điều tiết giá điện hợp lý theo nguồn phát, yếu tố tiêu thụ, “nhà đèn” sẽ dùng giá điện cao để không chế bớt nhu cầu tiêu dùng của dân một cách hợp lý nhất cho mình.

GS Trần Đình Long đồng tình, lo ngại của người dân là có cơ sở. Ông cho rằng, phải cân nhắc để có giá điện, nếu có tính theo mùa vụ cũng hợp lý, cân bằng lợi ích giữa EVN và người dân chứ không thể “trăm dâu đổ đầu dân”. EVN cần có lãi nhưng ở mức chấp nhận được, và nhất là người dân cũng có “đủ sức” để chi trả tiền điện.

Bầu Đức thừa nhận đang gặp khó khăn

Ngay sau khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) công bố báo cáo hợp nhất sau kiểm toán với kết quả kinh doanh kém khả quan, cổ phiếu của doanh nghiệp đã bị bán mạnh trên sàn chứng khoán hôm nay.

2 mã HAG và HNG (cổ phiếu của công ty con chuyên về nông nghiệp) đã xuống giá 6.900 đồng mỗi cổ phiếu - thấp nhất trong lịch sử.

Trao đổi với phóng viên giữa bối cảnh bị kiểm toán đặt nghi vấn về việc doanh nghiệp không hoạt động liên tục, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường và đang trong giai đoạn tái cấu trúc.

Về việc thế chấp các tài sản như đàn bò, cổ phiếu, học viện bóng đá… để vay vốn, Bầu Đức thừa nhận song cho rằng đây là nghiệp vụ bình thường trong đầu tư kinh doanh.

"Các tập đoàn trên thế giới hay Việt Nam không có ai không thế chấp để vay tiền cả. Ngân hàng cũng phải nhìn vào khả năng trả nợ mới cho vay. Đây đều là tài sản của Hoàng Anh Gia Lai. Nhà đầu tư có thể nhìn vào số nợ trên tổng tài sản sẽ rõ", ông Đức nói.
Bầu Đức thừa nhận đang gặp phải khó khăn
Bầu Đức thừa nhận đang gặp phải khó khăn 
Về dư nợ gần 27.100 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014 với các chủ nợ lớn là Ngân hàng BIDV, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV, Eximbank, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank, VPbank… Bầu Đức cho biết đang đàm phán để tái cơ cấu. Khi có kết quả, doanh nghiệp sẽ thông báo tới cổ đông và công chúng.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đối với các ngân hàng, doanh nghiệp phải đáng tin cậy mới có thể vay vốn. Việc ACB bán giải chấp hơn 28 triệu cổ phiếu HNG thu nợ về, ông Đức cho biết đó là nghiệp vụ của phía nhà băng, đã được tính toán kỹ lưỡng nên ông không bình luận.

Chia sẻ thêm về những khó khăn đang gặp phải, vị lãnh đạo này cho biết chủ yếu đến từ lĩnh vực cao su. "Làm ăn kinh doanh có lúc này lúc kia. Cũng như cách đây 10 năm, không ai nghĩ giá dầu giảm xuống dưới 30 USD một thùng", ông bình luận.

Theo đó, khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào cao su, bỏ vốn 1.300 USD có thể bán được 5.500 USD một tấn. Song hiện có lúc giá giảm về 1.100 USD nên việc doanh nghiệp khó khăn được ông Đức nhận định là bình thường, dù các lĩnh vực khác đều đang hoạt động tốt.


"Điều tôi thấy xót xa và trăn trở nhất là nhà đầu tư đang bị thiệt hại khi cổ phiếu rớt giá. Cổ phiếu xuống thì doanh nghiệp không thể nói hay được gì. Tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu tập đoàn, tôi mong nhà đầu tư lúc này nên bình tĩnh, nhìn vào những dự án đang hiệu quả của Hoàng Anh Gia Lai để tránh hối tiếc về sau này", ông chia sẻ.

Sau Kim Long, đến lượt công ty chứng khoán của Bầu Hiển xin "tự sát"

Theo tin từ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngân hàng sẽ trình cổ đông chủ trương tái cấu trúc đối với Công ty chứng khoán SHBS.

Với mức vốn điều lệ thấp, SHBS hiện đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các Công ty chứng khoán khác trên thị trường, không thể mở rộng thêm các hoạt động nghiệp vụ do không đáp ứng được các yêu cầu về vốn pháp định theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Công ty chứng khoán của Bầu Hiển xin ngừng hoạt động
Công ty chứng khoán của Bầu Hiển xin ngừng hoạt động 
SHB cũng không có chủ trương đầu tư thêm vào công ty này do Hội đồng quản trị xác định SHB cần tập trung nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, chú trọng vào các hoạt động kinh doanh chính.

Vì vậy, SHB sẽ giao Hội đồng quản trị và lựa chọn và triển khai phương án tái cấu trúc đối với SHBS, có thể là sáp nhập, giải thể hoặc thoái vốn.

Theo số liệu từ SHBS, năm 2015 doanh thu công ty chỉ đạt 1,9 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước và báo lỗ 4,35 tỷ đồng. Công ty hiện chỉ còn duy nhất nghiệp vụ môi giới là đem lại doanh thu.

Như vậy, chỉ trong vài ngày, đã có liên tiếp 2 công ty chứng khoán bày tỏ ý định rời thị trường, trước đó là Công ty chứng khoán Kim Long tuyên bố giải thể, chia tiền cho cổ đông.

Làn sóng rời bỏ thị trường của các công ty chứng khoán có lẽ vẫn sẽ kéo dài sang năm 2016. Trước đây, có lúc thị trường tồn tại hơn 100 công ty chứng khoán, nhưng sau năm 2015 chỉ còn 81 công ty hoạt động. Nguyên nhân được các công ty chứng khoán đưa ra chủ yếu là vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá bé nhỏ, chật chội.

Tiệp Tiệp
(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn