Đất nứt khó hiểu dọa người ở Thái Nguyên

Thời sựThứ Tư, 24/02/2010 07:06:00 +07:00

(VTC News) - Không chỉ các gia đình trực tiếp phải di chuyển khỏi nhà do nứt đất mà những người xung quanh đều có tâm trạng hoang mang...

(VTC News) - Không chỉ các gia đình trực tiếp phải di chuyển khỏi nhà do nứt đất mà người dân xung quanh đều có tâm trạng hoang mang vì đang yên bình thì mảnh đất sinh sống bao năm qua giờ bỗng dưng... nứt toác.



Vết nứt từ mảnh vườn trước sân "lao" lên sân và tiếp tục vào nhà. Do mưa nên vết nứt đã "mím" nhỏ lại.

Tại xóm Cạn (Kỳ Phú, Đại Từ, Thái Nguyên), một khu đất bỗng dưng bị nứt khiến 4 hộ dân phải di chuyển khỏi nhà, đi ở nhờ nhà họ hàng người thân, thậm chí có gia đình hiện sống nhờ nhà văn hóa xã. Những ngôi nhà cách đây chưa đầy một tháng trước còn đầy hơi ấm của người, vật, cây cỏ... giờ hoang vắng, lạnh lẽo.

Nhà của anh Nguyễn Văn Dự - ngôi nhà đầu tiên phát hiện nứt đất giờ trong tình trạng bỏ không, cửa nhà bỏ ngỏ để ai cũng có thể vào tận mục sở thị đường nứt "bò" ngoằn ngoèo hàng chục mét từ bãi đất trước nhà, qua sân, leo lên hè, vào giữa nhà, vắt lên tường, xuyên qua đầu hồi và đi sang... hàng xóm (ông Bằng, ông Định, ông Thuần).

Anh Dự kể, ngày 14/1/2010, vợ chồng anh ngồi băm rau lợn ngoài sân thấy có vết nứt leo từ ngoài vào sân, nghĩ là sân bị "hở" nên hai vợ chồng cũng... kệ, sáng hôm sau ngủ dậy thấy vết nứt to rộng cỡ gang tay nên vội lên báo xã và nhà anh Dự di chuyển ngay sau khi vết nứt "xông" thẳng vào trong nhà.

Lần theo vết nứt, thấy "nó" đi theo hình vòng tròn, ảnh hưởng trực tiếp đến 4 gia đình xung quanh. Tới ngày 27/1, cả 4 gia đình có vết nứt đất đi qua đều... "di tản" để tránh nguy hiểm.

Anh Dự và lá đơn xin "tá túc tạm" tại nhà văn hóa xã.

Đồ đạc đã được anh Dự và gia đình chuyển gần hết tới nơi tạm cư mới - nhà văn hóa của xã do anh Dự chẳng có người thân nào đủ điều kiện để bao bọc gia đình 4 người. Anh Dự đã dằn lòng bán đi con trâu vì nhà văn hóa không có chỗ nhốt, gà qué cũng được đưa ra chợ vì không có chỗ nuôi, chỉ còn con lợn đang lúc ăn lúc lớn nên anh do dự để nó ở lại ngôi nhà cũ, thỉnh thoảng ghé về chăn rồi lại đi.

Cũng như nhà anh Dự, 3 gia đình khác khi di chuyển khỏi nhà cũng phải bán tống tháo những gì không gửi được, chủ yếu là trâu và gà, chỉ mang theo thóc gạo để ăn và chăn màn giường chiếu để ngủ. Ngôi nhà song song cạnh nhà anh Dự (nhà ông Bằng) giờ cũng cửa đóng then cài, cái cổng làm bằng tre im ỉm như bưng, ngay cạnh đó là bức tường rào xây bằng gạch bị vết nứt lan đến cũng "há" ra.

Trâu phải bán, chỉ còn duy nhất con lợn choai ở lại ngôi nhà bị nứt.

Phía sau đó là nhà ông Trần Văn Định, người cũng đi ở nhờ, lợn gửi, gà gửi, có con trâu thì phải bán vì nhà họ hàng không thể chứa giúp cả trâu. Nhưng ở nhà vẫn còn đàn chó mới đẻ, vườn rau đang kỳ thu hoạch và đám ngô mới dỡ nên thỉnh thoảng ông Định vẫn chạy về chăm vườn rau, cho chó ăn và phơi ngô.

"Chỉ trời nắng tôi mới dám về nhà, mưa thì không dám, tối chỉ chạy ngó qua chứ không dám ở vì thử ngủ ở nhà rồi nhưng không sao ngủ được, sợ lắm, mình có nhìn thấy gì đâu, lỡ sụp một cái thì nguy" - ông Định lo lắng.

Ông Định còn cho biết, một số cán bộ địa chất đã về đo đạc và khảo sát và "họ nói" phía dưới khu vực bị nứt là bùn lầy, chỉ có khoảng 10m là nền đất, còn dưới là khoảng 40m bùn lầy, do biến động địa chất làm trôi nền đất gây nứt...

"Cũng chẳng biết nguyên do chính xác là như thế nào, người dân chúng tôi đang chờ kết luận ở trên, nghe nói trong tuần này sẽ có" - ông Định nói giọng đầy hy vọng.

Ông Định ngày đáo về nhà 1 lần để trông coi hoa màu và chăm đàn chó không chịu đi ở nhờ theo người.

Tết chẳng có gì cả

Văn phòng Chính phủ có Công văn (số 765) thông báo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiện tượng sụt lún, nứt đất tại tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đề xuất cụ thể những giải pháp để xử lý hiện tượng lún, sụt đất này.

Gia đình ông Định bày tỏ, không thể sống nhờ thế này mãi được nhưng về nhà thì lại... sợ.

"Đúng là một cái Tết long đong bởi sinh hoạt thì chật chội, cũng chẳng mua sắm hay trang trí Tết như mọi năm được. Ai trong gia đình cũng chán, mong có thông tin sớm nhất, nhanh nhất, chính xác nhất để mọi người được sớm ổn định làm ăn sinh sống. Bản thân tôi mong muốn không việc gì cả, chỉ là biến động nhỏ để được ở lại. Còn nếu phải chuyển đi thì cũng sớm được biết để còn lo làm ăn"  ông Định nói.

Còn anh Nguyễn Văn Dự thì rất lo lắng vì vết nứt "xâm chiếm" ngôi nhà quá nhiều, là thợ hồ nên anh thấy đất và nhà bị "chẻ đôi", đã có dấu hiệu "dốc và chênh" hơn 40 cm nên anh lo lắng, không muốn quay về mà mong muốn nhờ chính quyền bố trí một chỗ ở mới để sinh sống ổn định, tăng gia sản xuất.

"Tết chẳng có gì cả, hiện cả gia đình sống phụ thuộc, đến cái chỗ làm lễ cúng gia tiên năm mới không có, cũng chẳng có tâm trạng nào làm đẹp ngày Tết, chỉ thấy vất vả sinh nhai lo cho 2 con nhỏ ăn học, trâu bán rồi, lợn gà không có chỗ gửi... Tôi chỉ mong sớm được sắp xếp chỗ ở mới, để Tết sang năm không phải như thế này nữa" - anh Dự rưng rưng.

Không chỉ các gia đình trực tiếp phải di chuyển khỏi nhà do nứt đất mà người dân xung quanh đều có tâm trạng hoang mang vì đang sống yên bình thì bị xáo trộn vì mảnh đất sinh sống bao năm qua giờ bỗng dưng... nứt toác. Nhiều người bày tỏ nỗi lo lắng khi xem tivi, phim ảnh thấy cảnh nứt đất, lở đất... có thể khiến nhiều người bị ảnh hưởng.

Thậm chí, có người cho rằng, nếu có thông tin chính xác nói "chỗ này không ở được" thì cả xóm cũng lo sợ bởi họ đều sống gần chỗ đất nứt.

Vết nứt "lao" lên hè. 

"Chẻ đôi" giữa nhà lên cửa sổ và tiếp tục đâm ra phía sau sang nhà hàng xóm.

Một hướng khác của vết nứt đâm sang đầu hồi nhà.

Vết nứt tấn công tường rào một nhà dân.

Bài và ảnh: Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn