Đạt lợi ích riêng, Nga theo phương Tây bỏ rơi Libya

Thế giớiThứ Năm, 02/06/2011 08:48:00 +07:00

Động thái diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Pháp này đánh dấu một bước ngoặt trong lập trường của Nga về vấn đề Libya.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mới đây đã khiến nhiều người bất ngờ khi cùng với các cường quốc phương Tây lên tiếng kêu gọi Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ chức. Động thái diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Pháp này đánh dấu một bước ngoặt trong lập trường của Nga về vấn đề Libya.
 

Các chuyên gia và nhà phân tích tin rằng sự thay đổi đột ngột của Nga là nhằm để bảo vệ lợi ích riêng của nước này ở đất nước Bắc Phi. Hơn nữa, Moscow cũng muốn có quyền lợi trong tương lai của Libya. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi khả năng Nga có thể giúp tạo ra sự khác biệt ở Libya.
 
Tại sao Nga lại thay đổi?
 
Kể từ khi cuộc nổi dậy đẫm máu ở Libya nổ ra hồi giữa tháng 2, giới lãnh đạo Nga đã phải bận rộn tính toán xem liệu ông Gaddafi có từ chức hay không và liệu các lợi ích của Nga ở Libya có thể được công nhận nếu phe đối lập lên cầm quyền. Và cuộc chiến bế tắc, giằng co giữa quân của ông Gaddafi với phe nổi dậy đã khiến Moscow khó đưa ra quyết định cuối cùng.
 

Tổng thống Nga Medvedev 

Cảm thấy còn quá sớm để lựa chọn phe nào trong hai phe ở Libya, Nga đã áp dụng một lập trường linh hoạt, lên án cả chiến dịch can thiệp quân sự của NATO lẫn những hành động thù địch chống lại dân thường của quân Tổng thống Gaddafi.

 
"Lập trường của Nga về vấn đề Libya dựa trên lập trường chung của nhóm BRICS là không can thiệp vào các cuộc xung đột và giữ thế cân bằng với cả 3 bên trong cuộc chiến ở Libya gồm quân chính phủ, lực lượng đối lập và các cường quốc phương Tây," ông Fedor Lukyanov, tổng biên tập tạp chí Nước Nga trên Chính trường Toàn cầu, đã nhận định như vậy.
 
Tuy  nhiên, khi thời gian trôi đi, việc phương Tây liên tục kêu gọi lật đổ ông Gaddafi kèm theo hành động tăng cường các cuộc không kích vào thủ đô Tripoli có thể đã khiến Nga thay đổi quyết định.
 
NATO tuyên bố họ sẽ không chấm dứt hành động can thiệp vào Libya cho đến khi Gaddafi chịu ra đi.
 
Nga xem Libya là một đối tác quan trọng trong khu vực. Nước này đã rót hàng tỉ USD vào các lĩnh vực như khai thác dầu mỏ, xây dựng đường sắt và vũ khí ở Libya. Rõ ràng, một đất nước Libya hỗn loạn đang gây ảnh hưởng lớn đến các khoản đầu tư khổng lồ của Nga vào đây, đặc biệt là các khoản đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
 
Công ty dầu khí Tatneft của Nga đã đầu tư mạnh vào Libya trong suốt 6 năm qua trong khi Gazeprom, tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga, vừa mới tháng 2 vừa rồi đã chi khoảng 163 tỉ USD để mua cổ phần trong dự án sản xuất dầu và khí đốt Elephant của Libya. Hai công ty này đã buộc phải ngừng các hoạt động của mình ở đây và sơ tán các công nhân của mình về nước sau khi cuộc xung đột lan rộng ra khắp đất nước Bắc Phi.
 
Khi NATO thể hiện quyết tâm lật đổ ông Gaddafi bằng được và các cuộc không kích của liên mình này giành thêm được một số bước tiến thì Nga bắt đầu xem xét lại vai trò của mình bởi vì nước này thấy họ không thể đứng ngoài bức tranh ở Libya.
 
Ông Meisant al-Janabi, một giáo sư Nga, cho biết, điện Kremlin đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tương lai của Libya chỉ do một mình phương Tây quyết định. Để tránh nguy cơ này, Tổng thống Medvedev đã buộc phải nhảy vào.
 
Hơn nữa, tại hội nghị G8, các nước phương Tây cũng đưa ra một số cam kết và đề nghị để lôi kéo Nga đứng về phía họ. Các nước phương Tây đã hứa sẽ tạo điều kiện cho Nga tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới trong năm nay. Pháp cũng đã ký một thoả thuận bán 4 chiếc tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga.
 
Có thể nói, việc Nga thay đổi lập trường chẳng có gì là lạ. Điều này rất bình thường và xảy ra thường xuyên trên chính trường quốc tế. Đúng như giáo sư Al-Janabi nhận xét: “Không có gì bí mật khi nền chính trị của tất cả các cường quốc trên thế giới đều dựa vào lợi ích riêng của họ. Vì vậy, việc ông Medvedev làm chẳng có gì khác thường. Ông ấy chỉ đang thể hiện là Nga đã tính toán những lợi ích và mất mát có thể xảy ra trong cuộc khủng hoảng ở Libya để cân nhắc hành động”.
 
Liệu Nga có tạo nên sự khác biệt ở Libya?
 

Ngoài việc lên tiếng kêu gọi ông Gaddafi từ chức, Tổng thống Medvedev còn tỏ ra rất hăng hái trong việc đóng vai trò làm trung gian trong cuộc khủng hoảng ở Libya. Trước đó, Moscow luôn từ chối đóng vai trò này.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, Nga có ảnh hưởng hạn chế đối với Libya mặc dù Moscow có liên hệ với cả chính phủ và phe nổi dậy ở đất nước Bắc Phi.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaim mới đây đã phát biểu tại cuộc họp báo rằng, chính phủ Libya không quan tâm đến những sự kiện xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh G8. Ông Kaim cho biết, Libya chỉ ủng hộ đề xuất do Liên minh Châu Phi (AU) đưa ra. Theo ông này, “bất kỳ quyết định nào về tương lai của Libya đều phải do nhân dân Libya đưa ra chứ không  phải ai khác".
 
Ông Yevgeny Satanovsky, người đứng đầu Viện Trung Đông ở thủ đô Moscow, bày tỏ hoài nghi về việc ông Gaddafi sẽ đồng ý từ chức.Ông này tin rằng, Tổng thống Gaddafi sẽ “chiến đấu đến cùng".
 
Không chỉ chính phủ Libya phớt lờ vai trò của Nga mà phe nổi dậy cũng tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của Nga trong vai trò là người trung gian.
 
Đề cập đến việc Nga muốn làm trung gian trong cuộc khủng hoảng ở Libya, phát ngôn viên phe nổi dậy, Phó Chủ tịch Hồi đồng Chuyển tiếp Quốc gia – ông Abdel-Hafidh Ghoga cho rằng, đáng ra đề xuất này phải đến sớm hơn. “Nó đã đến quá muộn và đó không phải là một thoả thuận lớn".

Theo VnMedia



Bình luận
vtcnews.vn