Đạo diễn 'Ma làng': Mua kịch bản tiện lợi lại rẻ tiền, tội gì phải vắt óc viết

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 24/02/2017 11:47:00 +07:00

Đạo diễn 'Ma làng' lo lắng, việc mua kịch bản từ nước ngoài vừa tiện lợi vừa rẻ tiền, sẽ thành thói quen và khiến cho đội ngũ biên kịch trong nước bị thui chột.

Trong phần đầu của cuộc trò chuyện, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã chia sẻ những nhận định chung về nền điện ảnh Việt Nam và đưa ra một số giải pháp giúp phát triển môn nghệ thuật thứ 7.

Trong bài tiếp theo, ông đi sâu vào phân tích hai khía cạnh gồm: xu hướng Việt kiều về nước làm phim và sự lên ngôi của dòng phim remake (phim làm lại)

- Có rất nhiều Việt kiều về Việt Nam làm phim. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

00

 

Mua kịch bản từ nước ngoài vừa tiện lợi vừa rẻ tiền, sẽ thành thói quen và khiến cho đội ngũ biên kịch trong nước bị thui chột.

Đạo diễ Nguyễn Hữu Phần

Hãng phim truyện Việt Nam từng có niềm kiêu hãnh là nơi quy tụ đội ngũ làm phim nổi tiếng nhưng giờ họ không có việc để làm. Do họ không có khả năng hiểu biết, thay đổi mình theo yêu cầu thị trường, thị hiếu khán giả.

Hàng chục năm nay họ chỉ quen làm phim do Nhà nước cấp vốn (thuộc dòng phim truyền thống, lịch sử cách mạng). Hiện nay, rất khó chuyển đổi từng cá nhân cũng như cả đơn vị theo yêu cầu thị trường.

Các hãng phim tư nhân đã mời nhiều đạo diễn mới, trong đó có nhiều nhà làm phim Việt kiều tham gia vào các lĩnh vực đầu tư, sản xuất phim.

Việt kiều về Việt Nam làm phim là đúng luật, sự đóng góp của họ cho sự phát triển nền điện ảnh dân tộc là tốt. Đã có những thời điểm các nhà làm phim Việt kiều thu được thắng lợi tạo ra sự đổi mới, khác lạ, chuyên nghiệp hơn cho điện ảnh nước nhà. 

Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ có phim của Việt kiều, nền điện ảnh Việt kiều. Sự phát triển mọi mặt của các nhà làm phim nội địa là cần thiết và các nhà làm phim Việt kiều chỉ mang tính chất bổ trợ, tạo ra một mảng khác trong sự phát triển của điện ảnh Việt .

16508737_10154790852290071_7550555073202281994_n

Dòng máu anh hùng - một bộ phim được đánh giá khá cao của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn khi mới về nước

- Có ý kiến cho rằng, các nhà làm phim Việt kiều ban đầu thường chào sân bằng những sản phẩm rất chất lượng nhưng sau đó lại có vẻ dễ thỏa với các bộ phim “ăn xổi”. Ý kiến của ông về điều này?

Nhiều Việt kiều khi về nước làm phim, họ mang theo nhiều khát vọng, hoài bão. Chẳng hạn như Trần Anh Hùng, Hồ Quang Minh, Toni Bùi, Nguyễn Võ Nguyên Minh... từng gây xôn xao với  những bộ phim của họ.

Có những bộ phim đã được phát hành trên thị trường quốc tế, thế nhưng khi chiếu ở Việt Nam lại có doanh số thấp (vì nhiều lý do mà tôi đã nói ở phần trước). Thế là một số người rút khỏi phim trường phim Việt, một số khác về thêm, mang theo hoặc hoặc thay đổi cách sáng tác của mình cho phù hợp với nhu cầu phòng vé nội địa.

Nghĩa là họ cũng phải chiều lòng các nhà đầu tư, các nhà phát hành, phải thêm cái này, bớt cái kia để chạy theo thị hiếu khán giả và rồi bị cuốn vào dòng phim thị trường, giống như phim giải trí của các nhà làm phim trong nước. Và thế là, phim của Việt kiều và phim của các nhà làm phim trong nước “hoà trộn” với nhau

Trong số các đạo diễn Việt kiều hiện nay, tôi rất thích Victor Vũ. Anh ta làm nghề hành nghiêm chỉnh, hiểu rõ thị hiếu của lớp trẻ, có nhiều thủ thuật thu hút khách... nên phim của Victo Vũ thường không nhảm mà lại đạt được doanh thu cao.

16649461_10154993522327380_8287637614463179773_n

 Cũng là Charlie Nguyễn nhưng chỉ sau một thời gian về nước, anh cho ra một bộ phim thất bại về phòng vé, bị đánh giá kém về chuyên môn mang tên Fan cuồng

- Thưa ông, trong những phim thành công về mặt doanh thu hiện nay, chủ yếu là những phim làm lại từ những bộ phim ăn khách của nước ngoài (phim remake). Trong năm 2017, nhiều nhà sản xuất đã đánh tiếng sản xuất những bộ phim kiểu như thế. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong cuộc trò chuyện trước, tôi đã nhận xét khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay là kịch bản. Chúng ta không có kịch bản hay nên phải mua lại kịch bản từ những bộ phim đã thành công ở nước ngoài. Tôi không thích việc này, nhưng cũng cần phân tích rõ ràng hơn.

Đúng là chúng ta quá yếu, thiếu chuyên nghiệp về biên kịch và thẩm định kịch bản nên phải dựa vào những cái bộ phim đã thành công ở các nước khác để “Việt hoá”. Nhận thức được như vậy, có lẽ các tác giả kịch bản nên đấu tư thêm vào việc nghiên cứu, học tập nâng cao tính chuyên nghiệp cho mình.

Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng rằng, việc mua kịch bản sẽ tạo thành thói quen (vì vừa tiện lợi lại rẻ tiền) khiến cho đội ngũ biên kịch của chúng ta bị thui chột. Hơn thế nữa, kịch bản nước ngoài dù sao cũng mang những yếu tố xã hội, tâm lý khác với mình, dù có Việt hoá, thay đổi vẫn khó mà tin được đấy là chuyện của người Việt.

16649478_10154993522267380_5930484558985058211_n

Bộ phim có doanh thu cao bậc nhất thị trường phim Việt năm 2016 lại là một bộ phim làm lại từ kịch bản Hàn Quốc 

Vấn đề nâng cao trình đôi của các thành phần sáng tác, sản xuất phim trong nước là điều quan trọng, sống còn của điện ảnh Việt Nam. Ngành điện ảnh, các đơn vị sản xuất phim và từng thành phần làm phim cần nâng cao tính chuyên nghiệp và có ý thức trách nhiệm hơn trong hoạt động Văn hoá Nghệ thuật của đất nước.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cấn hỗ trợ cho các nhà làm phim, sự phát triển của điện ảnh dân tộc như nâng cao trình độ khán giả trong cộng đồng và tổ chức quỹ điện ảnh để hỗ trợ cho các nhà làm phim, đơn vị sản xuất phim tâm huyết.

Video Cảnh nóng trong phim Việt không được quá 5 giây?

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn