Đạo diễn Khải Hưng: Nông dân là khán giả Vip Của tôi!

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 05:24:00 +07:00

Gặp Khải Hưng – đạo diễn serri phim hài “Gặp nhau để cười” mới thấy những lời thiên hạ đồn về vị đạo diễn tài ba này quả không sai...

Kể từ ngày serri phim hài “Gặp nhau để cười” lên sóng VTCHD VIP, khán giả truyền hình lại có thêm một mốc thời gian nữa để ngóng đợi: 12h trưa thứ Bảy hàng tuần. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một serri phim hài được sản xuất bằng công nghệ truyền hình HD, và lần đầu tiên khán giả được thưởng thức hài với hình ảnh sắc nét và âm thanh sống động, thật như câu chuyện đang diễn ra trước mắt….

 

 

Gặp Khải Hưng – đạo diễn serri phim hài “Gặp nhau để cười” mới thấy những lời thiên hạ đồn về vị đạo diễn tài ba này quả không sai. Ông làm phim hài cho thiên hạ cười, còn ông lúc nào cũng giữ đăm đăm một khuôn mặt… cau có. Nhưng qua lần trò chuyện cùng ông thì với tôi, đó là sự cau có rất… có tâm.

 

Ông có thể chia sẻ về nội dung chính của serri phim hài “Gặp nhau để cười” không?

Thời điểm hiện tại, “Gặp nhau để cười” đang xoay quanh hai câu chuyện về Hàng xóm láng giềng và Việc làm. Mỗi số phát sóng có thời lượng là 45 phút. Nếu chỉ có một câu chuyện thì dễ nhàm chán nên tôi chia thành hai câu chuyện đi song song suốt cả một quá trình. Hàng xóm láng giềng là câu chuyện quan hệ làng xóm láng giềng thông qua những xung đột của hai cặp vợ chồng sống sát vách nhau. Một bên là ông chồng già về hưu lấy cô vợ trẻ làm công sở, có lối sống Tây hóa. Bên còn lại là một bà bán cháo lòng tiết canh có ông chồng dở hơi suốt ngày tha thẩn làm thơ. Sự hài hước của câu chuyện chủ yếu là những câu thoại, những cử chỉ gây cười và những tình huống dở khóc, dở cười…

Còn Việc làm là câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính là những người nông dân lên thành phố để kiếm kế sinh nhai. Họ làm đủ các loại nghề để kiếm cơm như thầy lang, bán dạo, cò mồi, đánh giày, xem bói… nhưng chẳng nghề nào ra hồn. Lúc nào họ cũng phải nói dối về năng lực thật của mình và thường xuyên rơi vào những tình cảnh tức cười…

Có thể nói “Gặp nhau để cười” là những câu chuyện rất đời thường khắc họa muôn màu cuộc sống ở cả nông thôn lẫn đô thị phồn hoa.

 

 

Nghe qua nội dung, thấy có chút gì đó giống như chùm phim hài từng chiếu trên VTV? Cũng là cô vợ trẻ với ông chồng già có lối sống Tây hóa, cũng là bà bán cháo lòng tiết canh với ông chồng làm thơ dở hơi…

Chính xác, bởi chùm phim chiếu bên VTV là sản phẩm của tôi. Tôi ngắt câu chuyện của VTV ở một điểm nào đó và bắt đầu viết tiếp một câu chuyện với một kịch bản hoàn toàn mới cho VTC.

Format “Gặp nhau để cười” có kết cấu như loại hình sitcom (hài kịch tình huống) của thế giới. Chính vì thế câu chuyện này kết thúc ở đâu chính tôi cũng chưa biết. Thời điểm hiện tại, mỗi tháng chúng tôi thực hiện 4 số với 4 chủ đề khác nhau. Còn bao giờ thấy khi chiếu lên mà những người xem nói “thôi đủ rồi” thì chúng tôi sẽ chuyển sang đề tài khác.

 

Vậy diễn viên sẽ vẫn là tuyến diễn viên cũ quen thuộc đó hay ông sẽ đưa vào một loạt các gương mặt mới?

Tất cả đều là diễn viên cũ hết. Phần Hàng xóm láng giềng sẽ là diễn xuất của Chiến Thắng, Phạm Bằng, Vân Dung... Phần Việc làm có sự tham gia của Quang Thắng, Giang còi, và đặc biệt là Công Lý. Chắc chắn “Gặp nhau để cười” là nơi hội tụ đủ mặt anh tài những danh hài nổi tiếng của miền Bắc.

 

Rất nhiều đơn vị truyền thông thông báo về việc cho ra mắt các serri phim hài của họ trong thời gian sắp tới. Có cảm giác miền Bắc sắp ngộ thực phim hài. Ông có sợ phim hài của mình sẽ nằm trong cơn bão hòa ấy?

Tôi không bao giờ sợ phim hài của mình mất vị thế. Sợ tôi đã không làm. Đó là một cuộc cạnh tranh và chúng ta phải nhảy vào cuộc cạnh tranh đó.

 

 

Ông nghĩ sao khi nhiều khán giả nhận xét hài Việt Nam tính logic chưa cao?

Tôi nghĩ nếu người nào xem hài mà đòi hỏi nó phải có tính logic thì thật là khó cho người làm. Hài vốn không logic. Cách viết “Gặp nhau để cười” của tôi là cách viết theo chương hồi, các câu chuyện gắn bó với nhau nhưng không phải là một sự gắn bó chặt chẽ. Gia đình ông A cãi nhau với gia đình ông B dẫn đến kiện tụng Ông A hợp với vợ ông B, ông B lại hợp với vợ ông A. Ông xử kiện phán: hay ta đổi vợ đi cho đỡ cãi nhau… Cả hai gia đình lại ồ lên: sao lại đổi? Không đổi thì thôi, ai lại về nhà nấy và đừng cãi nhau nữa. Đó là một câu chuyện hoàn toàn không có thật và phi logic, nhưng chính điều đó tạo ra sự… hài. Nếu xem chính kịch quen rồi, khi xem hài nhiều khán giả có thể nói: đoạn này làm gì có? Nhưng nó hay chính là ở chỗ “làm gì có” đó. Tôi nghĩ phải đạt được mức độ phi logic nào đó có thể chấp nhận mới được gọi là phim hài.

 

Thế còn chuyện khán giả cho rằng phim hài Việt hiện nay có gì đó… nhàn nhạt?

Nhiều quá thì nó nhạt. Một ông diễn viên hài có tiếng nhảy hết từ Đài nọ sang Đài kia, xuất hiện hết show diễn này tới show diễn khác với tần suất cao thì nhạt là điều dễ hiểu. Chính vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ được bản sắc và làm cho tác phẩm của mình đậm đà lên. Đó là điều quan trọng và cũng là điều rất khó khăn cho các nhà làm phim.

 

“Bản sắc” trong phim hài của Khải Hưng dường như là hướng tới người nông dân?

Chính xác. Tôi chiều nông dân, họ chính là khán giả VIP của tôi. Tôi luôn nghĩ tới những người nông dân cổ cày vai bừa. Sau ngày làm việc vất vả, được xem phim hài thư giãn đầu óc, với họ thế là hạnh phúc. Trí thức mình có xem phim hài đâu, họ thích phim Mỹ.

 

Nhưng ở Mỹ, hay ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những tác phẩm hài khiến cả trí thức tới người nông dân đều yêu thích đấy thôi…

Bởi mình không phải là Mỹ. Giới trí thức thích phim Mỹ là việc của họ, còn tôi làm hài cho người nông dân Việt Nam. Điện ảnh và truyền hình là một nền công nghiệp. Để lôi kéo được trí thức thì tăng trưởng kinh tế của mình phải bằng các nước khác. Hiện nay, mức sống của trí thức cao gấp 10 lần nông dân. Khi họ ngồi máy lạnh, có máy lạnh, có chảo vệ tinh sao họ phải xem phim Việt Nam? Còn nông dân chỉ có cái tivi nhỏ, đến quạt còn chẳng có thì họ cần gì xem phim Mỹ? Họ không hiểu, đó không phải là văn hóa của họ, họ chỉ thích xem Xuân Hinh, xem Quang Tèo… Đó là lý sự của tôi. Khi ông nông dân cũng có máy lạnh, có chảo vệ tinh thì chắc chắn tôi sẽ làm phim theo hướng khác. Nhưng hiện nay, họ chỉ cần có cái đầu VTC, thì dù ở đâu bắt được kênh truyền hình có hài thì tôi tin họ sẽ chọn kênh hài. Đời sống chênh thì nhu cầu thưởng thức cũng chênh. Tiêu chí của tôi là làm phim phục vụ nông dân. Đất nước mình 80% là nông dân. Tôi cho rằng muốn thành công thì phải biết mình đang phục vụ cho ông chủ nào… Nông dân cũng là một đối tượng VIP mà chúng ta cần hướng tới, họ có nhu cầu thưởng thức, giao lưu văn hóa, và những thước phim của tôi đem đến cho họ điều đó.

 

Và hẳn những người nông dân cảm thấy mình thực sự là VIP khi xem phim hài của ông?

Tôi tin là vậy! (Cười).

 
Tiến Toàn - Ảnh: HQ

Bình luận
vtcnews.vn