Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm liệu có khả thi?

Kinh tếChủ Nhật, 03/03/2013 07:42:00 +07:00

(VTC News) - Không lâu sau khi HOREA gửi tới Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, cả chuyên gia và dư luận đều tỏ ý phản đối.

(VTC News) - Không lâu sau khi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) gửi tới Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, cả chuyên gia và dư luận đều tỏ ý phản đối.

Đã đánh thuế rồi còn đánh thuế nữa!

Ngày 28/2, trong buổi gặp gỡ của các thành viên Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) về một số giải pháp cấp bách giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, cho biết hiệp hội đưa ra nhiều kiến nghị gửi đến Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Trong đó có kiến nghị đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên.

Mục đích HOREA đưa ra là hướng dòng tiền trong dân thay vì gửi ngân hàng đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ý kiến này sớm vấp phải sự phản đối từ các chuyên gia và dư luận.

 Dư luận phản đối kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận xét đây là điều không hợp lý. Theo ông, kiến nghị này không có cơ sở vì người dân có tiền, người làm kinh doanh có tiền, họ muốn làm gì là quyền của họ. Họ muốn gửi tiết kiệm hay đầu tư cũng là quyền của họ.

Thu nhập của người dân là thu nhập ổn định. Ông Kiêm khẳng định nếu muốn hướng họ dồn tiền vào khoản đầu tư nào đó thì dùng lãi suất, chứ không thể dùng thuế được. Người dân sẽ gửi tiền vào nơi thu được nhiều lợi nhuận. Còn nơi sinh ít lợi nhuận họ sẽ không gửi.

Chỉ những nguồn nào dẫn đến thu nhập cá nhân mới phải đóng thuế. Còn ở đây, người dân đã đóng thuế thu nhập rồi, đã đóng tất cả các loại thuế rồi nên không thể bắt họ đóng thuế tiền gửi tiết kiệm được.

Nếu áp dụng kiến nghị đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên, người dân tất nhiên sẽ có cách đối phó mạnh mẽ và dễ dàng như chia nhỏ sổ. Vì thế cũng không dễ để thu thuế được của người dân.

Cư dân mạng mạnh mẽ phản đối

Không lâu sau khi kiến nghị của HOREA được công bố, cư dân mạng đã “dậy sóng” phản đối. Nhiều topic trên nhiều diễn đàn được lập ra với hầu hết các ý kiến phản đối, ném đá. Thậm chí không ít thành viên còn buông lời quá khích với HOREA.Trong đó, diễn đàn Voz thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả với 16 trang bình luận.

Nhiều người cho rằng kiến nghị này không hợp lý. Thành viên quynhanhnguyen trên Voz bức xúc viết: “Đánh thuế gửi tiết kiệm, không ai gửi ngân hàng nữa thì ngân hàng kiếm đâu vốn mà cho vay. Rồi lại đầy doanh nghiệp chết vì ko vay được tiền ngân hàng. Kiến nghị đánh thuế những người phát minh ra những tối kiến”.

Một số thành viên khác lại lý luận đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là sai nguyên tắc vì khoản tiền này, người dân đã đóng thuế rồi. Thành viên Crow phân tích: “Có vấn đề à? Phần tiền họ có được là đã trả thuế. Người làm công thì trả thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp,  làm ăn nhỏ lẻ cũng 1 đống thuế.  Vậy làm sao có thể đánh thuế thêm họ thêm lần nữa?”

Một thành viên khác trên diễn đàn Voz có cùng quan điểm khi bình luận: “Đánh thuế thu nhập cá nhân, xong đến cả tiền thu nhập từ ngân hàng cũng bị đánh thuế nữa thì...”

Một thành viên trên diễn đàn F319 ca thán tương tự: “Nói thế là phải đóng thuế hai lần à? Lúc đi làm phải đóng thuế rồi. Để dành tiền được rồi củng phải đóng thuế , hôm nay ví dụ là 1% mai này tăng lên nhiều thì sao? Nói chung là  không chấp nhận được. Tiền ai cũng kiếm vất vả, không thể dựa vào lý do đó mà đánh thuế như vậy được”.

Trong khi đó, một số người lại đề cập tới vấn đề lãi suất thực dương để phản đối kiến nghị. Thành viên Ilutart phân tích: “Thật ra thì về mặt lý thuyết là đúng, nếu sinh lời thì phải trả thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp trên phần lời. Nhưng về bản chất, để anh thu thuế thì người ta phải có lời thật, trong khi lãi suất ngân hàng thấp hơn lạm phát. Như vậy, việc thu thuế của anh chả khác gì lạm thu và tận thu.

Suy xét cho cùng, nếu anh đánh thuế vào phần lợi tức âm này thì sẽ không khác gì thời phong kiến, có lợi nhuận thì anh hưởng, còn lúc lỗ thì anh làm ngơ hoặc đặt ra cái gọi là... phí quản lý”.

Một thành viên khác đưa ra ý kiến tương tự: “Cái kiến nghị này không phải vô lý. Nếu lãi suất thực dương thì phải đánh thuế, không người ta đẩy hết tiền vào ngân hàng kiếm lãi, đâu ai chịu đầu tư sản xuất, lúc đó nền kinh tế đi đâu? Các bác bất động sản dựa vào điều đó mè nheo, khóc lóc, nhưng quên một điều là lãi suất phải thực dương cơ”.

Không đánh giá về tính đúng sai của kiến nghị, một số người khác lại “hiến kế” cách lách luật. Thành viên acbaby chia sẻ: “Các bạn không thấy là họ bảo đánh thuế trên 500 triệu à? Nếu bây giờ cho lãi suất ngân hàng cao hơn lạm phát và có thu thuế trên phần tiết kiệm ấy, mình sẵn sàng chấp nhận luôn. Cứ chia nhỏ tiền ra, mỗi tài khoản tiết kiệm để vào 490 triệu là xong”.

Thành viên bluelove bình luận: “Gửi tiết kiệm mà cũng bị đánh thuế, thế chắc phải làm nhiều thẻ ngân hàng, mỗi thẻ gửi dưới mức quy định đưa ra vậy có bị đánh thuế không nhỉ?”

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn