Đại biểu Quốc hội: Hội nhập quốc tế, không thể một mình một kiểu

Thời sựThứ Sáu, 06/11/2015 07:50:00 +07:00

Hội nhập quốc tế là một hành trình nhiều khó khăn. Nhiều điểm trong luật Điều ước quốc tế còn bất cập ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.

(VTC News) -  Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, khi hội nhập kinh tế thì Việt Nam phải bỏ bớt các thủ tục rườm ra, "không thể một mình một kiểu mãi được".

Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại biểu Bùi Văn Phương
Đại biểu Bùi Văn Phương 

Đa số các đại biểu đều cho rằng, Dự án Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước quốc tế (sửa đổi) đã được sửa đổi, bổ sung một cách khá cơ bản và toàn diện trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005 (gọi tắt là Luật ĐƯQT 2005), đã quán triệt và thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách đối ngoại, Hiến pháp năm 2013 và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với việc ký kết điều ước quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến điều ước quốc tế, do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành là rất cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng Luật ban hành từ năm 2005 đã bộc lộ hàng loạt thiếu sót, cần phải sửa đổi Luật để bảo đảm các mục tiêu: thể hiện quan điểm về công tác đối ngoại của Đảng, triển khai thực hiện quy định mới của Hiến pháp (cụ thể là Điều 70) và thực hiện hoàn chỉnh cơ chế trong việc tham gia các điều ước quốc tế. Các Luật cũng phải phù hợp với các điều ước đã cam kết.


Đa số đại biểu thống nhất sửa tên Luật thành “Luật điều ước quốc tế” do tên gọi này ngắn gọn, đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với quốc tế. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tên gọi này chưa thể hiện được nội dung gia nhập, cần cân nhắc thêm.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì tỏ ra lo lắng khi thủ tục hành chính hiện nay vẫn rất rườm rà, vì thế khi hội nhập quốc tế cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ phải cải cách mạnh hơn về thủ tục hành chính.

"Chúng ta không thể một mình một kiểu mãi", đại biểu này đề xuất.

Ngoài ra, theo đại biểu Phương, khi Việt Nam tham gia ký kết các điều ước quốc tế thì phải tính toán kỹ vì nhiều ngành sản xuất của Việt Nam sức cạnh tranh còn non yếu, nên nếu hạ thuế suất bằng 0% thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp sẽ phá sản, giải thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) lại dẫn ra vấn đề: ký và phê chuẩn là hai vấn đề khác nhau, ký rất nhanh nhưng thực hiện là cả vấn đề, phê chuẩn bao nhiêu và kết quả thực hiện thế nào, báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện được vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì nhìn nhận: “Những gì liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội thì có lẽ cần có hình thức báo cáo trước với Quốc hội mới bảo đảm. Trong luật này chỉ có trường hợp, nếu ĐƯQT nếu trái với luật, pháp lệnh của UBTVQH thì trong quá trình phải báo cáo UBTVQH để UBTVQH cho ý kiến, sau đó mới đàm phán. Đến vòng cuối cùng này Quốc hội mới biết thì muốn có ý kiến cũng rất khó”.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn