Đài Bắc không xa

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 03:31:00 +07:00

Không chỉ có học viên gái lứa tuổi 8X,9X, mà có cả những học viên lớn tuổi bậc cha mẹ của 8X,9X..

      Con hẻm 23/203 ngõ Cao Non phường Cao Hồng nằm ẩn sâu bên mé đồi đất xít đỏ, và chìm trong các vườn cây ăn quả lâu năm phần lớn là mít, vốn yên tĩnh nhiều năm rồi, thậm chí đìu hiu. Nay, chiều nào cũng vang lên tiếng luyện tập phát âm học tiếng Hoa. Không chỉ có học viên gái lứa tuổi 8X,9X, mà có cả những học viên lớn tuổi bậc cha mẹ của 8X,9X..

 

      Các cô gái trẻ học tiếng Hoa, là chuẩn bị cho bước đi lấy chồng Đài Loan. Còn những người lớn tuổi, là sẵn sàng cho các chuyến thăm Đài Loan nếu con gái họ lấy được tấm chồng bên đó.

      Giáo viên của họ, là một cô gái khoảng ba mươi tuổi, được giới thiệu là cử nhân khoa Trung văn trường Đại học dân lập Tây Đô. Cô đã có nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch cho các tour đi Đài Loan, Hồng Kông, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, rất thông thạo phong hóa của dân bản địa, điều đó sẽ bổ ích cho học viên hiểu biết trước nhiều phong tục tập quán người dân Đài Loan, thuận lợi cho cuộc sống để họ nhanh chóng hòa đồng sau này. Giáo trình cô dạy là “Tiếng Hoa thực dụng” do cô biên soạn. Học theo mẫu câu, phương pháp tiện dụng nhất, giao tiếp nhanh nhất và dễ học dễ nhớ nhất. Ba tháng một khóa, là có thể giao lưu thông hiểu lấy chồng Đài ngon lành. Đã có một khóa, và đã có hai cô gái lấy được chồng Đài dễ dàng không còn cách trở gì về ngôn ngữ.

      Kinh nghiệm những năm làm hướng dẫn viên du lịch đã đem lại cho cô cách hướng dẫn “Tiếng Hoa nói ngay” rất hiệu quả và có phần thích thú đối với học viên. Giống như cô đã dạy cho các khách du lịch một vốn từ tối thiểu sử dụng ngay lỡ khi đi một mình không có phiên dịch. Đó là cách làm tròn âm tiết lơ lớ, được Việt hóa cho dễ nhớ. Ví dụ muốn hỏi nơi đi đái, cứ hỏi “Chó sủa”( che suở). Gọi lái xe là “Sư phụ”. Và khi vào cửa hàng hoặc ở chợ bị chủ hàng mời chào ép mua mà mình không muốn mua thì cứ nói “Bố mày”( bú mải), nghĩa là không mua…Cứ xem anh Tây hỏi ta “nha nghi ơ đâu” ta cũng hiểu anh ta muốn tìm nhà để trọ. Hay “nai chuoi nay gia bao nhieu tien?”, người bán hàng chắc chắn hiểu anh ta hỏi giá…

 

      Học viên ai cũng khen cô giáo dạy dễ nói và dễ hiểu, lại vui. Lớp học lúc nào cũng rộn tiếng cười. Học viên của cô không phải là những người có học vấn cao. Mà những chàng trai mà sau này họ lấy làm chồng cũng không kén gì cao siêu. Họ chỉ cần người phụ nữ vừa là vợ sinh con đẻ cái, vừa là người làm việc nhà, đi chợ nấu cơm giặt giũ, và sau nữa là nuôi con. Mức sống ở Đài Loan cao, con gái Đài thì biếng, vậy mà lấy vợ Đài lại tốn kém. Trong khi đó chi phí lấy vợ Việt rất rẻ, mà gái Việt lại rất thích lấy chồng Đài, đơn giản là họ có mức sống hơn trong nước, lại có tiền gửi về giúp gia đình. Cứ lấy gương chị Thanh con bác Suốt là rõ. Từ khi lấy chồng Đài, cả nhà sung sướng. Trai tơ chứ không phải ông già hay người ốm đau cần lấy vợ để có người chăm sóc như ở các tỉnh phía nam, phải tổ chức tụ tập nhau lại để họ chọn. Ghê chết người đi được.

          *

      Đúng. Cô gái tên là Thanh ấy trước khi lấy chồng Đài Loan cũng cư trú ở con hẻm 23/203 ngõ Cao Non phường Cao Hồng. Nay đang ở  Đài Bắc, một thành phố đẹp và sạch sẽ, có cuộc sống thanh bình, khí hậu quanh năm mát mẻ.

      Cách nay bốn năm. Thanh đi Hải Phòng dự lễ cưới một cô bạn lấy chồng Đài Loan. Trong lễ cưới ấy có hai chàng trai Đài Loan là bạn của chú rể. Thấy Thanh xinh gái, hai chàng trai Đài khẩn khoản nhờ cô dâu bạn Thanh mai mối giúp. Cô bạn gái Thanh giới thiệu một anh làm ở công ty X, một anh làm ở công ty Y. Cả hai chàng trai Đài Loan trông cùng được, khỏe mạnh. Nhưng Thanh chỉ có thể chọn ưng thuận một trong hai chàng trai. Đó là chàng trai làm việc ở công ty X. Cô hứa sẽ giúp chàng trai ở công ty Y cũng sẽ lấy được một cô gái Việt khác, nhưng phải chờ một chút. Đừng vội. Chuyện hôn nhân không thể vội.                                                                         

      Chồng Thanh tên là Lâm Tĩnh. Anh làm cho một công ty sản xuất máy tính. Làm chuyên môn gì ở công ty ấy cô không hỏi kỹ. Chỉ cần chồng mình có việc làm ổn định và thu nhập cao. Hằng tháng đưa tiền cho vợ đều đặn.

 

      Việc cưới tổ chức cả hai nơi, ở Việt và ở Đài. Chàng trai bạn của chồng Thanh cũng theo sang Việt Nam dự cưới, phát hiện Thanh còn một cô em gái còn xinh hơn cả chị Thanh, cứ nằn nì xin được yêu. Ra chuyện hôn nhân đâu có quan trọng như người ta lớn tiếng dạy nhau.

      Ở Đài Bắc vợ chồng Thanh sống chung với bố mẹ. Gia đình chồng có mức sống khá từ thu nhập có nhà cho thuê. Cô không phải đi làm kiếm tiền, chỉ ở nhà đi chợ, nấu các bữa ăn cùng dọn dẹp nhà cửa. Bước khởi đầu cứ tạm thế đã. Còn gì mai tính. Thực phẩm nơi gia đình Thanh ở bán rất rẻ so với thu nhập của dân Đài. Ở siêu thị giá có cao hơn nhưng cũng không quá đắt. Cho nên Thanh muốn dành dụm chút ít cũng không khó khăn gì. Phụ nữ chăm chỉ, lại biết cần kiệm là một ưu điểm tiêu biểu của gái Việt sang Đài làm dâu.

      Sau đêm tân hôn, Thanh ngạc nhiên nhận thấy chồng mình sung sướng, mẹ chồng vui thích đến kì lạ. Bà có những cử chỉ cưng chiều dâu mới cứ như thân thuộc từ lâu rồi. Ngay buổi sáng bà đã vào dọn phòng cho đôi vợ chồng trẻ khi Thanh còn đang trong nhà tắm. Hơi lạ, Thanh hé cửa nhìn, thấy bà lượm lên và vo tròn chiếc ga trải giường. Gương mặt bà rạng rỡ. Tủm tỉm cười.

      Cuộc sống chung với những người xa lạ nơi xứ người, tưởng rằng sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể hòa nhập, nhưng đã rất khả quan, nhanh chóng hơn cô nghĩ. Những năm học trung học, nhà trường dạy Trung văn. Cô nói được những ngữ trong sinh hoạt đủ để giao tiếp. Đó là một ưu thế. Bản chất cô ngoan hiền, biết kính trọng và quan tâm tới bố mẹ chồng. Thêm một ưu thế thứ hai. Cô sống giản dị, trung thực, ngày càng tăng thêm thiện cảm của bố mẹ. Một tuần mẹ chồng bị đau, Thanh thuốc thang cho bà, lau rửa cho bà, cơm cháo cho bà, đấm bóp cho bà…Bà cảm động.

      Một năm sau Thanh sinh cho gia đình họ Lâm một quý tử. Cả nhà vui sướng như cô đã đẻ ra cho họ một cục vàng hai bốn ca-ra. Con đầu cháu sớm. Đến lần mẹ chồng chăm sóc lại con dâu. Ngày nào cũng một chân giò heo cùng những móng giò hầm với thuốc bổ, hai bầu vú Thanh nung núng sữa. Còn cô thì mập phì, da trắng căng mịn phớt hồng. Thanh nói với mẹ chồng:

      - Từ từ thôi mẹ ạ. Con sẽ thành heo mất!

 

      Nói rồi cô bật cười, nghĩ về một đứa bạn ở Hạ Long, khi nó sinh con cũng được mẹ chồng chăn dắt chân giò ninh thuốc tẩm bổ như thế này, ai cũng khen mẹ chồng tốt. Thì nó lại nói: “-Không đâu. Bà ấy cho mình ăn là để nuôi bẵm cháu bà ấy đấy chứ!”

Mẹ chồng hỏi Thanh cười gì? Cô giật mình: “- Không ạ. Mẹ chăm con chu đáo quá!” Thanh gọi con trai mình là Cu Lâm Cưng. Nó lớn nhanh và khỏe mạnh. Một năm tuổi mà nó nói sõi cả hai thứ tiếng Việt và Hoa tuy ngọng líu ngọng lo. Chẳng bù bố Lâm Tĩnh hơn một năm rồi vẫn chưa tiếp chuyện điện thoại được với bố mẹ vợ từ Hạ Long gọi sang. Các nhà sinh vật học gọi đó là ưu thế lai. Hai giống khác nhau phối với nhau sẽ cho giống con trội hơn giống bố.

      Lâm Tĩnh yêu Thanh nồng nàn, có phần dữ dội. Có lẽ xa lạ về giống nòi đã đem lại sự hấp dẫn thuần túy bản năng tương hỗ. Vào một đêm, Lâm Tĩnh quần thảo vợ, đến chừng mực quần áo bung ra hết, anh chồm lên người Thanh hối hả như con thú giữ mồi, vừa lúc cong người lên, thì ở hành lang gian ngoài có tiếng người ngã huỵch trên sàn nhà cộng với tiếng vỡ lảnh lót của đồ sứ. Ngay lập tức Thanh đẩy chồng lăn xuống giường và vùng dậy:

      - Có lẽ là mẹ!

      Lâm Tĩnh vồ lấy vợ kéo trở lại:

      - Màn màn. Một chút nữa thôi.

      Thanh cự tuyệt dứt khoát:

      - Không được. Để em ra xem sao!

      Cô khoác vội chiếc áo choàng vụt chạy ra, bật đèn hành lang:

      - Ôi mẹ!

      Thanh đỡ mẹ chồng dậy. Dưới ánh đèn, bà nhận ra con dâu không mặc áo lót trong, ngực áo bập bềnh. Bà ngoan ngoãn quàng tay qua cổ con dâu để nó dìu bà vào phòng ngủ của bà. Thanh lo lắng xoa bóp cho bà, kiểm tra toàn thân xem bà đau ở chỗ nào mà không để ý tới thân mình, cho tới khi bà nhắc: “-Mẹ không sao. Con thay quần áo đi!”

      Thanh trở lại phòng thay đồ. Lâm Tĩnh vẫn ở trần chờ vợ. Anh lao tới ôm chầm lấy Thanh vật xuống giường. Thanh quát lên:

      - Anh điên à? Mẹ…

      Kéo ghế ngồi bên mẹ chồng, Thanh săn đón hỏi lại:

      - Bây giờ mẹ thấy đau ở đâu không? Con đưa mẹ tới bệnh viện.

      Bà lắc đầu, nắm lấy tay con dâu, gương mặt tràn chề xúc động. Thanh chột dạ, có lẽ mẹ đã biết cả.

      Một tuần sau, bà bảo Thanh đi cùng bà ra văn phòng công chứng thành phố. Bà đặt tập hồ sơ văn tự nhà đất của bà trước mặt, trình bầy với luật sư công chứng viên, rằng bà xin chuyển quyền sở hữu bất động sản này sang tên con dâu. Thanh ngăn bà: “-Mẹ. Việc này để sau!” Nhưng bà đã quyết.

      Về nhà, bà nói với con dâu:

      - Mong không có chuyện gì xảy ra. Đàn ông Đài Loan cứ phải phòng xa. Mẹ dành cho con và cháu của mẹ. Con là một nàng dâu tốt rất đáng được tin yêu.

        *

      Thông tin ngắn thì gọi điện thoại. Còn Thanh muốn chuyện trò với bố mẹ và các em ở bên Việt, cô online qua đường internet. Lâm Tĩnh trang bị một webcam, dàn loa, bên nhà vợ ở Hạ Long cũng thế, nhìn thấy mặt nhau khỏe mạnh nói cười vui vẻ dù hình ảnh nhỏ xíu cũng là một lần gặp mặt. Cách nhau mấy ngàn cây số mà có cảm giác chẳng xa xôi gì. Ông bà thông gia bên Đài có nguyện vọng mời ông bà thông gia bên Việt sang thăm. Thế thì còn gì bằng. Một chuyến xuất ngoại kì thú dễ gì muốn là được. Thanh bảo bố mẹ cho cả em gái sang luôn. Một công đôi việc. Lời hứa với chàng trai bạn chồng, cô không quên. Mà cũng không thể quên vì chàng trai đó gọi điện tháng tháng nhắc giục dã cả Thanh lẫn Lâm Tĩnh.

      Chuyến đi hoạch định sáu tháng. Ông bà thông gia bên Việt nghĩ cách chủ động kiếm tiền sống trong sáu tháng đó. Rất đơn giản mà hiệu quả lớn. Họ mang theo đồ nghề làm chả mực, nghề truyền thống nổi tiếng ở Hồng Gai. Đây là gợi ý của con gái. Thanh nhìn xa hơn muốn sau này biến nó thành cơ sở sản xuất chả mực có thương hiệu như Hạ Long chẳng hạn, mà cô có thể đứng tên làm chủ. Phải làm chủ cả về tài chính. Những người quen với gia đình Lâm Tĩnh, với cả chính Lâm Tĩnh, ở Đài Bắc, muốn biết thế nào là cô gái Việt, thì cứ soi qua tấm gương cô dâu Thanh: chăm chỉ, giản dị, trung hậu, thương yêu kính trọng gia đình chồng. Con gái Đài chưa hội đủ những phẩm chất đó. Sau khi lo xong việc hôn nhân cho em gái Thanh lấy bạn của chồng mình làm việc ở Đài Trung, một đứa em gái con của dì lấy một chàng trai khác ở Cao Hùng, cả hai đều tốt đẹp, được gia đình chồng yêu quý, bỗng Thanh trở thành bà mối mát tay trong con mắt nhiều chàng trai Đài Loan. Họ kéo đến thăm vợ chồng Thanh với lời thỉnh cầu tha thiết: “-Chị xem xem còn cô em họ hàng hoặc thân quen nào tốt như chị, chị mai mối cho chúng em!” Đó là những chàng trai tốt, tình cảm chân thành, muốn có một cuộc hôn nhân bền vững. Những cô gái Việt muốn lấy chồng Đài Loan cũng thế, mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, không cao xa viển vông, đâu có gì sai trái mà người đời cứ phải mỉa mai?

        *

      Lớp học tiếng Hoa ở hẻm 23/203 ngõ Cao Non phường Cao Hồng sắp kết thúc khóa. “Ní hảo” là xin chào. “Nỉ mấn hảo” là chào mọi người. Đó là những câu mở đầu quan trọng mở đường đi tới trái tim nhau. Nhớ chưa? Cô giáo tiếng Hoa dặn vậy. Khóa học chỉ học nói là chính. Ai muốn biết viết nữa càng tốt. Khóa học này là để kịp chuẩn bị cho cuộc giao lưu giữa các cô gái Việt cùng các chàng trai Đài, mà chỉ còn một ngày nữa các chàng trai Đài sẽ theo vợ chồng anh Lâm Tĩnh và chị Thanh đưa con về thăm gia đình ở Hạ Long. Trước đó, bằng con đường online có hình ảnh qua webcam, năm cặp trai gái này đã có các cuộc tiếp xúc qua mạng. Bố mẹ Thanh giúp thẩm định tư chất các cô gái bên Việt, cũng chỉ dám bảo lãnh cho con cháu trong họ, biết rõ chúng. Vợ chồng Lâm Tĩnh thẩm định và bảo đảm tư chất các chàng trai bên Đài. Toàn là bạn bè thân quen, hiểu rõ nhau mới dám. Đã “Ní hảo – ní hảo”, cùng đôi câu tự giới thiệu mình. Bố mẹ Thanh bây giờ nói tiếng Đài gần được như người Đài. Hỗ trợ hầu chuyện giúp cho các cô gái Việt. Cười nói phát ra loa vui như kịch trường. Quyết định sang Việt Nam là đồng nghĩa với việc họ đã bước đầu ưng nhau. Nhìn mặt nhau và nghe giọng nói của nhau rồi. Đâu phải chỉ mới nghe giới thiệu mồm mà đánh quả tù mù như thời mạng internet chưa phổ cập?

      Đài Bắc – Hà Nội mất ba giờ bay. Các chàng trai Đài Loan đều lần đầu sang Việt Nam. Có nhiều lí do làm các chàng nóng lòng. Còn Thanh, cô miên man lo lắng về một điều rất tế nhị, mà cô chỉ trao đổi được với mẹ chứ không thể trao đổi được với ai thêm. Không biết mẹ đã khéo léo nói với các cô gái Việt chưa? Các bà mẹ Đài Loan còn cố chấp nặng nề với quan niệm tập tục xưa cũ. Có phần đáng ngại sợ. Chính cái sáng sau đêm tân hôn của vợ chồng cô, gương mặt bà tươi vui rạng rỡ, mượn cớ dọn giường cho con, chính là bà kiểm tra trên ga giường có máu đỏ không. Thấy có, bà mới vui thế. Thử hỏi, nếu không, liệu sẽ ra sao?

      “ Không biết mẹ chị đã nói với các em chưa? Xin khoan sớm vui!”

      Ông trời ơi! Cho tới giờ mà vẫn tiếp tục bất công giữa đàn ông và đàn bà. Chua chát quá! Xin hỏi các cụ bà bành tổ của giới đàn bà ta, đần ngu sao mà không tìm ra cách kiểm tra loại đàn ông cơ chứ? Được họ mị nịnh tâng bốc là “cái đáng giá ngàn vàng”, thế là cứ cung cúc giữ gìn phục tùng thói ích kỉ đáng ghét của bọn họ ngàn đời nay!


      Truyện ngắn của Khiếu Quang Bảo


Bình luận
vtcnews.vn