Đà Nẵng muốn xây ngọn hải đăng giữa lòng sông Hàn

Thời sựThứ Bảy, 03/01/2015 08:59:00 +07:00

Tháp hải đăng Marina sẽ kết hợp với kinh doanh nghỉ dưỡng giữa lòng sông Hàn với chiều cao tương đương tòa nhà 25 tầng, trị giá 1.700 tỷ đồng.

Tháp hải đăng Marina sẽ kết hợp với kinh doanh nghỉ dưỡng giữa lòng sông Hàn với chiều cao tương đương tòa nhà 25 tầng, trị giá 1.700 tỷ đồng.

Tên gọi là ngọn hải đăng nhưng thực chất là khách sạn cao cấp


Chủ đầu tư dự án tòa tháp “ngọn hải đăng” này là Công ty cổ phần đầu tư DHC. Vị trí đầu tư xây dựng ở phía đông cầu Rồng, nằm dưới lòng sông Hàn, cách bờ sông khoảng 30m thuộc quận Sơn Trà. Phần đế “ngọn hải đăng” rộng 400m2 và chiều cao tòa tháp dự kiến thấp nhất phải bằng một tòa nhà cao 25 tầng.
Đà Nẵng, hải đăng, sông Hàn, khách sạn cao cấp
Mô hình “ngọn hải đăng” sẽ được xây dựng trên sông Hàn 
Tại cuộc họp quy hoạch kiến trúc ngày 25/12, chủ đầu tư đưa ra hai phương án: phương án 1 là xây dựng tháp mô phỏng theo tháp cổ Alexandria (Ai Cập) - một trong 7 kỳ quan của thế giới; phương án 2 có chất liệu từ kính trong suốt, với hình dáng ngọn hải đăng vươn lên như hình con sóng nở bông hoa từ dưới sông lên...

Những phương án này đều được, Giám đốc Sở Xây dựng và Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng đồng ý với việc cho xây “ngọn hải đăng” và khẳng định việc xây dựng không ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như hoạt động giao thông trên sông Hàn.

Tuy nhiên, một KTS bên Sở Xây dựng đã có ý kiến đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng hết sức lưu ý đến công trình này vì nó nằm ở vị trí giữa lòng sông Hàn, nếu vội vã quyết định cho làm và trường hợp gặp sai sót thì 100 năm sau vẫn không thể khắc phục nổi. Phải cần lấy ý kiến của các tổ chức phản biện xã hội và công chúng vì dòng sông Hàn là “báu vật của toàn dân”.

Theo vị kiến trúc sư này, “ngọn hải đăng” chỉ là tên gọi của công trình, còn thực tế đây sẽ là khách sạn cao cấp.

Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định đây là một công trình điểm nhấn kiến trúc của Đà Nẵng kết hợp khai thác dịch vụ lưu trú cao cấp. Tuy nhiên, ông Chiến giao Sở Xây dựng chủ trì lấy thêm ý kiến của các chuyên gia về phương án kiến trúc công trình, hạn cuối là ngày 15/1/2015.

Kiến trúc sư Phạm Phú Bình - ủy viên ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phó chủ tịch Hội Tư vấn xây dựng Việt Nam nhận định: “Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm nên phải hết sức cân nhắc”.

Theo ông Bình, việc xây dựng công trình tháp hải đăng phải tính lại, vì công trình có quy mô hình khối rất lớn chắc chắn sẽ cản trở dòng chảy.

“Bởi dòng sông Hàn mang giá trị cảnh quan, môi trường, bây giờ chúng ta làm một khối trên dòng sông như thế. Chúng ta dùng từ “ngọn hải đăng”, nhưng thực chất công trình đó như một cọc bêtông lớn, đâm vào lòng sông. Điều này gây một phản cảm rất lớn, thực chất chủ đầu tư tranh thủ vị trí đắc địa để khai thác nghỉ dưỡng”, ông phân tích.

Còn KTS Hoàng Quang Huy, phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng, nói: “TP thống nhất vị trí, xây dựng tháp hải đăng như vậy là quá vội vàng”.

Ông Huy cho hay ở các nước trên thế giới, hầu như các dòng sông nằm trong TP đều không có công trình nào vươn ra sông. Không ai lại xây dựng công trình “ngọn hải đăng” trên sông hết, chủ yếu họ làm ở cửa biển, vịnh biển. Chẳng qua làm công trình mang tên ngọn hải đăng ở đây để che lấp một mục tiêu, mục đích nào đó.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Đức, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư DHC, cho biết: “Dự án này đang đợi ý kiến, sau ngày 15/1 mới biết cụ thể. Công trình có một số công năng, có mục tiêu ngắm cảnh bắn pháo hoa, nhưng hiện phải làm kỹ hơn”.

Ông Đức cũng cho biết tòa tháp sẽ tạo hiệu ứng ánh sáng, tường bằng kính, phía trên có đèn. Theo ông Đức, hiện cũng chưa quyết định hết công năng sử dụng dự án vì còn phụ thuộc kiến trúc, song dùng để làm gì phải mang tính hiệu quả và đạt mỹ quan theo quy định.

Hiện nay, DHC cũng vừa được Đà Nẵng đồng ý cho xây một sân đỗ trực thăng trên sông Hàn, cách “ngọn hải đăng” không xa.

Video Du khách mới ở Đà Nẵng

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn