Cưỡng chế nhà của bố liệt sỹ, thu di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công: Ai phải chịu trách nhiệm?

Thời sựThứ Hai, 25/09/2017 07:21:00 +07:00

Luật sư nhận định, gia đình cụ Khi có thể được bồi thường, xin lỗi nếu chính quyền làm mất di ảnh liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công và tài sản khác khi cưỡng chế phá dỡ nhà vi phạm.

Video: Cưỡng chế nhà của bố liệt sỹ, thu di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công 9 năm không trả

Liên quan đến vụ việc cưỡng chế nhà của bố liệt sỹ, thu di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công 9 năm không trả, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty luật TNHH Dragon (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về tính pháp lý của vụ việc này.

Theo căn cứ tài liệu và thông tin vụ việc, năm 2008, hộ cụ Trương Mậu Khi (92 tuổi, ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) xây dựng công trình nhà cấp 4 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, gia đình cụ Khi đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành của UBND phường Bãi Cháy (TP Hạ Long).

Theo nhận định của luật sư Nguyễn Minh Long, việc làm này của cơ quan chức năng là đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (Điều 18, Điều 28, Điều 66).

Ngay cả sau này, khi gia đình cụ Trương Mậu Khi đã được Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ngày 18/7/2008) nhưng với mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm thì việc xây dựng công trình nhà cấp 4 trên đất này vẫn là vi phạm luật Đất đai 2003 – sử dụng đất không đúng mục đích (khoản 1 Điều 11).

IMG_4166

 Mảnh đất nơi gia đình cụ Khi xây dựng nhà cấp 4 khi chưa được cấp phép, bị chính quyền phường Bãi Cháy cưỡng chế, tháo dỡ.

Còn về việc chính quyền thu di ảnh 2 mẹ con liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công, bát hương, hồ sơ vụ việc nêu rõ: Ngày 13/3/2008, UBND phường Bãi Cháy ban hành Thông báo số 68/TB-UBND “Về việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng của cụ Trương Mậu Khi tại tổ 8, khu 10, phường Bãi Cháy” trong đó có nội dung: Đề nghị gia đình ông Trương Mậu Khi di chuyển toàn bộ tài sản, đồ dùng ra ngoài công trình cưỡng chế trước 10h ngày 14/3/2008.

Cùng ngày, UBND phường đã bàn giao thông báo trên cho cụ Trương Mậu Khi, cụ Khi đã nhận thông báo nhưng không ký nhận (có biên bản bàn giao).

Đến 8h30 ngày 14/3/2008, UBND phường Bãi Cháy vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động gia đình cụ Trương Mậu Khi tự động tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, nhưng hộ cụ Khi vẫn không chấp hành. Đến 14h ngày 14/3/2008, UBND phường tiến hành việc cưỡng chế phá dỡ.

IMG_0079

Biên bản thu giữ bằng Tổ quốc ghi công, ảnh hai mẹ con liệt sỹ và bát hương của gia đình cụ Khi do UBND phường Bãi Cháy lập.

Trước khi phá dỡ công trình vi phạm, UBND phường Bãi Cháy đã kiểm tra thấy trong công trình có một số tài sản và có mặt cụ Khi trong công trình, đoàn đã đưa cụ Khi và tài sản ra khỏi công trình cưỡng chế, sau đó bàn giao lại nhưng gia đình không nhận.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Long cho rằng, ngay từ đầu UBND phường Bãi Cháy không có chủ ý thu giữ tài sản (bao gồm cả di ảnh liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công và bát hương) của gia đình cụ Trương Mậu Khi.

Xét về mặt bản chất, không phải UBND phường Bãi Cháy thu giữ tài sản của gia đình cụ Khi, mà chỉ là đưa ra khỏi công trình xây dựng trái phép để thực hiện việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. UBND phường có thiện chí bảo toàn tài sản cho gia đình cụ Khi và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

“Được bàn giao lại tài sản mà gia đình không nhận, trong khi đó lại có di ảnh liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công và bát hương nhưng gia đình vẫn không nhận và cũng không thể hiện việc giữ gìn, trân trọng ngay tại thời điểm đó thì hoàn toàn là lỗi của gia đình ông Khi.

Nếu có việc UBND phường Bãi Cháy cố ý thu giữ di ảnh liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công và bát hương của gia đình cụ Khi và có căn cứ chứng minh thì chúng tôi mới đánh giá được theo góc độ pháp lý”, luật sư Nguyễn Minh Long nêu quan điểm.

IMG_4122 3

Ở cái tuổi 'gần đất xa trời', cụ Trương Mậu Khi vẫn đau đáu về vụ việc. Di ảnh của người con là liệt sỹ Trương Mậu Bông, bằng Tổ quốc ghi công... từ ngày bị cưỡng chế không còn nữa.  

Cũng theo luật sư Long, việc đưa tài sản của gia đinh cụ Khi về tạm giữ tại trụ sở UBND phường Bãi Cháy khi gia đình cụ Khi đã được bàn giao nhưng cố tình không nhận lại là hoàn toàn đúng pháp luật. Đó là sự lựa chọn duy nhất của UBND phường trong hoàn cảnh đó, bởi nếu không mang về, chẳng may bị mất mát, hủy hoại thì ai là người chịu trách nhiệm – chính là UBND phường Bãi Cháy.

Di ảnh liệt sỹ, bát hương và bàn thờ được rước về đặt tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của phường Bãi Cháy là phù hợp với tâm linh và thuần phong mỹ tục. Trong suốt thời gian sau cưỡng chế, UBND phường Bãi Cháy đã nhiều lần mời gia đình đến nhận lại tài sản nhưng gia đình không đến.

Nếu gia đình cụ Khi muốn thì hoàn toàn có thể đến làm việc với Ban quản lý Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của phường Bãi Cháy để mang di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công, bát hương và bàn thờ về.

"Vậy có một câu hỏi ngược lại rằng: trong suốt khoảng thời gian bị thu giữ tài sản như vậy, gia đình có đến UBND phường yêu cầu trả lại hay không? Có căn cứ nào chứng minh việc gia đình cụ Khi đã yêu cầu trả lại nhưng UBND phưỡng Bãi Cháy kiên quyết không trả lại hay không? Bởi vậy, sự việc này vẫn còn nhiều tình tiết cần được làm rõ để đi đến kết luận cuối cùng", luật sư cho biết.

IMG_0064 4

 Trong buổi làm việc với UBND phường Bãi Cháy về vụ việc, lãnh đạo phường cho biết, qua 3 lần chuyển trụ sở nên các vật dụng, tài sản tạm giữ trong vụ cưỡng chế đến nay đã bị  thất lạc.

Liên quan đến việc UBND phường chuyển trụ sở nhiều lần làm thất lạc các tài sản, vật dụng thu giữ trong buổi cưỡng chế, trong đó có di ảnh của 2 mẹ con liệt sỹ, bằng Tổ quốc ghi công, bát hương, luật sư Long cho rằng, UBND phường Bãi Cháy phải bồi thường thiệt hại cho gia đình cụ Trương Mậu Khi (theo quy định tại Điều 585 và Điều 589 Bộ Luật DS 2015) và công khai xin lỗi gia đình (khắc phục thiệt hại về tinh thần).

​Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác​.

Nếu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình cụ Trương Mậu Khi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, thì cụ Khi hoàn toàn có thể làm đơn khiếu nại hoặc khởi kiện theo thủ tục hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cũng liên quan đến vụ việc này, chiều 22/9, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, ông đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long báo cáo toàn bộ vụ việc, trên cơ sở đó, lãnh đạo Tỉnh ủy sẽ xem xét và có hướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc. 

Minh Khang - Kiều Mi
Bình luận
vtcnews.vn