Cuối năm ngẫm về những đôi chân tiền tỉ

Thể thaoThứ Bảy, 21/01/2012 01:00:00 +07:00

Rất nhiều Scandal và những giai thoại về các thể loại "thú vui tao nhã" của các ngôi sao với những đôi chân tiền tỷ.

Rất nhiều Scandal và những giai thoại về các thể loại "thú vui tao nhã" của các ngôi sao với những đôi chân tiền tỷ. Nhưng những khoảng tối, đôi khi cũng chỉ là chấm đen trên những tờ giấy trắng bên cạnh rất nhiều câu chuyện đáng ngưỡng mộ.

Cứu cánh cuộc đời

Đến giờ, dù vi vu trên những chiếc Venza cáu cạnh, mỗi khi về quê Thành "rìu" vẫn nhảy lên chiếc xe Dream cũ chạy long nhong. Với Thành, nó còn hơn cả niềm tự hào.

Ngày mới lên đội 1 Thanh Hóa, kể cả lương và thưởng cộng lại Thành nhận được khoảng 10 triệu/tháng. Số tiền rất lớn, là niềm mơ ước với một cầu thủ mới bước sang tuổi 20 khi đó và chiếc Dream mua với giá 16 triệu là tài sản có giá trị đầu tiên mà Thành có được. Chiếc xe kỉ niệm đó, anh tặng và nhờ bố giữ hộ.

 Mai Tiến Thành sẽ sớm trở lại ĐTQG ?

Cũng giống như bao cầu thủ khác, Mai Tiến Thành sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo miền núi của Thanh Hóa (Ngọc Lặc).  Là con út trong gia đình có 3 anh em trai, sự nghèo khó, thiếu thốn bộn bề luôn đeo đẳng nên đi đá bóng cũng là động lực để vươn lên, Thành quyết tâm lấy bóng đá làm bàn đạp để vượt qua cái nghèo và thay đổi đời mình.

"Nhờ đôi chân đá bóng, em cũng làm được nhiều thứ phết...", Thành kể chuyện mà tự hào ra mặt. Từ ngày kiếm được đồng tiền đầu tiên với bóng đá, bất kể công việc lớn nhỏ trong nhà đều được một tay lo hết. Từ khoản tiền đầu tiên phụ giúp bố mẹ xây sửa lại cái nhà vệ sinh khép kín, lắp bình tắm nóng lạnh cho cả nhà thoát nỗi khổ mùa Đông miền núi đến cái nhà bếp lát gạch men đẹp trắng tinh với đủ bộ bếp ga thay cho bếp củi.

Quyết định chuyển về chơi cho Ninh Bình năm 2007 của Tiến Thành được coi là bước ngoặt lớn và khiến cả gia đình đổi đời thực sự. Một nửa số tiền lót tay từ bản hợp đồng đầu tiên, anh gửi về để bố mẹ xây lại ngôi nhà cho khang trang, mát mặt với hàng xóm. Còn lại, gom góp vay mượn mua thêm một mảnh đất ở quê cùng quyển sổ tiết kiệm 2 tỷ để bố mẹ dưỡng già. Vốn làm ăn, kinh doanh của gia đình với 2 anh trai, Thành lo tất. Rồi năm 2011, thêm một bản hợp đồng nữa và Thành mới tính cho mình khi mua luôn 2 mảnh đất ở Thành phố Thanh Hóa và Ninh Bình cùng một chiếc xe hơi để tiện đi lại.

"Hai lần mổ chân nhưng em là người trở lại sớm nhất. Chẳng có bí quyết gì đâu, chỉ đơn giản bóng đá cho mình quá nhiều nên hình thành ý thức trong đầu rồi..."

Đá bóng lấy tiền nuôi vợ con

Không phải cầu thủ nào lên Tuyển hay có hợp đồng tiền tỷ là làm được những công to, việc lớn như Công Vinh, Quang Hải, Thành Lương... Có những người được đi đá bóng cũng chỉ ước mong rất giản dị: được chơi bóng, kiếm tiền về nuôi vợ con là hạnh phúc lắm rồi. Câu chuyện về tiền đạo Đức Mạnh ở đội hạng Nhất Hà Nội là một ví dụ như thế.

Giữ cho nhau cái nghiệp (Ảnh: Quang Minh)

Mạnh đã từng được coi là chân sút triển vọng của lứa 87 Thể Công cùng với những Quang Vinh, Ngọc Duy, Minh Đức... Thiếu may mắn, bị đứt dây chằng gối và bị ném ra đường khi các đồng đội sang Bulgaria tập huấn.

Bế tắc, gia đình khó khăn đến mức không kiếm nổi vài chục triệu để mổ gối, Mạnh tính giải nghệ, tìm việc khác để làm. Nhưng để có vốn liếng làm ăn và làm gì cũng khó. May cho Mạnh, đi đá phủi có ông anh thương tình cho 20 triệu, chạy vạy khắp nơi vay mượn đi mổ gối, nuôi hi vọng có ngày chơi bóng trở lại. Phải đá bóng bởi đó là cơ hội duy nhất để đổi đời.

Bình phục và xin thử việc ở đội hạng Nhất Hà Nội, được gật đầu vì "còn thấy khả năng chơi bóng". Không có lót tay nhưng khoản lương 10 triệu chưa kể thưởng cũng giúp anh trang trải được cuộc sống hàng ngày cho gia đình, ngoài ra dành dụm mở một shop quần áo nhỏ. Cuộc sống rồi cũng ổn, khi là chỗ dựa cho cả gia đình và với tiền đạo này "cũng chẳng dám ước mơ hơn".

Trong bóng đá, đôi khi để đánh giá về thành công hay thành đạt cũng chỉ là tương đối. Như giá trị và cách ứng xử với đồng tiền mà tự mỗi cầu thủ kiếm được từ chính đôi chân của mình chẳng hạn.

Tú Phạm (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn