Cúm A trái mùa, làm sao để chẩn đoán chính xác bệnh?

Tư vấnThứ Sáu, 22/07/2022 14:52:00 +07:00
(VTC News) -

Số ca mắc cúm A trái mùa đang gia tăng và việc chẩn đoán đúng bệnh có vai trò rất quan trọng.

Hai chủng virus cúm phổ biến nhất ở Việt Nam là cúm A và B, virus H1N1 nằm trong chủng cúm A. Sự khác biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh thông thường là tác nhân gây bệnh khác nhau, virus cúm thường gây triệu chứng bệnh nghiêm trọng và kéo dài hơn.

Virus cúm A dễ gây thành dịch nhỏ đến lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu bùng phát vào thời tiết đông xuân. Virus cúm B chỉ thấy ở người, nhưng ít gây thành dịch giống virus cúm C, triệu chứng bệnh cũng khá nhẹ. 

Các bệnh do virus nói chung và virus cúm A nói riêng khả năng lây lan rất nhanh chóng qua đường hô hấp hoặc dịch tiết. Hơn nữa, chủng virus cúm A có thể lây từ động vật sang người, chủ yếu là các loài gia cầm, chim và động vật có vú. Vì thế, ngăn chặn sự lây lan virus cúm A rất quan trọng.

ThS.BSNT Nguyễn Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, số người tới xét nghiệm cúm tại bệnh viện ngày càng tăng. Trung bình từ đầu tháng 7 đến ngày 18/7, gần 5.000 người tới xét nghiệm cúm và 2.377 ca là nhiễm cúm A. Chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh.

Cúm A trái mùa, làm sao để chẩn đoán chính xác bệnh? - 1

Xét nghiệm cúm A phải lấy máu. 

Theo BS Tùng, thông thường, việc chỉ định làm xét nghiệm cúm được chia thành các nhóm dưới đây.

  • Trường hợp nghi ngờ: Có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp.
  • Trường hợp xác định mắc bệnh: Có biểu hiện lâm sàng cúm, xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm virus cúm A (H1N1).
  • Người lành mang virus: Không biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A (H1N1).

Chẩn đoán cúm có nhiều loại xét nghiệm với độ nhạy, độ đặc hiệu khác nhau, có thể thay đổi tùy theo loại sinh phẩm và kỹ thuật thực hiện xét nghiệm.

Xét nghiệm kháng nguyên nhanh phát hiện sự hiện diện của kháng nguyên virus trong mẫu (cho kết quả chính xác trong 4 ngày kể từ khi có triệu chứng), thời gian trả kết quả nhanh (15 phút), chi phí thấp, có thể phát hiện cả cúm A và cúm B, độ nhạy (70%).

Xét nghiệm RT-PCR, độ đặc cao (>95%), độ nhạy cao (>99%), có thể được sử dụng để đồng thời loại và phân loại virus.

Xét nghiệm nuôi cấy virus, độ đặc hiệu cao (> 95%), cho phép mô tả đặc điểm của các loại virus mới, cho phép giám sát độ nhạy kháng virus và sự trôi dạt kháng nguyên. Đồng thời, người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để xem bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.

Ngoài ra, với trường hợp chẩn đoán thể bệnh, người bệnh cần được khám lâm sàng, đo độ bão hòa Oxy (SpO2), chụp X-quang tim phổi và chụp CT phổi.

Sau khi được chẩn đoán chính xác căn nguyên, thể bệnh, người bệnh được tư vấn kê đơn điều trị sớm để tránh biến chứng.

Cúm A thường tiến triển và tự khỏi sau một tuần, nhưng một số trường hợp tiến triển nặng thành viêm phổi, bội nhiễm hoặc biến chứng nặng hơn như suy đa tạng. Người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh tim mạch, hô hấp mãn tính, người mắc bệnh suy giảm miễn dịch,… là nhóm dễ biến chứng do cúm.

Ngọc Hà
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp