CSGT sẽ được tăng quyền sử dụng súng?

Pháp luậtThứ Ba, 16/08/2016 14:59:00 +07:00

Cục Cảnh sát giao thông đã đề xuất với Quốc hội về việc sửa Pháp lệnh sử dụng súng nhằm tăng cường việc cảnh sát được dùng súng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân

Phát biểu trong buổi ra quân đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp Quốc khánh chiều 15/8, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cảnh sát giao thông cho biết Cục đã đề xuất với Quốc hội về việc sửa Pháp lệnh sử dụng súng nhằm tăng quyền cho lực lượng cảnh sát giao thông, giúp lực lượng này vững vàng, bản lĩnh hơn và có năng lực thực sự hơn khi xử lý những tình huống nguy cấp.

"Pháp lệnh này nếu sửa đổi sẽ tăng cường việc cảnh sát được dùng súng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân", ông Hà nói.

Cục trưởng Cục CSGT, thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết đã báo cáo Quốc hội để đề xuất sửa đổi Pháp lệnh sử dụng súng. Ảnh: Bá Đô.

Cục trưởng Cục CSGT, thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết đã báo cáo Quốc hội để đề xuất sửa đổi Pháp lệnh sử dụng súng. Ảnh: Bá Đô.

Theo ông Hà, ở Mỹ, Pháp, ôtô tải vi phạm không chấp hành hiệu lệnh lao vào người dân, cảnh sát có quyền tiêu diệt.

Từ đây, ông Hà liên hệ: "Một xe tải vi phạm ngiêm trọng chạy từ Cửa Nam xuống Lê Duẩn (quận trung tâm Hà Nội) qua nhiều chốt cảnh sát, trên quãng đường vài km nếu không tiêu diệt thì hàng nghìn người chết, lúc đó chờ xin ý kiến ai, nếu được đồng ý cũng quá muộn rồi. Cái này cần phải đưa vào luật, không cần phải xin ý kiến gì cả".

Cảnh sát giao thông Hải Dương nổ súng thị uy với tài xế xe tải không chấp hành, bỏ chạy, sau đó viên cảnh sát bị tạm đình chỉ công tác vì bị cho là nổ súng vượt quá giới hạn cho phép. Ảnh cắt từ clip

Cảnh sát giao thông Hải Dương nổ súng thị uy với tài xế xe tải không chấp hành, bỏ chạy, sau đó viên cảnh sát bị tạm đình chỉ công tác vì bị cho là nổ súng vượt quá giới hạn cho phép. Ảnh cắt từ clip

Trước đây, từng có tình huống cảnh sát giao thông nổ súng thị uy người vi phạm làm dấy lên tranh cãi. Tháng 8/2015, sau hai lần ra hiệu dừng nhưng tài xế xe tải không chấp hành, một đại úy cảnh sát giao thông ở Hải Dương

đã nổ ba phát súng thị uy. Hành vi này bị xác định vượt quá giới hạn và cảnh sát nổ súng bị đình chỉ công tác. 

Không đồng tình với thái độ bất chấp pháp luật của tài xế ôtô, nhiều người dân cho rằng hành động của cảnh sát giao thông là phù hợp và cần thiết để ngăn ngừa hậu quả thảm khốc có thể xảy đến. Phía ngược lại, nhiều ý kiến cũng lo lắng quyền sử dụng súng có thể bị lạm dụng.

Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành năm 2011 quy định lực lượng chức năng được nổ súng khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, còn việc nổ súng của công an chỉ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Công an.

Video: Tài xế hung hãn chống đối, cắn tay CSGT

Theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2011, lực lượng chức năng được nổ súng với các trường hợp:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn