Sản phẩm nội dung số thương hiệu VN sẽ xuất khẩu

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 15/12/2010 11:00:00 +07:00

(VTC News) – Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định: Mục tiêu của chúng ta là hình thành một số sản phẩm nội dung số mang thương hiệu Việt xuất khẩu.

(VTC News) – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định: “Mục tiêu của chúng ta là hình thành một số sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Đưa sản phẩm nội dung số xuất khẩu

Tại hội nghị Quốc gia về Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam 2010 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã đưa ra kế hoạch triển khai đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT)” giai đoạn  2011 – 2015”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Ngành CNTT Việt Nam sẽ dần hình thành một số sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ trưởng tự hào: “Hiện nay, Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới; Hạ tầng viễn thông Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế; Ứng dụng CNTT được triển khai rộng khắp, từ hoạt động quản lý đến sản xuất kinh doanh, từ các cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Công nghiệp CNTT-TT đã thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ lệ đóng góp gần 15% GDP của đất nước. Ngành công nghiệp phần mềm đã có những bước tiến vượt bậc, là một trong 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu”.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”. Đề án thể hiện quyết tâm của Chính phủ, nhằm tăng tốc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT trong khu vực và  trên thế giới”, Bộ trưởng đưa ra lý do.

Trình bày về mục tiêu của ngành CNTT-TT đến năm 2015, Bộ trưởng Bộ TT- TT nhấn mạnh về 6 mục tiêu chính: Về nguồn nhân lực CNTT, mục tiêu là 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 50%.
 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, mục tiêu của đề án là đến năm 2020, tỷ trọng CNTT – TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 – 10% là khả thi.

Mục tiêu tiếp theo là về công nghiệp CNTT với mục đích giúp các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất một số sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Quy mô và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT Việt Nam được nâng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Đặc biệt, ngành CNTT Việt Nam sẽ dần hình thành một số sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu về hạ tầng viễn thông băng rộng sẽ cơ bản hoàn thành mạng băng thông rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư.

Ngoài các mục tiêu trên, thì mục tiêu ứng dụng CNTT cũng được chú trọng cùng với việc xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường. Theo đó, CNTT-TT sẽ cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp mức độ 2 và 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi và nhận hồ sơ qua mạng). 80% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về mục tiêu tổng quát của đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đến năm 2020, tỷ trọng CNTT-TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 – 10% là khả thi. Vì vậy, CNTT-TT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm và nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào GDP và xuất khẩu. Ngoài ra, dịch vụ nội dung số ngày càng có đóng góp tích cực đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.

Tạo thương hiệu quốc gia

Để thực hiện được đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã đưa ra 4 quan điểm chỉ đạo.

Công nghệ thông tin xuất hiện hầu hết ở các mặt của đời sống. Trong ảnh là hoạt động ứng dụng CNTT tại cửa hàng miễn thuế của Hapro.

Đó là, tăng tốc phát triển CNTT-TT Việt Nam trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư kích cầu từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước và toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển.

“Ngoài ra, chúng ta cần áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật dành cho công nghệ cao, công tác nghiên cứu, đào tạo về khoa học và công nghệ cho các khu CNTT tập trung, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp các sản phẩm, dịch vụ CNTT”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Có 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện đề án này là phát triển nguồn nhân lực CNTT; Phát triển Công nghiệp CNTT; Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT; Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình; Ứng dụng CNTT hiệu quả trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới”.

Trong tương lai gần, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT-TT là phát triển công nghiệp CNTT. Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số và phần cứng, điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó tập trung triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi; Dự án hỗ trợ tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp; Đề án xây dựng Khu CNTT tập trung của Bộ và của các địa phương; Dự án hệ thống xếp bậc nhân lực và xây dựng hệ thống chức danh về CNTT; Dự án xây dựng hệ thống chuẩn thông tin số và chuẩn trao đổi thông tin; Dự án đầu tư xây dựng Quỹ phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Bộ TT-TT sẽ tiến hành xây dựng, trình ban hành và triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển CNTT Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trong đó tập trung cho công nghiệp phần mềm; xây dựng thương hiệu quốc gia cho công nghiệp CNTT Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, các đề án cung cấp máy tính giá rẻ cho các địa bàn khó khăn; đề án phát triển sản phẩm Công nghiệp CNTT trọng điểm; thành lập Trung tâm thúc đẩy dịch vụ CNTT, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực CNTT, Trung tâm thúc đẩy phát triển phần mềm nguồn mở Việt Nam. Bộ chủ trương ứng dụng và phát triển sản phẩm chủ lực, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ tiết kiệm năng lượng; phát triển thị trường trong và ngoài nước; phát triển các khu CNTT tập trung.

Bộ trưởng Bộ TT-TTcòn cho biết: "Bộ chủ trương mở rộng thị trường quốc tế cùng với việc xây dựng một số tập đoàn mạnh và thương hiệu “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam” thông qua các sản phẩm và dịch vụ CNTT với hàm lượng sáng tạo ngày càng cao; Hỗ trợ phát triển các vườn ươm doanh nghiệp; phát triển sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn".

Đến cuối năm 2009, doanh thu công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số đã đạt trên 1,5 tỷ USD, doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 4,6 tỷ USD.

Về ứng dụng CNTT, Bộ TT-TT sẽ tập trung triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015. Cụ thể hoàn thành mục tiêu cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp. Bộ sẽ triển khai  nhanh các hệ thống thông tin quản lý nhà nước, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội – an ninh, quốc phòng; xây dựng Trung tâm kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương. Việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp cho các cơ quan Chính phủ, hệ thống xác thực quốc gia, hệ thống thư điện tử quốc gia cũng được thực hiện.

Trong 5 năm tới, Bộ TT-TT sẽ tích cực triển khai Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia, tập trung vào các dự án xây dựng Trung tâm hệ thống kỹ thuật an toàn mạng quốc gia; xây dựng Hệ thống đánh giá kiểm định an toàn thông tin; xây dựng Hệ thống cảnh báo, phát hiện và phòng chống tội phạm trên mạng.

Chung tay để phát triển CNTT-TT VN

Tại hội thảo triển khai đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” giai đọan 2011 – 2015 với sự có mặt của các Bộ, ban ngành, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã nhấn mạnh đến sự phối hợp của các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi đơn vị trên đều có những nhiệm vụ nhất định trong kế hoạch phát triển CNTT – TT Việt Nam đến năm 2015.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ TT - TT và các Bộ ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực CNTT. Xây dựng văn hóa khai thác và sử dụng CNTT lành mạnh trong chương trình giáo dục học sinh, sinh viên.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT thực hiện nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT - TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi các quy định đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT - TT. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ TT - TT thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp CNTT, ưu tiên bố trí kinh phí từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong các ngành công nghiệp và phát triển các ứng dụng mang tính liên ngành.

Việc cân đối tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch Nhà nước giành cho các chương trình, dự án triển khai Đề án. Ưu tiên bố trí kinh phí từ chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp CNTT cũng được  chính phủ phê duyệt giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TT-TT. Bộ này còn có nhiệm vụ xây dựng cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp CNTT-TT chủ đạo của Việt Nam làm tổng thầu các dự án CNTT-TT lớn dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương ban hành các chính sách mở cửa thị trường dịch vụ CNTT phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế, tăng cường nguồn vốn đầu tư để phát triển công nghiệp CNTT, nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực CNTT - TT. Bộ này cũng cần ư tiên việc huy động và sử dụng vốn ODA cho các dự án phát triển CNTT và TT phù hợp với quy định của pháp luật.

Vai trò của Bộ Tài chính cũng được Đề án nêu rõ: Chủ trì xây dựng cơ chế chính sách và có hướng dẫn áp dụng mức ưu đãi theo quy định của Luật Công nghệ cao cho các doanh nghiệp CNTT-TT công nghệ cao, chỉ đạo thống nhất giữa các cấp ngân sách để đảm bảo ưu tiên chi của ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực CNTT - TT.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các nhiệm vụ: Thực hiện miễn, giảm tiền giao đất, tiền thuê sử dụng đất xây dựng hạ tầng viễn thông, CNTT nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Ưu tiên lựa chọn, bố trí đất sạch có vị trí và diện tích thuận lợi phù hợp với yêu cầu xây dựng khu CNTT tập trung nhằm thu hút đầu tư và nguồn nhân lực trình độ cao.

Ngân hàng Nhà nước bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và an toàn thông tin phục vụ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước về ngân hàng; Ưu tiên sử dụng nguồn vốn kích cầu của Chính phủ về tín dụng ưu đãi của nhà nước cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm CNTT-TT.

Trong kế hoạch thực hiện đề án, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng đề cập đến vai trò của các bộ khác như Bộ Công an  và  Bộ Quốc phòng và các bộ khác cũng như nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo từng bước đưa tỉnh, thành phố mình trở thành địa phương mạnh về CNTT-TT.

Các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT-TT xây dựng kế hoạch hành động, đề xuất các sáng kiến, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm


Bình luận
vtcnews.vn