Toàn cảnh bức tranh CNTT trong năm 2012

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 24/01/2012 08:00:00 +07:00

Năm 2012, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet sẽ nhắm đến phát triển các dịch vụ nội dung và hướng tới phát triển bền vững thay vì số lượng.

Năm 2012, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet sẽ nhắm đến phát triển các dịch vụ nội dung và hướng tới phát triển bền vững thay vì phát triển theo số lượng như trước. Riêng mảng CNTT được dự báo chưa có nhiều yếu tố đột phá trong năm 2012.

Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam: Smartphone và Tablets sẽ đẩy 3G phát triển

1a.jpg

Tôi cho rằng viễn thông Việt Nam năm 2012 sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng. 3G ở Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và sẽ được thúc đẩy nhờ vào sự tăng trưởng của Smartphone và máy tính bảng (tablets) với mức giá ngày càng hợp lý.

Vùng phủ sóng rộng và chất lượng mạng tốt cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của băng rộng tại Việt Nam và sự phổ biến của các ứng dụng trên nền tảng băng rộng di động. Trong tương lai, sẽ có ngày càng nhiều những sáng kiến và diễn đàn về việc ứng dụng CNTT-TT vào các lĩnh vực trọng yếu khác như giáo dục, ngân hàng, giao thông vận tải, an ninh công cộng. Thêm vào đó, khi các gói cước được thiết kế linh hoạt, hướng tới những phân khúc thị trường chính xác gồm thoại và dữ liệu sẽ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ ứng dụng phổ biến hơn.

Về tầm nhìn dài hạn, ba xu hướng sẽ chi phối sự phát triển của TT&TT là di động, băng rộng và điện toán đám mây. Sự kết nối sẽ không chỉ dừng lại ở kết nối thông thường giữa con người với con người mà là sự kết nối giữa các loại thiết bị. Trong thời gian tới, những dịch vụ cao cấp như Mobile Video sẽ ngày càng phổ biến và được ưa chuộng. Người Việt Nam với sức tiêu dùng ngày càng cao và sự thích ứng nhanh chóng với công nghệ sẽ là người sử dụng những dịch vụ dữ liệu chính, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT-TT cao hơn sự tăng trưởng GDP.

Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam: CNTT-VT hướng tới phát triển bền vững

1a.jpg

Năm 2011 được kỳ vọng là năm khởi sắc của CNTT-TT Việt Nam, khởi đầu với việc khởi động Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Tuy nhiên, thực tế đã không đạt được điều này. Một phần nguyên nhân do tác động từ Nghị quyết 11 của Chính phủ về thắt chặt chi tiêu cho CNTT, nhiều dự án lớn bị cắt giảm, dẫn tới mức độ đầu tư phần cứng và giải pháp trong khối doanh nghiệp và khối Nhà nước đều giảm đáng kể.

Kinh tế suy thoái, sức mua của thị trường suy yếu đã khiến doanh nghiệp CNTT-TT gặp nhiều khó khăn, ngay cả các doanh nghiệp có bề dày phát triển, có thương hiệu cũng đang phải vật lộn duy trì chỗ đứng trong thị trường. Dù rằng các định hướng gia công phần mềm và dịch vụ gia công quy trình kinh doanh (ITO, BPO) ngày càng ổn định và chuyên nghiệp, song chưa có nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu thế này.

Đa số doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng quảng bá thương hiệu để hội nhập. Mới chỉ có một vài doanh nghiệp tiên phong đầu tư tìm kiếm thị trường quốc tế và bước đầu đạt thành công như Viettel (mảng viễn thông), FPT (dịch vụ và đào tạo), VTC (nội dung số).

Về đào tạo nguồn nhân lực CNTT thì cũng vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp cũng như Nhà nước vẫn thiếu trầm trọng. Hầu hết các trường không đạt chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành CNTT, chất lượng đầu vào thấp và chưa tìm thấy hướng đi cụ thể.

Thời gian tới, tình hình kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục siết chặt chi tiêu công, CNTT và viễn thông có thể vẫn phát triển nhưng không theo mục tiêu tốc độ mà hướng tới tồn tại ổn định, bền vững. Nếu hành lang môi trường pháp lý triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT với các chương trình, dự án cụ thể được khởi động, hoàn thiện thì sẽ tạo thuận lợi cho đà phát triển của CNTT-TT, và có thể CNTT-TT Việt Nam sẽ khởi sắc vào cuối năm 2012.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: Tập trung vào tiện ích, nội dung thông tin trên Internet

1a.jpg

Năm 2012, lĩnh vực Internet vẫn sẽ có sự phát triển tốt khi dịch vụ mạng Internet cáp quang FTTH sẽ ngày càng phổ cập hơn, vùng phủ rộng hơn bên cạnh sự phát triển, phong phú của mạng Internet không dây như mạng 3G, 2G hay 4G trong tương lai. Tuy nhiên, ấn tượng rõ rệt của bức tranh Internet năm 2012 sẽ tập trung vào các dịch vụ, tiện ích, nội dung thông tin trên Internet và ngày càng gần gũi, đi vào đời sống hơn. Bên cạnh đó, trong năm tới sẽ được chứng kiến nhiều hơn sự phát triển của thương mại điện tử và nhất là thanh toán điện tử ở Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT: Smartphone sẽ tiếp tục giảm giá mạnh

1a.jpg

Theo xu hướng chung trên toàn thế giới, năm 2011 người tiêu dùng tại Việt Nam đã chuyển dần từ điện thoại phổ thông sang sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone) ngày càng lớn do Smartphone sở hữu nhiều tính năng ưu việt, nhà mạng “chạy đua” giảm cước dữ liệu 3G và giá thành sản phẩm đến từ các nhà mạng, hãng điện thoại cũng giảm đáng kể.

Trước hết, đáng chú ý là công nghệ của các hãng như Nokia, HTC, Samsung... phát triển nhanh chóng đã làm giảm giá thành của Smartphone. Ví dụ, nếu trước kia một chiếc Smartphone thường có giá trên 5-6 triệu đồng thì hiện tại với mức giá khoảng 2-3 triệu đồng là người tiêu dùng đã có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, việc gia tăng Smartphone còn xuất phát từ yếu tố các nhà mạng giảm giá cước dữ liệu 3G. Thực tế cho thấy, khi sở hữu một chiếc Smartphone người dùng sẽ sử dụng khá nhiều dữ liệu lấy từ trên mạng như cập nhật phần mềm, nghe nhạc trực tuyến, xem bản đồ, đọc báo, tải game… để giải trí và phục vụ công việc. Vì thế, việc các mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone liên tục “chạy đua” giảm giá cước dữ liệu đã giúp cho người tiêu dùng giảm được nhiều chi phí hàng tháng khi sử dụng dữ liệu cho Smartphone. Có thể nói, đây chính là một yếu tố quan trọng để Smartphone ngày càng dễ tiếp cận hơn với đa số người dùng tại Việt Nam.

Theo nhận định của Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT thì thị trường Smartphone trong năm 2012 tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 30 - 50% so với năm 2011, đồng thời giá thành của nhiều sản phẩm sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone: Năm 2012 - năm của dịch vụ dữ liệu và giá trị gia tăng

1a.jpg

Năm 2012 sẽ là năm của tái cấu trúc lại các công ty viễn thông di động. Lĩnh vực di động cũng đang đòi hỏi cần phải tái cấu trúc trước khi đi vào hoạt động ổn định. Quá trình này cũng diễn ra đồng bộ với xu thế chung của nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, năm 2012 sẽ có những mạng di động phải tiếp tục được tái cấu trúc theo xu hướng này.

Năm 2012 tuy chưa phải là thời điểm bão hòa, song việc phát triển thuê bao của các mạng di động không còn quá quan trọng vì nó không còn bùng nổ như những năm trước. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra cho các mạng di động là chất lượng dịch vụ và làm sao tăng doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao. Tôi cho rằng năm 2012 sẽ là năm của các dịch vụ dữ liệu và dịch vụ giá trị gia tăng. Dịch vụ giá trị gia tăng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với doanh thu của nhà mạng. Xu hướng này diễn ra khi mà Smartphone sẽ phát triển mạnh, trong khi đó cước thoại đang có xu hướng giảm.

MobiFone vẫn định vị mình là doanh nghiệp lớn đi theo chất lượng dịch vụ có chiều sâu và hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA: Chờ nới lỏng đối với mảng đầu tư về CNTT-TT

1a.jpg

Năm 2011 là năm khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam cũng như của thế giới. Hàng ngàn doanh nghiệp dừng hoạt động, tuyên bố phá sản đồng nghĩa với việc thị trường bị thu hẹp, nhu cầu mua sắm CNTT giảm. Những doanh nghiệp còn hoạt động thì cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về vốn, về nhân công nên cũng không dành sự ưu tiên về đầu tư cho CNTT-TT nói chung và trang bị phần mềm nói riêng.

Mặt khác, với Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên khối cơ quan, đơn vị nhà nước cũng thắt chặt chi tiêu, giảm đầu tư công để tránh bội chi ngân sách. Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cũng không nằm ngoài những khó khăn chung trên, cũng chịu những áp lực về lạm phát, chi phí tăng cao, nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân lực.

Trong công tác xúc tiến thương mại và hợp tác với nước ngoài, các doanh nghiệp rất cần được Bộ TT&TT hỗ trợ về tổ chức, chương trình, kinh phí cho các đoàn công tác xúc tiến hợp tác thương mại với nước ngoài; Tiếp tục tổ chức, hỗ trợ xây dựng và lấy chứng chỉ quy trình quản lý chất lượng CMMi, ISO... Đặc biệt, Chính phủ nên nới lỏng Nghị quyết 11 đối với mảng đầu tư về CNTT-TT, bởi chính việc đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT-TT vào thực tế sẽ giúp giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp.

(Theo ICT News)

Bình luận
vtcnews.vn