Mạng xã hội 2011: Lời nói dối đốt cháy góc trời Ả Rập

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 31/12/2011 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Mạng xã hội đã có một năm của rất nhiều điều đáng nhớ, trong đó nổi bật nhất là việc gây bối rối cho cả một vùng đất rộng lớn của Ả Rập.

(VTC News) - Công nghệ có mối liên hệt chặt chẽ với đời sống, tuy nhiên không giống như cách một chiếc điện thoại giúp bạn có thể kết nối với bạn bè, tivi có thể giúp bạn xem những bộ phim hay, công nghệ đã sản sinh ra một quyền năng mới gây ra nhiều điều ngạc nhiên trong thế giới hiện đại đó là "mạng xã hội.

Chỉ còn ít giờ nữa, năm mới sẽ sang, VTC News điểm lại 5 sự kiện nổi bật nhất của mạng xã hội trong năm 2011:
  • Tại Ả rập - một vùng trời đã bị "đốt cháy".
  • Truyền thông chính thống hiểu rằng bây giờ lợi thế so sánh cao nhất và trước nhất về thông tin đã không phải là thứ thuộc về họ tuyệt đối.
  • Cái chết của Steve Jobs đã lấy đi nước mắt của hàng trăm nghìn người và hàng triệu avatar về ông đã xuất hiện trên mạng xã hội suốt 1 tuần, sau ngày ông qua đời.
  • ... Hai người Việt trẻ là điểm sáng tích cực hiếm hoi được cộng đồng mạng quan tâm với màn tỏ tình Flash Mob lãng mạn, có thể khiến bất cứ cô gái nào nhận được cũng rung rinh và xúc động.
  • Trong thảm hoạ, mạng xã hội là phương tiện nhanh và hiệu quả để kết nối và kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều người trên thế giới.
1. Lời nói dối thiêu đốt thế giới Ả Rập

Cuối tháng 12/2010, chàng thanh niên trẻ người Tunisia có tên Mohammed Bouazizi làm nghề bán trái cây đã bị cảnh sát tịch thu hàng hoá, chiếc cân điện tử của Bouazizi.

Anh đã đến sở cảnh sát và muốn họ trả lại chiếc cân điện tử - là thứ quý giá nhất mà anh có, yêu cầu bị từ chối, nhiều lời đồn thổi xảy ra trong câu chuyện này, nhất là một cái tát tai giữa người sĩ quan của chính quyền và chàng thanh niên trẻ sinh năm 1984. Cuộc đời của Bouazizi kết thúc vào tháng 1/2011 - một thời gian được điều trị sau khi anh tự thiêu bằng một ngọn lửa, thổi bùng lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ngay sau đó tại đất nước Tunisia.

Không ai có thể ngờ rằng, một góc trời Ả Rập đã bùng cháy bắt đầu từ mạng xã hội

Nhưng sự việc sẽ không đi quá xa, nếu Ali Bouazizi - chủ nhân của một siêu thị và cũng chính là anh họ của Mohammed biết tin cậu em trai của mình tự thiêu, đang cháy đen và được lôi vào xe cứu thương, anh ta lấy chiếc điện thoại của mình và ghi lại một đoạn video ngắn và muốn nó trở thành "một câu chuyện lớn".

Tiếp đó Ali quay phim những thanh niên đang phản đối chính quyền, xử lý video, lồng thêm lời nhạc buồn và đưa lên Facebook, đài truyền hình Al Jazeera đã phát đi những hình ảnh đồng thời kết nối với Ali, anh ta thuật lại câu chuyện về người em họ của mình đã tự thiêu, đồng thời nhấn mạnh: "Mohammed đã bị cảnh sát đánh, Mohammed có bằng đại học", trong khi Mohammed không hề có bằng đại học.

... Những lời khẳng định của Ali về một cậu trai có học thức bị đối xử bất công đã xát thêm muối vào những người biểu tình, bạo động nổ ra khắp nơi tại Tunisia, ngày 14/1/2011 - người đàn ông quyền lực nhất nước này là tổng thống Ben Ali đã tuyên bố từ chức.

Ảnh CEO Facebook - Mark Zuckerberg được in trong poster của người biểu tình tại Ả Rập

Chưa hết, sự kiện này còn châm ngòi cho một loạt các vụ bạo động và nổi dậy xảy ra tại Lybia từ tháng 3, và hàng loạt vụ việc đang xảy ra tại Sirya vẫn chưa đến hồi kết.

Làm sao cái chết của một thanh niên lại có thể đẩy Tổng thống Ali phải từ chức; gián tiếp gây ra bạo động ở Syria; khiến Mohamad Gaddafi phải rời bỏ quyền lực của mình và vĩnh biệt cuộc sống theo cái cách mà ông không thể nào tưởng tượng dc.

Trên thực tế, cuộc nổi dậy tại thế giới Ả Rập cũng đặt ra một câu hỏi rất lớn về vai trò của mạng xã hội mà đích danh là Facebook trong một chuỗi sự kiện lớn này? Liệu có hay không, sự tham gia của chính phủ Mỹ đối với việc "giật dây" nhiều tổ chức chính trị có sự mâu thuẫn về quyền lợi tại các nước tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau mà ngòi nổ chính là "mạng xã hội".

Đây không phải là tin tức cộng đồng mạng tại Việt Nam quan tâm nhất, nhưng xét về mặt tính chất, đây là sự kiện nổi bật nhất trong năm của mạng xã hội.


2. Bin Laden bị tiêu diệt được tiết lộ trên Twitter

Vào lúc 9 giờ 47 tối (giờ Washington) ngày 1/5/2011 Dan Pfeiffer - giám đốc truyền thông của Nhà Trắng đã đăng tải thông tin về việc trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt trên Twitter, tài khoản Twitter của Nhà Trắng, tổng thống Obama cũng đăng tải thông tin tương tự và ngay sau đó các trang thông tấn lớn nhất như CNN, Reuters, AP, ABC News… có bài tiết lộ về việc trùm khủng bố đã bị tiêu diệt.

Hàng trăm ngàn Tweet đã được gửi đi từ Twitter ngay lập tức, việc này được diễn ra theo cấp số nhân và chỉ trong vòng vài phút sau, tin Bin Laden bị bắn đã loan khắp toàn cầu.

Osama Bin Laden là "ngôi sao" trên Twitter trong ngày ông ta bị bắn chết

Trước khi có thông tin chính thức về cái chết của Bin Laden, hàng loạt thông tin, tin đồn khác nhau… được chia sẻ trên Twitter. Chỉ trong vòng 2 giờ (trước và sau khi có thông tin chính thức về cái chết của Bin Laden), đã có đến gần 12,5 triệu tweet về nội dung này được người dùng Twitter truyền đi cho nhau. Đây là một con số kỷ lục mới trên "tiểu blog".

Trong quá trình từ lúc bắt đầu bài phát biểu của tổng thống Obama được đưa ra về cái chết của Bin Laden đến lúc kết thúc, trung bình đã có đến 4.000 tweet/giây được gửi đi trên Twitter. Tuy nhiên, con số thực tế được tin là còn nhiều hơn mức này 25%, tức là 5.000 tweet/giây.

Với các công cụ upload và chia sẻ ảnh số, ngay trong đêm thông tin về cái chết bin Laden được đưa ra, số lượng hình ảnh ảnh được upload và chia sẻ liên quan đến thông tin này đã tăng thêm từ 20-35%.

Sáng ngày 2/5/2011, 1 ngày sau khi thông tin cái chết “trùm khủng bố” được công bố, Nhà Trắng đã cho đăng tải hình ảnh các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ theo dõi trực tiếp cuộc đột kích tại phòng tình huống (Situation Room). Tấm ảnh tại đây sau đó trở thành một trong những tấm ảnh được xem nhiều nhất trong năm 2011.

3. Sự ra đi của Steve Jobs


iPhone 4S - iPhone for Steve Jobs (iPhone dành cho Steve Jobs) là từ được cộng đồng mạng dùng để diễn giải các kĩ tự viết tắt trong chiếc iPhone thế hệ mới nhất của Apple.

Ngày 4/10, trong hội trường giới thiệu chiếc iPhone 4S, một chiếc ghế trống không có người ngồi, ghi tên Steve Jobs - cha đẻ của iPhone, CEO lừng danh và nổi tiếng nhất của Apple.

Ngày 5/10, cả thế giới bàng hoàng khi hay tin, thiên tài công nghệ hiếm hoi, người đã tạo ra một xu hướng với những chiếc smartphone và tablet "không cần nhiều phím bấm" đã qua đời vì căn bệnh ung thư.

Steve Jobs là CEO có ảnh hưởng lớn nhất ngoài phạm vi của Apple trước khi ông qua đời

Từ Cupertino - trụ sở của Apple tại Bang California (Mỹ) cho đến Việt Nam, một hình ảnh chung được dùng trong các Apple Store, các cửa hàng bán đồ các thiết bị cầm tay "Táo khuyết" là ảnh đen trắng của Steve Jobs đang giơ tay nâng cằm tư duy, cùng với những chữ số thể hiện năm sinh và năm mất của ông 1955 - 2011.

Trên mạng xã hội, thông điệp được truyền tải nhiều nhất là R.I.P Steve Jobs (Hãy yên nghỉ - Steve Jobs) được chia sẻ, ảnh của ông cũng được dùng làm avatar của nhiều người.

Các fan của Apple lôi những thiết bị mang logo "Quả táo cắn dở" ra để chụp ảnh, từ những chiếc iPod Suffter, iPod Touch cho đến iPhone, iMac và MacBook.

Steve Jobs khi còn sống được gọi là "phù thuỷ" trong làng công nghệ, nhưng khi ông mất thì mọi người đều tin rằng ông sẽ được lên thiên đàng.

Những câu chuyện về cuộc đời ông đã được nhà báo Walter Isaacson ghi lại trong cuốn Steve Jobs, dựa trên hơn 40 cuộc phỏng vấn Steve Jobs và nhiều cuộc phỏng vấn khác với hơn 100 người liên quan đến ông.

Cuốn sáng xuất bản tháng 11/2011 và rất nhanh được xếp vào danh sách bán chạy nhất (bestseller).

Nhiều người nói, thế giới thực sự tốt lên nhờ Steve Jobs.


4. Clip tỏ tình của bạn trẻ người Việt


Thật mệt mỏi nếu suốt ngày bạn phải nhìn thấy laptop, mobile, và hàng nghìn thứ khác liên quan đến công nghệ, nhưng cũng nhờ công nghệ mà hình ảnh về màn tỏ tình ấn tượng của hai bạn trẻ người Việt hiện đang sống ở Mỹ được truyền đi khắp thế giới, trước hết là Youtube và "đỉnh" hơn là lên kênh truyền hình CNN danh tiếng.

 Hai nhân vật chính hạnh phúc sau màn cầu hôn lãng mạn

Trang và Nam là sinh viên theo học tại trường ĐH California, hai người yêu nhau đã lâu và đủ chín chắn, Nam quyết định sẽ cầu hôn Trang bằng cách nhảy "flash mob" với sự giúp đỡ của hàng trăm người bạn.

 Clip đã khiến hàng triệu con tim thổn thức vì... yêu

Vào ngày 24/9, trên nền nhạc của bài hát lãng mạn Can’t Take My Eyes Off You, Nam đã ngỏ lời cầu hôn người bạn gái xinh xắn của mình, trong khi mọi người ở ngoài hò reo rằng: đồng ý đi thôi, gật đầu đi Trang...

Không có lẽ gì hàng triệu trái tim xốn xang khi xem đoạn video, nghe Nam nói "Anh muốn em biết rằng anh muốn sống bên em trọn đời, cùng làm mọi việc với nhau. Anh rất yêu em, và nếu em cho phép, anh muốn làm em được hạnh phúc...", mà cô gái nhân vật chính lại có thể từ chối lời cầu hôn ngọt ngào này.

Những người bạn của Nam đã đưa đoạn video lên Youtube vào ngày 26/9, hàng triệu người đã rung động khi xem video, hàng trăm nghìn người đã "like - thích" cách tỏ tỉnh này của Nam.

Ngày 29/9, Trang, Nam được CNN mời phỏng vấn trong chương trình American Morning và chia sẻ hạnh phúc của mình với thật nhiều nụ cười trên môi.

Mới đây, anh chàng người Malaisya nổi tiếng Timothy cũng làm người yêu và các cô gái trẻ ngất ngây vì màn cầu hôn: "yêu em 1000 năm, anh vẫn muốn yêu thêm 1000 năm nữa..."

5. Mạng xã hội và trận động đất lịch sử tại Nhật Bản


Trận động đất, kéo theo sóng thần giết chết hàng nghìn người tại Nhật Bản bắt đầu từ ngày 11/3 đã làm cả thế giới rúng động với những hình ảnh đổ nát, tang thương.

Trong bối cảnh đó, cả thế giới hướng về Nhật Bản, đặc biệt là những công dân mạng - những người tiếp cận được với những phương thức thông tin hiện đại và cập nhật nhất.

Mạng xã hội cùng với những ứng dụng trên Internet đã chứng tỏ được hiệu quả rõ rệt trong việc truyền tin nhắn sau thảm hoạ kép động đất, sóng thần tại Nhật Bản.

 Thảm hoạ kép tại Nhật Bản khiến hàng nghìn người phải chết và mất nhà cửa

Trong lúc trận sóng thần ập vào đất liền sau cơn địa chấn 9 richter gây sập nguồn cấp điện, 2 nhà máy điện nguyên tử phải ngừng hoạt động nhưng mạng Internet không hề bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động ổn định. Các dịch vụ này đã có vai trò quan trọng trong việc kết nối và duy trì liên lạc, thông báo tìm người thân mất tích và nạn nhân cũng có thể vào mạng gửi tin báo nơi họ đang ở tạm.

Đại sứ quán Mỹ đóng tại Tokyo phát đi thông điệp động viên người dân của 2 nước "duy trì thông tin liên lạc bằng bất cứ phương tiện nào có thể bao gồm tin nhắn di động SMS, và cả Facebook, Twitter, MySpace".

Những câu chuyện cảm động về những người thân và bạn bè tìm lại được nhau sau những ngày loại lạc xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook. Chàng sinh viên du học Mastataka Sugasawa đã mất liên lạc với các bạn sau trận sóng thần. Nhưng ngay sau khi bay về tới Nhật Bản anh đã tìm lại được những người bạn của mình qua mạng xã hội.

Một người khác cho biết trong những giờ đầu tiên sau trận sóng thần tràn vào, điện thoại tại khu vực trung tâm Tokyo không sử dụng được do tín hiệu kém ổn định, do đó Facebook được nhiều người sử dụng như một phương tiện để thông báo cho nhau về tình hình của mỗi người có được an toàn hay không.

Thông tin được lan toả qua mạng xã hội được coi là phương thức đơn giản và nhanh nhất trong tình trạng khẩn cấp. Thống kê của Tweet-o-Meter cho biết trung bình số tin nhắn gửi qua Twitter đã đạt kỷ lục 1.200 tin/phút trong vòng chưa đến 1 giờ sau động đất xảy ra.

Cường Cao (ảnh và clip: Social network)

Bình luận
vtcnews.vn