Công nghệ sinh học làm thay đổi ngành nông nghiệp

Sản phẩmThứ Tư, 02/12/2020 16:37:29 +07:00
(VTC News) -

Ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp giúp hàng triệu nông dân tiết kiệm chi phí gieo trồng, tăng năng suất, đem nguồn thực phẩm quý giá cho hàng triệu người.

Diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học vẫn đang tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, một số giống ngô (bắp) biến đổi gen cũng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn cho nông dân

Đã hơn 25 năm trôi qua kể từ khi cây trồng công nghệ sinh học đầu tiên được đưa vào canh tác. Kể từ đó đến nay, cây trồng biến đổi gen ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ chuyển đổi nền nông nghiệp cũng như nâng cao đời sống cho nông dân và cộng đồng nông thôn mà còn giúp cải thiện sức khỏe của cả hành tinh.

Theo thống kê, cây trồng công nghệ sinh học cho phép giảm bớt mức độ cày xới đất bằng máy, điều này giúp làm giảm 24 tỉ kg phát thải CO2 kể từ khi xuất hiện trên thị trường, tương đương với việc loại bỏ 16,7 triệu xe ô tô lưu thông trên đường phố.

Công nghệ sinh học làm thay đổi ngành nông nghiệp - 1

Bản đồ cây trồng CNSH tại 29 quốc gia trên thế giới năm 2019 (Nguồn: ISAAA, 2019)

Trong hơn 25 năm qua, cây trồng công nghệ sinh học, đặc biệt là những loại cây có tính kháng côn trùng, đã làm giảm 619 triệu kg lượng thuốc BVTV sử dụng, tương đương với giảm 8,1% tổng lượng thuốc trên toàn cầu.

Nhờ vào việc giảm tải này, ngành nông nghiệp đã cắt giảm lượng nhiên liệu sử dụng khoảng 12.799 lít. Việc sử dụng cây trồng công nghệ sinh học cho phép canh tác không cày xới, nguồn CO2 được giữ lại trong đất tốt hơn. Riêng năm 2018, lợi ích đem lại môi trường có được tương đương với bỏ bớt đi 13,6 triệu ô tô lưu thông trên đường phố.

Ngoài ra, nhờ có việc cải thiện kiểm soát cỏ và sâu bệnh, cây trồng công nghệ sinh học giúp nông dân canh tác thêm được 405 triệu tấn ngô kể từ khi được đưa vào canh tác.

Tại Việt Nam, năm 2015, cơ quan chức năng cho phép trồng đại trà ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu đục thân. Ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích cây biến đổi gen ở Việt Nam sẽ chiếm 30%-50% tổng diện tích ngô, bông và đậu tương trồng mới.

Qua thực tế sản xuất, các giống ngô biến đổi gen đạt năng suất trung bình từ 8 – 9 tấn/ha/vụ, cao hơn các giống ngô thông thường từ 15 – 20%. Mới đây nhất, trong vụ hè thu vừa qua, các giống ngô biến đổi gen trồng tại tỉnh Đắk Nông đã đem lại kết quả khả quan cho bà con nông dân. Cụ thể, với khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh, chịu được thuốc trừ cỏ, việc trồng ngô biến đổi gen tại Đắk Nông mang lại lợi nhuận từ 27 – 33 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 5 – 6 triệu đồng so với giống ngô thông thường.

Công nghệ sinh học làm thay đổi ngành nông nghiệp - 2

Những đóng góp của cây trồng CNSH vào việc giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, bền vững và biến đổi khí hậu trên thế giới (Nguồn: Graham Brooks, 2020)

Giống ngô BĐG sinh trưởng khỏe mạnh, không bị chết cháy sau khi phun thuốc trừ cỏ như giống ngô thông thường. Lúc thu hoạch, bắp ngô giống này to quả hơn, hạt mẩy hơn nên năng suất cao hơn khoảng 20% so với ngô thông thường”, ông Hà Văn Hùng, ngụ xã C K’nia (huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông), chia sẻ.

Nhiều giống mới được chấp nhận

Cùng với những nổ lực của đội ngũ các nhà khoa học, nhà tạo giống trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào lai tạo giống, đã có nhiều giống cây trồng mới được cho ra đời, giúp cải thiện tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Buenos Aires, ngày 15/10/2019, sau khi được xếp vào diện không cần kiểm soát trong tháng 8/2018, Hội đồng quốc gia về Kỹ thuật và khoa học (CONICET) đã bắt đầu thực hiện quá trình đăng ký giống khoai tây chuyển gen đầu tiên ở Argentina trong danh sách đăng ký của Viện hạt giống quốc gia.

Đây là giống khoai tây kháng virus Y, được gọi tên là SPT Ticar. Theo các kết quả nghiên cứu, thông qua việc giảm lượng thuốc diệt sâu bọ cũng như cải thiện được tính cạnh tranh trong chuỗi giá trị, kỹ thuật mới này sẽ giúp người nông dân tiết kết 10% chi phí trồng khoai tây, với tổng giá trị ước tính 40/45 triệu USD.

Hay như tại Kenya, đất nước mất an ninh lương thực và nạn đói nghèo diễn ra khắp nơi, nhiều giống cây trồng biến đổi gen đang được đưa vào sử dụng, mở ra niềm hy vọng cho người dân nơi đây.

Công nghệ sinh học làm thay đổi ngành nông nghiệp - 3

Ruộng ngô BĐG tại Việt Nam (Nguồn: CropLife Việt Nam)

Tại Kenya, cây sắn là một trong những nhóm thực phẩm chính nhưng nhiều diện tích trồng sắn bị mất mùa vì sâu bệnh tới 70%. Giống sắn Bt được thử nghiệm để xác định khả năng kháng bệnh sọc nâu và bệnh khảm lá sắn. Hiện, giống sắn Bt này đang chờ Bộ Nông nghiệp Kenya cấp phép sau quá trình đánh giá an toàn sinh học và tính bền vững.

Tôi có thể xác nhận giống sắn này tốt, khả năng kháng bệnh cao mà thành phần dinh dưỡng không bị ảnh hưởng”, giáo sư Miano trích dẫn. Nếu việc sản xuất sắn Bt tiếp tục cho thấy các kết quả khả quan như vậy, căng thẳng về an ninh lương thực có thể sẽ trở thành ký ức đối với người dân Kenya.

Cũng tại Kenya, năm 2019, Bộ Nông nghiệp nước này đã cấp phép sử dụng “Bông Bt”, một giống bông được thiết kế đặc biệt để xua đuổi các giống sâu bướm phá hoại một cách tự nhiên mà không phải sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực vật.

Với việc hình thành chính sách quản lý cây trồng công nghệ sinh học, Kenya là một trong những quốc gia Đông Phi đầu tiên triển khai canh tác bông biến đổi gen. Nông dân Kenya cũng kỳ vọng sẽ đạt được sản lượng cây trồng cao hơn, sử dụng lượng nước ít hơn nhờ các hạt giống biến đổi gen có khả năng chống hạn.

Còn tại Indonesia, Chính phủ nước này cũng đã phê duyệt giống cây BĐG đầu tiên là giống mía có khả năng chịu hạn với kỳ vọng có thể cho ra được lượng đường nhiều hơn 10-30% so với đường giống đường thông thường trong điều kiện hạn hán. Dự kiến, Chính phủ Indonesia sẽ cho phép thương mại hoá sớm để đáp ứng các nhu cầu về mía và phụ phẩm từ mía của quốc gia này.

Công nghệ sinh học làm thay đổi ngành nông nghiệp - 4

Ruộng ngô BĐG tại Việt Nam (Nguồn: CropLife Việt Nam)

- Tính đến năm 2019 tổng cộng có 29 quốc gia trên thế giới đã canh tác cây trồng CNSH

- Tại châu Phi số lượng quốc gia ứng dụng CNSH đã tăng gấp đôi từ 3 thành 6 quốc gia trong năm 2019

- Tỉ lệ ứng dụng cao tại 5 quốc gia dẫn đầu trong việc ứng dụng CNSH đã tạo ra tác động tới 1.95 tỉ người dân trên toàn cầu.

- Tốc độ tăng trưởng hai con số được ghi nhận tại ba quốc gia: Việt Nam, Philippines và Colombia.

(Theo Báo cáo diện tích công nghệ sinh học năm 2019 của ISAAA công bố ngày 30/11/2020)

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn