Cơm nếp ngon nhưng 'đại kỵ' với 5 nhóm người này

Tư vấnThứ Hai, 18/09/2023 16:29:00 +07:00
(VTC News) -

Cơm nếp là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng không phải ai cũng có thể ăn được, vậy ai không nên ăn cơm nếp?

Theo các chuyên gia sức khoẻ, cơm nếp chứa nhiều dinh dưỡng, giúp tăng cân và giữ no lâu. Tuy nhiên cũng có không ít người được khuyến cáo không nên ăn cơm nếp. Vậy, ai không nên ăn cơm nếp?

Dinh dưỡng từ gạo nếp

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, gạo nếp chứa nhiều protein và chất béo, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể (trong 100g gạo nếp cung cấp 344 kcal, gần tương đương với gạo tẻ).

Bên cạnh đó, do thành phần có độ dẻo cao nên khi cùng ăn một bát cơm nếp và một bát cơm tẻ, người ăn có cảm giác no lâu hơn. Vì thế, gạo nếp thường được sử dụng để làm các loại bánh có độ kết dính cao như bánh chưng, bánh dầy, xôi, chè và làm đồ ăn để dự trữ khi đi xa.

Trong Đông y, bên cạnh công dụng là thực phẩm thông thường, gạo nếp còn được dùng để chữa các chứng suy nhược cơ thể; đi ngoài phân lỏng; rối loạn bài tiết mồ hôi; lợm giọng, nôn mửa, viêm loét dạ dày, tá tràng.

Báo Gia đình & Xã hội dẫn lời ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết, y học cổ truyền từng áp dụng rất thành công các bài thuốc từ gạo nếp. Chẳng hạn, cơm nếp nóng được dùng để chườm làm thông tắc tia sữa cho sản phụ. Cơm nếp nguội giã nhuyễn trộn với bột thuốc để bó gãy xương và bong gân. Uống trà gạo nếp rang để chữa chứng phiền khát. Ủ men chế cơm rượu hoặc cất rượu nếp cái hoa vàng để ngâm rượu trứng và rượu thuốc để bồi bổ sức khỏe.

Ai không nên ăn cơm nếp?

Người có vết thương bị mưng mủ

Báo Lao động dẫn nguồn trang Baidu cho biết, những vết thương hở, đặc biệt khi bị viêm sẽ rất lâu lành. Nếu ăn thức ăn dẻo, khó tiêu, nóng như xôi và các thức ăn từ gạo nếp khác sẽ càng làm tình trạng nặng thêm có thể gây mưng mủ.

Vì vậy những người mới phẫu thuật, người có vết thương bị sưng viêm nên kiêng thức ăn này và chỉ ăn lại khi các tổn thương đã lành và bình thường trở lại.

Cơm nếp ngon nhưng không phải ai cũng ăn được.

Cơm nếp ngon nhưng không phải ai cũng ăn được.

Người béo phì, người đang muốn giảm cân

Xôi là món ăn chứa nhiều calo hơn bạn nghĩ. Xôi được nấu từ gạo nếp, kết hợp với các loại đậu, lạc, vừng, dừa nạo... nên có thể cung cấp nhiều năng lượng. Một đĩa xôi có thể tương đương với 600 calo (trong khi một bát phở chỉ chứa 400 calo). Đó là chưa kể khi bạn ăn xôi với thịt gà, thịt lợn, trứng...

Do đó, nếu đang muốn giảm cân hoặc bạn đang bị béo phì thì nên tránh xa các loại xôi. Ăn xôi là cách nạp vào cơ thể nhiều tinh bột giống hệt với ăn cơm, và nó hoàn toàn có thể làm bạn tăng cân nhanh chóng.

Bệnh nhân tiểu đường

Gạo nếp sau khi vào dạ dày sẽ nhanh chóng được hấp thụ và chất chứa trong đó là tinh bột. Nếu người bệnh tiểu đường ăn quá nhiều thì đường huyết sau bữa ăn sẽ tăng nhanh trong thời gian ngắn và không thể kiểm soát được.

Người mới phục hồi bệnh

Sau khi khỏi bệnh nặng, cơ thể tương đối yếu, lúc này cần ăn nhiều thức ăn lỏng bổ dưỡng để dạ dày từ từ phục hồi, nếu ăn nhiều thức ăn làm từ gạo nếp thì gánh nặng cho cơ thể, khó tiêu hóa và khiến cơ thể suy nhược hơn.

Người có tiền sử bệnh dạ dày

Gạo nếp có cấu tạo tinh bột dạng nhánh nên tinh bột thường chắc và khó chia cắt nên khi ăn nhiều bất cứ ai cũng cảm thấy no lâu, khó tiêu, ợ nóng…

Do đó, những người có tiền sử bệnh dạ dày không nên sử dụng xôi và các loại đồ nếp khác do nó có thể làm gia tăng tình trạng ợ chua, óc ách, thậm chí gây đau. Nếu xôi có kèm theo các loại dầu mỡ, tiêu, hành, tỏi… sẽ càng khiến bạn khó chịu nhiều hơn.

Trên đây là những nhóm người không nên ăn cơm nếp. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa cơm nếp nhé.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn