Cổ tích có thật giữa lều tranh cuộc đời

Tổng hợpThứ Sáu, 24/06/2011 06:03:00 +07:00

Nhưng giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, dù có mù, vợ chồng anh cũng phải cố gắng, để con sau này không cô độc cả tuổi thơ...

Người đàn ông mù gần 30 tuổi mò mẫm, quờ quạng bàn trái tay tìm trên gương mặt đứa con nhỏ mới chừng 10 tháng tuổi cái miệng xinh xinh của nó, rồi tay phải đưa thìa cơm “trúng phóc” vào miệng con. Dường như hiểu phận, con bé không ngọ nguậy bao giờ, không có hạt cơm nào rơi xuống đất một cách phí phạm.

 

 

Thương nhau, cho nhau cuộc đời

 Mối tình anh khóa nghèo, học giỏi với cô gái quê chân chất, hiền lành, dù sang hèn vẫn nên duyên chồng vợ, nàng giúp chàng đỗ khoa cử những tưởng chỉ có ở thời xưa. Về làng Lưu (Lưu Đồn - Thụy Hồng - Thái Thụy - Thái Bình) mới biết, tình yêu đã đưa cô gái Nguyễn Thị Kỳ, quê ở miền núi Thanh Chương (Nghệ An) về với chàng trai nghèo, ham học quê lúa Bùi Hữu Thái. Họ cùng nhau xây hạnh phúc gia đình, mặc cho đôi mắt anh đã mù lòa, mặc cho gia đình ngăn cản và cái nghèo thì cứ trêu ngươi mãi.

Nhà vợ chồng Thái - Kỳ nằm mãi tận giữa cánh đồng, quanh năm làm bạn với nhau, chứ chẳng mấy khi ra đến đầu làng. Hỏi ai cũng biết vợ chồng anh mù nghèo nhất làng ấy. Chúng tôi đến nhà đúng vào lúc Thái đang cầm chắc chiếc thìa trên tay, mò mẫm xúc, dỗ con ăn. Mùa hè, nhà nằm giữa cánh đồng, “tha hồ” chịu nắng nóng mà không có nổi cái quạt điện nên thỉnh thoảng anh mù lại đưa tay lên gạt mồ hôi trên trán, lúc lại vỗ về con. Người vợ ngồi thái bèo trước cửa, có lẽ mải lo lắng cho lứa lợn còi cọc, nên để chồng tự xoay sở với công việc thường ngày, chỉ thỉnh thoảng nhìn hai bố con, cái cười tủm tỉm trộn với mồ hôi nhọc nhằn.

 Câu chuyện của họ về duyên ngộ vừa ngô nghê, vừa mặn mòi. Tuổi thơ của Thái là chuỗi ngày chứng kiến bố mẹ xô xát, mẹ đi theo người đàn ông khác rồi bỏ chị em Thái cầu bất lang thang. Nghèo, cô đơn, xa mẹ, Thái vẫn quyết học thật giỏi. Năm 2003, Thái đỗ vào trường Kinh tế (TP. HCM). Xa quê, những tưởng không còn gì ngăn cản tương lai rộng mở, bỗng một ngày, Thái thấy hai mắt như mờ dần, rồi mù hẳn vào năm 2005. Bác sỹ cho biết, Thái bị chứng bệnh thoái hóa võng mạc trung tâm, vì không chữa trị kịp thời. Chán nản, không muốn về quê vì chẳng còn ai, chàng mù từ Sài Gòn về Bình Dương kiếm sống, bắt đầu chuỗi ngày khốn khó của một anh công nhân trông kho gỗ mù lòa.

Một mình ở trọ xứ người, Thái quen dần với những người bạn mới. Anh mù xứ Bắc sống một mình khiến ai cũng tò mò làm quen. Có những tối liên hoan, có kẻ chơi ác, đặt mấy quả ớt trong đĩa rau xào trước mặt, chàng mù mò mẫm vô tư gắp ăn, chưa kịp nuốt, nước mắt đã ứa ra, vì cay, vì tủi. Điều đó khiến cô gái xứ Nghệ ở cùng xóm trọ, tên Kỳ, thương quá, cô nghĩa hiệp đứng về phía chàng mù, phản đối lại trò đùa ác của những kẻ vô tâm. Cũng vì thương, ngày ngày Kỳ vẫn sang giặt quần áo, nấu cơm giúp Thái. Kỳ nhiều hơn Thái một tuổi. Tình cảm chị em cứ lớn dần, rồi yêu nhau, họ quyết định gắn bó cả cuộc đời. Họ bàn với nhau rằng, sẽ trở về quê Thái ở Thái Bình để bắt đầu cuộc sống mới, dù anh rất nghèo, tấc đất cắm dùi cũng chưa có, không biết sẽ sống ra sao. Thương anh, Kỳ an ủi: Có sức khỏe của em, có tình nghĩa của hai ta là được rồi…

 

Quờ quạng tìm hạnh phúc

 Kỳ kể, ngày về thưa chuyện với ba mẹ, cô không nhận được gì ngoài sự can ngăn. Nhà nghèo, đông anh em, nhưng chỉ có Kỳ là con gái. Ai cũng nói, lấy anh mù, là Kỳ tự chuốc họa vào thân. Ngày Kỳ theo chồng, cũng chỉ một mình cô lên xe ra Thái Bình. Bố mẹ nghẹn ngào, như vừa mất đi đứa con gái.

Cưới nhau rồi, vợ chồng Thái được cho ở nhờ trong căn nhà của hợp tác xã. Ngày Kỳ gần sinh con, Thái mới lần đầu tiên được vợ đưa về chào bố mẹ. Nhìn con rể nghèo, mù lòa nhưng hiền hậu, bố mẹ vợ thương con đành nuốt nước mắt gật đầu.

Con gái đầu lòng được bố Thái đặt tên là Hương Giang. Thái bảo, Nam - Bắc đã đi về, nhưng chưa từng được đặt chân tới dòng sông đó, chỉ biết rằng nó rất đẹp. Dù đôi mắt mù lòa, cả đời chẳng có cơ hội nhìn thấy con ra sao, nhưng cũng mong con sẽ đẹp xinh như gửi gắm của bố mẹ.

Như cũng biết bố mẹ nghèo, nên từ lúc sinh ra không có lấy một giọt sữa bò, chỉ có cơm nhạt, cháo nhạt, con bé ăn ngon lành, như chưa hề biết cha mẹ mình đang nghèo, đang đói.

Mắt Thái mù, không thể làm ruộng, công việc đồng áng đặt trọn lên vai người vợ tảo tần. Chưa đến 30 tuổi, nhưng cuộc sống vất vả đã đổ bóng trên khuôn mặt khiến Kỳ già hơn tuổi. Bán lưng cho trời mãi chẳng đủ gạo để ăn quanh năm, Kỳ bàn với Thái lấy mấy trăm nghìn tiền vốn được họ hàng trong quê cho hôm cưới, mua lấy 2, 3 con lợn giống và một đàn vịt nho nhỏ. Nhà gần kênh mương, biết đâu nuôi sẽ kiếm được thêm đồng nào rau cháo cho con.

Nhưng hình như ông trời vẫn muốn thử thách vợ chồng anh chị. Nhà giữa đồng, gió lùa mùa đông, lũ vịt cứ chết dần chết mòn, còn đàn lợn thì cũng như chủ, thiếu ăn nên cứ còi cọc mãi. Có hôm ngồi thái bèo cho lợn, Kỳ suýt cắt đứt ngón tay chỉ vì mải nghĩ, lợn còn có bèo ăn, vợ chồng Kỳ trưa nay còn chưa có gì bỏ vào bụng. Nghĩ thế rồi, nước mắt cô cứ thế lã chã rơi. Nhớ lại lời bố mẹ “con gái theo chồng mù thế là hết”, Kỳ chỉ thấy não lòng, trách số phận cứ  bắt vợ chồng cô nghèo mãi. Cô thương chồng ngày ngày ra mương mò cua, bắt ốc về chăm cho đàn vịt, bước thấp bước cao, có lúc ngã dưới nước tưởng chết đuối. Dặn mình không thể bỏ cuộc, Kỳ lại miệt mài cố gắng từng ngày.

 “Nghèo nhất làng nhưng tình nghĩa lắm”

 Đó là nhận xét của người làng khi nhắc đến vợ chồng anh Thái mù. Bà Hảo, người thường xuyên qua lại giúp đỡ vợ chồng Thái, kể rằng: Nghèo, nhưng vợ chồng Thái thật thà lắm. Nuôi được đàn vịt, con nào con nấy gầy nhẵng, ai đến mua Thái thường bán với giá rất rẻ (vì mù nên cứ tưởng ở làng ai cũng khốn khó như mình). Ngồi sông câu được cá, thấy hàng xóm kêu chưa có gì làm bữa ăn, Thái cũng chia sẻ cho họ.

Thái bảo, điều kỳ diệu nhất cuộc đời thì trời đã cho anh rồi: Gặp được người vợ hiền tần tảo, cô con gái mới chào đời cũng đã biết thương cha. Từ lúc sinh ra, cô bé chưa biết thế nào là bộ quần áo mới, một hộp sữa mua bên ngoài. Nhưng giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, dù có mù, vợ chồng anh cũng phải cố gắng, để con sau này không cô độc cả tuổi thơ, và bệnh tật, nghèo dai dẳng như bố nó…

TH

Bình luận
vtcnews.vn