Cổ phần hóa: Vinalines xin 'loại' 5 tàu, xóa nợ ngân hàng

Kinh tếThứ Năm, 17/04/2014 09:06:00 +07:00

Xin “xóa” bớt một số tàu cũ trong danh mục tài sản để có thể thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, Vinaline còn xin xóa nợ các ngân hàng.

Xin “xóa” bớt một số tàu cũ trong danh mục tài sản để có thể thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, Vinalines còn xin xóa nợ các ngân hàng.

Kiến nghị loại 5 tàu khi xác định giá trị doanh nghiệp

VnEconomy thông tin, tại buổi làm việc chiều ngày 16/4 về cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn nói doanh nghiệp này đang khẩn trương tổng hợp những tài sản không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp để sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trước mắt, Vinalines đang kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Sơn cũng thừa nhận giá trị thực tế theo thị trường hiện nay của các tài sản này rất thấp. Nếu đưa vào giá trị doanh nghiệp đánh giá lại để CPH thì sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu tới 1.989 tỷ đồng.
Vinalines xin “xóa” bớt tàu cũ  

Do đó, Vinalines đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ cho phép được xử lý những tài sản trên theo hướng không đưa vào tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị định 59, đồng thời giao DATC bán, thanh lý những tài sản này. Toàn bộ tiền thu được từ bán tàu sau khi trừ chi phí bán và phí của DATC được trả nợ ngân hàng…

Ngoài 5 tàu nói trên, Vinalines cũng đề xuất loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong vòng 4 năm, Vinalines đã phát triển đạt yêu cầu kế hoạch đề ra về số lượng, về độ tuổi tàu trung bình nhưng tiếp tục “dẫm” vào vết xe đổ của Vinashin.

Giai đoạn 2005-2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài, đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.005 DWT với tổng số vốn đầu tư là 22.853 tỷ đồng, 85% vốn mua tàu là vay thương mại. Thậm chí dự án mua tàu Sky, Ocean, Global sử dụng 100% vốn vay.

Công ty mẹ Vinalines trực tiếp mua 14 tàu, năng lực vận tải 574,5 DWT, tổng vốn đầu tư trên 7.569 tỷ đồng, 7 công ty cổ phần có vốn chi phối của Vinalines mua 41 tàu, năng lực vận tải 1.169,4 DWT, tổng vốn đầu tư trên 14.480 tỷ đồng, 7 công ty liên kết mua 18 tàu, năng lực vận tải 261.063 DWT, tổng vốn đầu tư trên 804 tỷ đồng.

Số tàu mua của Vinalines có tuổi tàu cao, thậm chí có tàu 33 tuổi, 17/73 tàu (chiếm 23,3%) quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại Việt Nam.Thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn mua, được Bộ Giao thông vận tải cho phép đăng ký và treo cờ nước ngoài. Điển hình các tàu do CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) mua có tuổi bình quân là 26 năm và hiện tại có 7 trên 10 tàu treo cờ nước ngoài.

Các tàu mua có quy trình, tính năng kỹ thuật khác nhau, có chênh lệch giá mua rất lớn khi đưa vào khai thác có ảnh hưởng rất khác nhau đối với kinh tế vận tải biển. Chẳng hạn, nếu tàu Inlaco Spring có giá mua thấp nhất là 14,6 tỷ đồng thì tàu có giá mua cao nhất là Nosco Glory có mức giá trên trời đến 1.210,538 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án lại không có sự phân biệt.

Xin miễn thuế

Liên quan đến công tác cổ phần hóa (CPH) của SBIC trong năm 2014 – 2015, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc SBIC cho biết có 4 đơn vị sẽ hoàn thành CPH ngay trong năm 2014 là các Công ty TNHH MTV Tôn Vinashin; Cảng Chân Mây, Đóng tàu Cam Ranh và Công nghiệp tàu thủy Hạ Long.

Các đơn vị dự kiến hoàn thành CPH trong quý I/2015 gồm các Công ty TNHH MTV CNTT Sài Gòn, Đóng tàu và CNHH Sài Gòn, Đóng tàu Thịnh Long, Tổng công ty CNTT Phà Rừng và Bạch Đằng. Bản thân Công ty mẹ SBIC cũng sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC Nguyễn Ngọc Sự cho biết đa số các đơn vị trong Tổng công ty đều lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu âm với giá trị rất lớn. Do đó, để các đơn vị có đủ điều kiện CPH, Bộ Tài chính cần xem xét cấp đủ vốn điều lệ cho các đơn vị giữ lại.

Bên cạnh đó, việc miễn toàn bộ nghĩa vụ thuế phải nộp đối với các đơn vị thuộc diện giữ lại trong mô hình Tổng công ty cũng rất cần thiết. Ông Sự cũng đề nghị Chính phủ xóa toàn bộ nợ lãi và xóa 70% nợ gốc đối với tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước mà không phân biệt mục đích cho vay…

Ngoài ra, theo ông Sự, khi xử lý tái cơ cấu nợ, những đơn vị thành viên vẫn âm vốn chủ sở hữu. Chính phủ cần có cơ chế chuyển các khoản nợ về công ty mẹ để đủ điều kiện tiến hành CPH (không âm vốn chủ sở hữu). Nguồn bù đắp các khoản đã chuyển về công ty mẹ được lấy từ tiền bán cổ phần thu được khi CPH. Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế hỗ trợ công ty mẹ thông qua hình thức tái cơ cấu nợ, bù đắp lỗ.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh việc thực hiện tái cơ cấu SBIC và Vinalines là hết sức khó khăn, tuy nhiên Vinalines, SBIC nếu đủ quyết tâm, CPH dù có khó mấy cũng làm được.

"Trong thời gian tới, Vinalines, SBIC cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành khác khẩn trương xử lý vấn đề lao động, đẩy nhanh tiến trình rút vốn thương hiệu, thoái vốn theo theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ để thực hiện được việc tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp", Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.


Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn