Có nên trồng cây vối trước cửa nhà?

Gia đìnhThứ Bảy, 05/08/2023 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Cây vối vừa cho bóng mát, làm đẹp không gian sống vừa cho lá để đun nước uống, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn không biết liệu có nên trồng cây vối trước cửa nhà.

Cây vối hay cây lá vối (thường chia làm 2 loại vối nếp và vối tẻ) có tên khoa học là Clesitocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae). Đây là loại cây thân gỗ. Vỏ cây thường có màu nâu xám, cành non dẹt khi già chuyển thành hình trụ và bắt đầu hình thành vỏ.

Cây vối là một trong những loại cây có khá nhiều tác dụng. Bạn có thể dùng lá vối để chữa bệnh. Lá vối, nụ vối còn được dùng nấu nước uống giúp thanh lọc cơ thể. 

Có nên trồng cây vối trước cửa nhà?

Vối là loại cây có tán lá rộng, khi trưởng thành có thể cao từ 12 – 15 m và thường xanh tốt quanh năm. Do đó nếu bạn muốn không gian sống của mình có bóng mát và tràn đầy sức sống quanh năm thì nên trồng loại cây này trước nhà. 

Ngoài ra, loại cây này có khả năng chịu hạn tốt, thậm chí vẫn có thể sống khỏe ở những nơi đất cằn cỗi. Khi trồng cây vối trước cửa nhà, bạn cũng không cần phải mất quá nhiều thời gian chăm sóc.

Có nên trồng cây vối trước cửa nhà?

Có nên trồng cây vối trước cửa nhà?

Bên cạnh đó, việc trồng cây vối trước cửa nhà còn giúp cho không gian sống của bạn luôn có mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu, có thể làm dịu những căng thẳng, mệt nhọc. Mùi hương này thậm chí còn được ví như chất kháng sinh vì có tác dụng tiêu diệt được nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Bạn cũng có thể tận dụng dùng lá vối và nụ vối để nấu nước uống. 

Nếu xét về phong thủy thì có nên trồng cây vối trước cửa nhà? Theo các nhà phong thủy, không có "chống chỉ định" nào cho việc này. Cây vối luôn xanh tốt nên cũng mang ý nghĩa tốt lành, may mắn.

Những lưu ý khi trồng cây vối trước nhà

Cây vối có tán lá rộng, thân cao trung bình nên khi trồng trước nhà, các chuyên gia phong thủy khuyên bạn chú ý tới một số yếu tố để không gây ảnh hưởng xấu tới vận khí của gia đình.

Về vị trí, không nên trồng ở ngay lối đi, không trồng chính giữa cửa. Đây là nơi các nguồn khí lưu thông nên việc  trồng cây ở vị trí này không chỉ gây cản trở, bất tiện cho việc đi lại mà còn ngăn cản các luồng khí, gây xung đột giữa các nguồn khí. Điều này sẽ không tốt cho phong thủy ngôi nhà.

Khi trồng cây vối trước cửa nhà, bạn cũng cần chú ý về khoảng cách giữa cây với các công trình xung quanh. Nếu trồng quá gần, khi cây lớn có thể làm hỏng công trình hoặc làm mất tính thẩm mỹ.

Nên trồng cây vối ở nơi hợp lý, thoáng rộng, thường xuyên cắt tỉa để cây có tán lá gọn gàng, không che khuất tầm nhìn, không quá sum suê vì quan niệm phong thủy cho rằng như thế là tích tụ nguồn âm khí.

Cách nấu nước lá vối tươi

Nguyên liệu: 30 gr lá vối tươi, 10 gr cam thảo.

Cách làm: Rửa sạch lá vối tươi và cam thảo. Cho lá vối vào đun với 1 lít nước, khi sôi thì hạ nhỏ lửa, cho cam thảo vào đun sôi thêm 15 phút với lửa nhỏ rồi tắt bếp.

Cho nước vào ấm tích, đậy nắp để giữ nhiệt và uống cả ngày.

Lá vối có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn. Mỗi khi ăn nhiều chất đạm hoặc dầu mỡ, người ta thường uống nước lá vối để kích thích dạ dày tiết nhiều dịch tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa chứng đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, trong lá vối cũng có tanin giúp bảo vệ niêm mạc ruột và tinh dầu có tính kháng khuẩn, giúp chữa đau bụng, đi ngoài phân sống.

Mai Linh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn