Có nên rửa mặt bằng nước nóng?

Tư vấnThứ Năm, 07/09/2023 16:27:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều người có thói quen sử dụng nước nóng để rửa mặt, chuyên gia chỉ ra sai lầm khiến da lão hoá nhanh.

Rửa mặt là bước quan trọng trong quá trình skincare mỗi ngày. Ngoài việc lựa chọn nước tẩy trang, sữa rửa mặt phù hợp, nhiệt độ của nước dùng rửa mặt cũng quan trọng không kém. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả và làm sạch của mỹ phẩm cũng như các loại kem dưỡng da trong những bước skincare tiếp theo.

Nhiều người cho rằng nên rửa mặt bằng nước nóng, nhưng rửa mặt bằng nước nóng có tốt không? 

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội da liễu Việt Nam cho biết, cùng với việc rửa mặt quá nhiều lần trong ngày, không vệ sinh tay trước khi rửa mặt, chọn sai sản phẩm rửa mặt, thì việc nhiều chị em sử dụng nước nóng để rửa mặt khiến da xấu đi hàng ngày.

Thạc sĩ – Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành.

Thạc sĩ – Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành. 

Theo bác sĩ Thành, dùng nước nóng để rửa mặt là sai lầm phổ biến, nhất là trong mùa đông. Nó mang lại những hệ quả không tốt cho da như nhiệt độ nước quá cao sẽ gây ra tình trạng mẩn đỏ, nổi mao mạch. Bên cạnh đó, nước nóng cũng là nguyên nhân làm mất cân bằng dầu tự nhiên, khiến da bị khô và tiết thêm nhiều dầu, bóng nhờn, thậm chí là nổi mụn nhiều hơn.

"Muốn làn da đủ 'sức khỏe', mềm mại, không khô căng, nhạy cảm hơn thì bạn nên từ bỏ thói quen dùng nước nóng", bác sĩ Thành nói và cho biết thay vì dùng nước nóng chúng ta có thể dùng nước ấm để giãn nở lỗ chân lông, sau đó dùng sữa rửa mặt và rửa lại với nước lạnh. Việc này sẽ giúp da được làm sạch tốt, se khít lỗ chân lông

Làn da của con người được phân chia thành nhiều loại khác nhau như da thường, da nhạy cảm, da nhờn, da khô… Mỗi loại da lại có các đặc tính riêng, do đó nếu muốn làm sạch ra với nước ấm bạn cần hiểu đúng về làn da và lựa chọn cho mình một nhiệt độ nước phù hợp.

Vị chuyên gia da liễu chia sẻ cần cẩn trọng khi rửa mặt bằng nước ấm nếu bạn có làn da khô hoặc da nhạy cảm.

Với làn da khô, việc dùng nước ấm hay xông nóng có thể khiến cho da càng khô hơn, do đó không nên dùng nước nóng để rửa mặt. Còn đối với làn da nhạy cảm thì nhiệt độ nước ấm có thể khiến cho da của bạn bị hanh khô, bong tróc, mẩn đỏ.

Không nên rửa mặt bằng nước nóng. (Ảnh minh hoạ)

Không nên rửa mặt bằng nước nóng. (Ảnh minh hoạ)

Lựa chọn nhiệt độ nước ấm phù hợp với làn da

Đối với làn da thường

Da thường là loại da dễ chăm sóc nhất bởi nó khá khỏe. Việc rửa mặt bằng nước ấm với da thường có thể làm thường xuyên, hoặc bạn có thể lựa chọn xông da mặt để chăm sóc da hàng ngày với nhiệt độ lý tưởng là từ 32-34 độ C.

Đối với da dầu

Da dầu là loại da rất khó chịu, nó luôn khiến da bóng bẩy, luôn đổ dầu và dễ khiến lỗ chân lông bị bít nếu không được chăm sóc và làm sạch kỹ. 

Đối với da dầu, khi rửa mặt, bạn nên sử dụng nước có độ ấm 33-35 độ C. Nhiệt độ này sẽ làm sạch bụi bẩn và dầu nhờn trên da mặt, giúp da trở nên sạch sẽ và thông thoáng hơn. 

Đối với da khô 

Như được chia sẻ ở trên, nước ấm sẽ khiến da bị khô. Vậy nên, có nên rửa mặt bằng nước nóng ở người da khô không thì nhiều người khuyên rằng da khô không nên rửa mặt bằng nước nóng vì càng khiến da thêm khô, thậm chí sần hơn. 

Nhiệt độ nước lý tưởng để rửa mặt cho da khô là 30-31 độ C. Với nhiệt độ này, da sẽ không bị tác động quá nhiều bởi nhiệt, đồng thời cũng không khiến da khô nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn nên dùng cách ngày, không nên rửa bằng nước ấm quá thường xuyên. 

Da nhạy cảm 

Da nhạy cảm khá đỏng đảnh và khó chăm sóc. Vậy nên khi làm sạch mặt, nhiệt độ nước cũng rất được quan tâm. Nước nóng quá sẽ khiến da bị ửng đỏ, hanh khô và nứt nẻ. Nhưng dùng nước lạnh lại không thể làm sạch da hoàn toàn. Chung quy lại, nhiệt độ nước lý tưởng cho da nhạy cảm là từ 33-35 độ C. 

Đối với da hỗn hợp

Da hỗn hợp là da loại da nhờn ở vùng tam giác và khô hay bên má. Vì tính chất kết hợp này nên da hỗn hợp rất khó để skincare.

Nhiệt độ nước lý tưởng của loại da này là 32-33 độ C. Khi rửa mặt, nên tập trung nhiều hơn vào vùng chữ T để làm sạch hoàn toàn dầu nhờn trên da. 

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn