Chuyện từ ngôi làng duy nhất mang tên "19 tháng 5"

Thời sựThứ Hai, 17/05/2010 01:12:00 +07:00

40 năm trôi qua, con em trong làng dù ai đi ngược về xuôi đều tự hào là người con quê hương “19 tháng 5”.

Nằm ven QL1A, cách đèo Ngang 3km về phía Nam, làng “19 tháng 5”, xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) nằm dựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển Đông. 40 năm trôi qua, con em trong làng dù ai đi ngược về xuôi đều tự hào là người con quê hương “19 tháng 5”.

Lập làng

Đầu năm 1960, Đảng bộ xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) vận động người dân đi lập làng mới, theo tiếng gọi của Đảng hàng chục thanh niên đã về vùng đất này lập làng, tạo lá chắn bảo vệ bờ biển. Ông Lê Văn Viễn, một trong những đảng viên đi đầu trong công cuộc lập làng “19 tháng 5” kể lại: “Ngày đó từ Bắc Roòn ra đến đèo Ngang thưa thớt những túp lều tranh của người dân, làng chỉ có khoảng 50 người, mảnh đất này lúc đó rừng rậm rạp, hoang vu... nhưng chúng tôi vẫn vững bước để lập làng”.

Cái tên làng cũng gắn liền với mốc lịch sử của nó, lúc đầu hay gọi là làng Mới, nhưng rồi để tưởng nhớ ngày lập làng lại là ngày sinh của Bác Hồ nên lấy ngày 19/5 đặt tên là “Làng 19 tháng 5”. Ai cũng tự hào vì đây là nơi duy nhất trong cả nước lấy ngày sinh của Bác làm tên làng. Cũng từ đó, nhân dân trong làng luôn nêu cao tinh thần sống, chiến đấu, xây dựng làng làm sao cho xứng đáng với cái tên thiêng liêng ấy.

Ngày mới thành lập, mọi người chú trọng phát triển nông nghiệp, khai hoang trồng trọt, chăn nuôi... Sau một thời gian nhận thấy nơi đây đất cằn sỏi đá, khô hạn nên mọi người chuyển sang làm thủ công nghiệp, sản xuất gạch ngói (ngày trước ngói “19 tháng 5” có tiếng một vùng). Cùng với công cuộc sản xuất kinh tế, người dân “19 tháng 5” đã anh dũng chiến đấu trong những ngày Mỹ bắt đầu kế hoạch chiến tranh phá hoại miền Bắc (1964).

Trong những ngày đó, từ Roòn đến đèo Ngang bị bắn phá ác liệt bằng những vũ khí hiện đại, hàng trăm người đã ngã xuống, lòng căm thù giặc của nhân dân càng sục sôi. Trong vòng 3 tháng giữa năm 1968, dân làng anh dũng bắn rơi 3 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có 1 chiếc được ghi công đầu cho Đội thiếu sinh quân của làng.

Đội Thiếu sinh quân của làng “19 tháng 5” trong những ngày kháng chiến. 

Trong chiến dịch quân sự Hòn La năm 1972, tiếp nhận hàng viện trợ từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc), người làng “19 tháng 5” cùng bộ đội vượt qua muôn vàn nguy hiểm để vận chuyển hàng trăm tấn gạo từ tàu Hồng Kỳ vào bờ an toàn nhằm tiếp viện cho chiến trường. Ông Lê Huy Hoàng là một trong những thiếu sinh quân năm xưa, kể lại: Ngày đó ác liệt, người dân làng mang tên ngày sinh của Bác nên ai ai cũng cố gắng chiến đấu, lao động sản xuất phục vụ Đảng kháng chiến thành công. Chúng tôi ngày xưa còn nhỏ nhưng luôn mang trong mình lời dạy của Bác “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, xứng đáng là những người con của quê hương.

Sống xứng đáng là người con quê hương “19 tháng 5”

Chiến tranh lùi xa, người dân “19 tháng 5” lại bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Đến nay, làng đã có hơn 230 hộ dân, với hơn 800 nhân khẩu, điện, đường, trường, trạm đầy đủ, người dân chăm chỉ làm ăn. Hiện hơn 80% người dân làm ngư nghiệp, 15% làm nông nghiệp, 5% buôn bán. Hàng chục tàu thuyền đánh bắt xa bờ, gần bờ, ngư trường mở rộng, hải sản xuất khẩu khai thác nhiều hơn và có giá trị kinh tế cao hơn... Hiện nay, hộ nghèo trong làng chỉ còn 16% so với 28% năm 2008. Giáo dục được chú trọng, nhiều con em trong làng học đỗ đạt cao, hiện đang học đại học, cao đẳng, trung cấp...

Sau hơn 40 năm, mọi người trong đội Thiếu sinh quân năm xưa gặp nhau ôn lại những kỷ niệm. 

Khi Bộ Chính trị phát động phong trào: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ban lãnh đạo thôn “19 tháng 5” đã nhanh chóng hưởng ứng, là đơn vị đi đầu phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ” ở miền cát Quảng Bình. Làng tổ chức nhiều cuộc thi kể chuyện Bác Hồ vào những ngày lễ, mọi người trong làng nô nức tham gia.

Những ngày đó, mọi người được nghe nhiều câu chuyện cảm động về vị Cha già kính yêu. Trẻ con, người lớn, phụ nữ, phụ lão ai cũng háo hức, ai cũng say sưa lắng nghe để học theo tấm gương Bác Hồ kính yêu. Trong làng, nhà nào cũng trang trọng treo ảnh Bác Hồ ở gian giữa, trẻ em của làng gặp người lạ liền cúi đầu, vòng tay chào lễ phép. Làng “19 tháng 5” là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác kế hoạch hóa gia đình, các đoàn thể quần chúng hoạt động tốt, theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

“40 năm trôi qua, những cán bộ đảng viên, những người khai khẩn, lập làng người còn người mất, nhưng thế hệ con cháu chúng tôi vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương. Vững tin vào Đảng, tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Mãi mãi xứng đáng với tên gọi “Làng 19 tháng 5”- ông Lê Huy Hoàng tâm sự.




Theo Công an Đà Nẵng
Bình luận
vtcnews.vn