Chuyển nhượng mùa đông 2016: Tham vọng thống trị bóng đá, Trung Quốc gây 'bão'

Thể thaoThứ Hai, 01/02/2016 11:06:00 +07:00

Cả 3 bản hợp đồng lớn nhất của thị trường chuyển nhượng mùa đông 2016 đều thuộc về Trung Quốc, trong khi điều tương tự lại không hề xảy ra ở châu Âu

(VTC News) - Cả 3 bản hợp đồng lớn nhất của thị trường chuyển nhượng mùa đông 2016 đều thuộc về Trung Quốc, trong khi điều tương tự lại không hề xảy ra ở châu Âu.

Với tham vọng thống trị bóng đá của Chủ tịch Tập Cận Bình, giới chức bóng đá Trung Quốc đang phát triển nền bóng đá nước này lên mức cực nóng.
Ramires là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Trung Quốc
Ramires là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Trung Quốc 
Nóng nhất chắc chắn là ở thị trường chuyển nhượng. R
amires cập bến Jiangsu Suning với mức giá 28 triệu bảng, con số kỷ lục suốt 58 năm lịch sử đội bóng nói riêng và nền bóng đá Trung Quốc nói chung. 
Cần phải nói thêm rằng, tổng giá trị đội hình của Jiangsu Suning trước khi chiêu mộ Ramires chưa đến ngưỡng 8 triệu bảng, nghĩa là chưa bằng 1/3 so với số tiền đại gia này bỏ ra để mua ngôi sao xứ samba. 
Điều đáng nói, những trường hợp như Ramires bây giờ không còn là hiếm ở đất nước đông dân nhất thế giới. Ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông này, các CLB Trung Quốc đã liên tục phá vỡ giới hạn chuyển nhượng. Cựu cầu thủ Arsenal, Gervinho đến China Super League với giá 13,7 triệu bảng. 
Sau đó ít giờ, tới lượt 1 chân sút còn gần như vô danh Elkeson cập bến Shanghai SIPG từ CLB cùng của Trung Quốc, Guangzhou Evergrande
Gervinho gia nhập tân binh của giải VĐQG Trung Quốc Hebei China Fortune
Gervinho gia nhập tân binh của giải VĐQG Trung Quốc Hebei China Fortune 
Sự giàu có của các ông chủ Trung Quốc đã cho phép những CLB nước này liên tục phá két. Trước Ramires, Elkeson và Gervinho, đất nước 1,4 tỷ dân cũng thâu tóm rất nhiều tài năng của bóng đá thế giới như Paulinho, Demba Ba, Gyan Asamoah.
Có 1 điểm đặc biệt là không chỉ các ngôi sao hàng đầu tăng giá, những ngôi sao nội, những người được coi là trụ cột của ĐT Trung Quốc cũng bị thổi giá đến chóng mặt, dù giá trị thực của họ thua xa những con số trên bản hợp đồng.
Kỷ lục mới nhất được làng bóng đá Trung Quốc xác lập cách đây 2 tuần khi đội bóng hạng 2 Tianjin Quanjian chiêu mộ thủ môn Zhang Lu từ Liaoning Whowin của giải Super League với giá 7,5 triệu bảng - một con số cao khủng khiếp.

Hãy nhớ lại rằng Alexandre Pato, cầu thủ từng khoác áo ĐT Brazil, chinh chiến ở AC Milan 6 năm, cũng chỉ được Chelsea mua lại (nếu "Chú vịt" thi đấu tốt) với giá 7 triệu bảng. Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ thấy, "bong bóng" chuyển nhượng của Trung Quốc đang phồng to đến mức nào.
Những ngôi sao Brazil như Robinho, Paulinho cũng đang chơi bóng ở Trung Quốc
Những ngôi sao Brazil như Robinho, Paulinho cũng đang chơi bóng ở Trung Quốc 
Nghịch lý này đến từ chính cách phát triển nóng của bóng đá Trung Quốc. BLĐ các đội bóng buộc phải tăng cường gấp đội hình để nâng chất lượng giải đấu. Tuy nhiên BTC China Super League lại có những ràng buộc về số lượng cầu thủ nội đăng ký (giống V-League). Chính vì vậy, họ buộc phải bổ sung những cầu thủ Trung Quốc có "chất", dù khả năng những người này vẫn thua xa những đồng nghiệp nước ngoài.

Đi tiên phong trong việc phá giá cầu thủ là nhà ĐKVĐ Guangzhou Evergrande. Chính đội bóng này đã liên tục đưa ra những đề nghị không thể từ chối, cách làm rất giống Chelsea thời kỳ đầu, khiến giá trị cầu thủ được tích lũy qua từng năm, trước khi đến ngưỡng không thể rẻ hơn.

Điển hình cho cách làm ăn của Guangzhou Evergrande là họ vừa bán tiền vệ 31 tuổi Zhao Xuri cho Tianjin Quanjian vào tuần trước với số tiền gần 8 triệu bảng, trong khi trước đó 4 năm, họ chỉ mất chưa đến 1 triệu bảng để chiêu mộ cầu thủ này.

Cả nền bóng đá Trung Quốc đang bị thao túng bởi tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Những tỷ phú nước này không tiếc tay mua lại những CLB nổi tiếng, mới nhất là Espanyol của La Liga. Còn ở trong nước, những đại gia chơi trội cũng đẩy nền bóng đá vừa lên chuyên nghiệp 20 năm bước vào vòng xoáy kim tiền.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn