Chuyện những người "nấu cháo lưỡi" nhiều nhất VN

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 11/03/2010 06:30:00 +07:00

(VTC News) - “Tháng này, cậu nấu cháo lưỡi với micro được bao lâu”? Chán lắm, được 20 hôm thôi!” - Xin đừng giật mình bởi cách nói đó...

(VTC News) - “Tháng này, cậu nấu cháo lưỡi với micro được bao lâu”? Chán lắm, được 20 hôm thôi!”- Xin đừng giật mình bởi cách nói đó, vì chắc chắn, họ đích thực là những diễn viên lồng tiếng phim truyền hình!

Nghề “nấu cháo lưỡi với micro”

Tôi may mắn được gặp êkip của diễn viên Tùng Dương tại Trung tâm sản xuất phim Truyền Hình VN, khi họ đang thực hiện lồng tiếng cho một số nhân vật trong phim Đầm lầy bạc. Tùng Dương đảm nhiệm lồng tiếng cho ba nhân vật: Bằng, Thép, Thiện Lương, trong đó nhân vật Bằng chính là vai diễn của anh.

Diễn viên Tùng Dương lồng tiếng cho chính nhân vật Bằng của mình trên phim. (Ảnh: Trịnh Mão).
Trong đoạn phim, Bằng đến gặp một vị giám đốc thuộc băng đảng Liên minh bạc, với mục đích dọa dẫm, thách thức. Dù chỉ là lồng tiếng, nhưng chất giọng “gầm gừ”, khuôn mặt “dữ tợn” trong phòng thu của Tùng Dương không khác mấy hình ảnh nhân vật trên phim. Tay chân anh cũng thỉnh thoảng bất giác vung lên theo cảm xúc hoặc hành động của nhân vật.

Có điều, Tùng Dương phải… đứng một chỗ để nói, chứ không được tự do đi lại như nhân vật Bằng. Đôi lúc anh nói vấp, nói nhịu hoặc nói… nhanh hơn nhân vật, nhưng đó là chuyện nhỏ, chỉ mất đến 1-2 giây để “nói lại” cho ngon lành!

Bí quyết để lồng tiếng thành công, theo Tùng Dương, là việc phải làm sao nắm bắt thật tốt tâm lý nhân vật và khớp giọng cho chuẩn. Một người lồng tiếng tốt có thể giả được nhiều giọng khác nhau, nhưng phải biết dựa vào gương mặt của nhân vật trên phim, để điều chỉnh giọng của mình thanh lên hoặc trầm xuống cho phù hợp. Đặc biệt, nhất thiết giọng nói phải thể hiện được chiều sâu nội tâm nhân vật, chứ không đơn thuần là “nhái giọng” hay “pha tiếng”.

Thông thường, trong một phim, anh lồng tiếng cho hai đến ba nhân vật. Cá biệt, có những lúc lên tới 7 nhân vật. Nhưng người xem không bao giờ nhận ra đó là chất giọng của cùng một người. Bởi như anh nói, cung giọng của mình có thể diễn tả được cảm xúc đa dạng nhiều nhân vật trên phim.

Nhưng theo Tùng Dương, thu tiếng chỉ là phần mộc, còn một phần quan trọng nữa để hoàn thành việc lồng tiếng là công đoạn chỉnh khớp, dựng tiếng cho chuẩn với từng hoàn cảnh của bộ phim. Người phụ trách âm thanh sẽ làm công việc này. Họ không chỉ ngồi nghe, mà còn cảm thụ, hỗ trợ diễn viên lồng tiếng cách diễn đạt, nhấn nhả giọng nói, để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tùng Dương hiện là một trong số ít diễn viên lồng tiếng đất Bắc có thành tích đáng nể. Năm 1989, anh bắt đầu được biết đến khi lồng tiếng cho một số binh lính trong phim Đêm hội Long Trì. Tính đến thời điểm hiện tại, đã lồng tiếng cho không dưới 500 đầu phim. Anh cũng cho biết, hiện miền Bắc mới chỉ có khoảng 30 người chuyên lồng tiếng phim truyền hình, nhưng chỉ hơn chục người là thường xuyên được lồng tiếng cho các vai chính trong phim, như Phú Thăng, Công Lý, Hương Dung, Nguyệt Hằng…

Lồng tiếng là một trong những công tác hậu trường, tuy lặng lẽ, khán giả ít có dịp biết mặt, nhớ tên, nhưng với nhiều phim truyền hình, lồng tiếng có thể quyết định tới 70% sự thành bại.

Trong trường hợp diễn viên đóng đạt nhưng chất giọng kém hoặc chất lượng thu âm tại hiện trường không chuẩn, thì lồng tiếng luôn là biện pháp mà nhiều đạo diễn lựa chọn.

Nghề lồng tiếng cũng có “ông bầu - bà bầu”

Những “ông bầu, bà bầu” này chính là số ít cá nhân trong số hơn 30 diễn viên lồng tiếng “có máu mặt” đất Bắc. Tuỳ vào mối quan hệ của mình, họ đứng ra nhận phim về cho anh em cùng làm.

Chị Tú Lan, công tác tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN - “bà bầu” của nhiều nhóm diễn viên lồng tiếng tâm sự: Từ khi phim nhựa của VN ra đời đã có nghề lồng tiếng. Công việc này rất thiếu người, lại chưa có công nghệ đào tạo bài bản nên “cầu” có mà “cung” luôn thiếu. Với số lượng hơn 30 người lồng tiếng có kinh nghiệm ngoài Bắc thì họ hầu như lúc nào cũng có việc và “làm mệt nghỉ”.

Trong phim Cô gái xấu xí, DV Thanh Vân đã phải đeo niềng răng để lồng tiếng cho nhân vật Huyền Diệu.
“Bà bầu” Tú Lan là một trong những người có nhiều “sô” nhất cho anh em diễn viên lồng tiếng. Với thế mạnh là trợ lý đạo diễn nhiều bộ phim, chị có cơ hội “chọn mặt gửi vàng”, chuyên “săn” diễn viên lồng tiếng cho nhiều đoàn làm phim.

Chị Lan chia sẻ, mặc dù hiện nay, thị trường phim bộ của VN đang bị thu hẹp, công nghệ thu tiếng trực tiếp tại trường quay phát triển mạnh và phim phụ đề ngày càng được ưa chuộng, nhưng nghề lồng tiếng sẽ không rơi vào giai đoạn khó khăn như nhiều người tưởng.

Dẫn chứng là mức cát-xê cho diễn viễn lồng tiếng ngày càng được cải thiện. Thù lao của diễn diễn lồng tiếng được chia làm 5 mức. Thấp nhất là 200.000 đồng/buổi, với những người mới vào nghề. Còn với những người có kinh nghiệm như Tùng Dương, Công Lý, Hương Dung, Nguyệt Hằng… thì mức này cao hơn nhiều. Không tiết lộ mức thù lao của nhóm diễn viên top đầu, nhưng chị khẳng định, dù cao, cũng không vượt quá 1 triệu đồng/ngày.

Tuỳ thuộc vào bộ phim dài hay ngắn, mà ê kíp lồng tiếng thay đổi cho phù hợp. Với phim một, hai tập, ít nhân vật cần lồng tiếng, chỉ cần tới 1-2 người là đủ. Một chỉnh âm thanh, một lồng tiếng. Còn với những phim dài, có khi lên cả tới chục người, thay nhau làm hết ngày này qua ngày khác.

Tại sao nhiều người chưa thích phim nước ngoài lồng tiếng Việt?

Giải thích cho việc nhiều khán giả truyền hình thấy khó chịu với cách lồng tiếng Việt cho phim nước ngoài, diễn viên Tùng Dương cho rằng, đó là do kinh phí lồng tiếng dành bộ phim chưa đủ để diễn viên có thể đầu tư công sức “săn bắt” tình cảm của nhân vật.  

Giá cát-xê cho việc lồng tiếng một phim nước ngoài không cao hơn so với phim Việt. Trong khi đó, diễn viên lồng tiếng phải làm một lúc 3 việc: biên tập, khớp miệng và thể hiện tình cảm cho nhân vật trên phim. Nhiều bộ phim, người lồng tiếng phải sửa lại kịch bản sao cho phù hợp với âm điệu, cách nói của người Việt. 

Những
phim nước ngoài thường được ưu tiên chọn để lồng tiếng là phim dài tập, có nội dung tốt, mang tính giáo dục, gần gũi với đời sống Việt và kết thúc phải có hậu. Thường thì, đó là những phim có xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, còn dòng phim thuần giải trí rất ít khi được lồng tiếng Việt.

Diễn viên Tùng Dương cho hay, nếu như ngày xưa, khi lồng tiếng phim nước ngoài như Cô chủ nhỏ, Quyền được yêu, anh và êkip của mình còn được xem trước thuyết minh 1, 2 tập để có thể cảm thụ tâm tư, tình cảm, của nhân vật được lồng tiếng, thì những năm gần đây, thói quen này đã bị bỏ đi vì mất quá nhiều thời gian.

Thay vào đó, khi nhận được một kịch bản, “bầu” nói qua nhân vật và chỉ đạo người lồng tiếng, diễn viên vào phòng thu làm ngay, có khi lồng tiếng đến nửa phim rồi mới hiểu hết tính cách nhân vật của mình.

“Dĩ nhiên, diễn viên lồng tiếng chúng tôi muốn thể hiện tốt nhất nhân vật trên phim của mình, nhưng  do áp lực thời gian và hạn chế về điều kiện vật chất, có thể, việc lồng tiếng phim nước ngoài chưa được thành công như nhiều khán giả mong đợi”. Tùng Dương phân bua thay cho các đồng nghiệp.

Văn Trinh
 

Bình luận
vtcnews.vn