Chuyện những kẻ sưu tầm đồ cổ thời… công nghệ

Tổng hợpThứ Ba, 29/05/2012 03:28:00 +07:00

Thú vui sưu tầm đồ cổ tưởng như chỉ tồn tại ở thế hệ 4x, 5x thì giờ đây nó lại hiện hữu ở một bộ phận giới trẻ.

Thú vui sưu tầm đồ cổ tưởng như chỉ tồn tại ở thế hệ 4x, 5x thì giờ đây nó lại hiện hữu ở một bộ phận giới trẻ, nơi đồ cổ được định nghĩa là những món hàng công nghệ quý, độc, hiếm và dĩ nhiên là... đắt.

 

 

Khi đồ công nghệ thành bộ sưu tập

 

Thuộc thế hệ 8x và là người Mỹ gốc Việt nhưng về nước làm ăn thường xuyên nên anh David Phương không khác bất kỳ chàng trai gốc Hà thành nào. Chỉ có điều, bên cạnh vẻ ngoài quyết đoán của một ông chủ doanh nghiệp thì đằng sau lớp vỏ ấy lại ẩn chứa một đam mê lạ lùng với thú vui sưu tầm game và những ấn phẩm liên quan.

Những món đồ mà anh quan tâm đến chính là những đĩa trò chơi điện tử dành cho các hệ máy của Sony PlayStation 3, Microsoft Xbox 360 và thậm chí là cả game PC. Tuy nhiên, khác với những game thủ chỉ mua đĩa lậu để cài chơi và... vứt thì với David Phương, mỗi trò chơi là một phần của bộ sưu tầm của anh. Thứ anh quan tâm tới chính là những phiên bản đặc biệt giới hạn (Limited Edition) mà nhà sản xuất bán ra một số lượng rất ít cùng với mức giá chênh hơn gấp 2, gấp 3 lần, phải đặt trước vài tháng.

Phương tâm sự: “Ấn tượng của tôi năm 15 tuổi là những bộ đĩa CD Warcraft được làm công phu từ vỏ hộp cho tới hình nộm nhỏ của nhân vật phe Orcs từ đợt triển lãm cách đây ngót mười mấy năm tại Mỹ. Đến bây giờ, tôi luôn bị cuốn hút bởi những sản phẩm như thế và với tôi sưu tầm những đĩa game ấn bản độc tức là bạn đang lưu giữ một kho báu cho riêng mình”.

Mỗi đĩa game ra mắt lại có một phiên bản Collector riêng và đồng nghĩa là sẽ có những món quà tặng độc nhất vô nhị. Nếu game Final Fantasy thì quà tặng thường là búp bê nhân vật, móc chìa khoá hay thậm chí là phiên bản thu nhỏ thanh kiếm mà nhân vật chính sử dụng trong trò chơi thì có những phiên bản đĩa game “độc” còn đi kèm với những đĩa nhạc soundtrack và USB không đụng hàng như phiên bản Starcraft II ra mắt cách đây 2 năm.

Tất cả vật dụng đó đều được David Phương lưu tại một căn phòng riêng và theo anh ước tính trung bình một năm số tiền chi cho các bộ sưu tầm game của mình dao động khoảng trên dưới 10.000 USD.

Ở một trường hợp khác, không có điều kiện sống ở nước ngoài nhưng anh Hoàng Đăng, một dân chơi công nghệ tuổi đời vừa chạm mốc 30 thì lại có thú vui sưu tầm điện thoại. Vấn đề nằm ở chỗ, món duy nhất anh sưu tầm chính là dòng máy 8800 của Nokia vốn nổi tiếng là series điện thoại dành cho nhà giàu.

Lướt qua bộ sưu tầm của Đăng, những model đình đám thuộc series 8800 như Sirocco, Arte, Sapphire Arte hay Anakin đều nằm ngay ngắn trên tủ bày. Đan xen đó là những phiên bản giới hạn, đắt tiền hơn như 8800 Gold Arte hay Aston Martin với logo của hãng siêu xe danh tiếng khắc trên máy.

 

Đáng chú ý là phiên bản nào của anh nếu không có đủ hộp thì cũng có dock và phụ kiện ton sur ton rất đầy đủ. Đăng cho biết: “Tâm niệm của mình là phải mua cho đủ bộ hộp sách và mình sẵn sàng chi cho bộ sưu tầm này. Bây giờ Nokia đã ngưng sản xuất các dòng điện thoại hạng sang thuộc 8800 series thì giá trị bộ sưu tầm của mình càng được nâng lên. Riêng chiếc 8800 Gold Arte hôm trước có người trả mình 35 triệu mà mình nhất quyết không bán bởi khó có thể tìm được chiếc thứ 2 đủ hộp, phụ kiện và tai nghe như chiếc máy mình đang sở hữu”.

Cùng chung đam mê sưu tầm điện thoại, anh Vũ Ngọc Anh lại có một sở thích khá “dị”. Đó là anh chỉ đặc biệt thích các dòng máy Sony Ericsson và những phụ kiện đi kèm theo đó như tai nghe, bao đựng hay thậm chí là các phụ kiện bluetooth hàng “độc” của thương hiệu này.

Đến nhà anh, anh khoe ngay chiếc Sony Ericsson T610i “Mặt nạ đen” như mới cùng chiếc xe ôtô Bluetooth CAR-100 rất hiếm của hãng. Đây là món đồ chơi đầu tiên của hãng di động này dùng cho các dòng máy điện thoại có Bluetooth để điều khiển xe từ xa. Chiếc xe vừa kiêm sạc pin lưu động cho điện thoại cũng như tầm điều khiển lên tới 15m.

Chưa dừng ở đó, anh còn cho xem chiếc điện thoại tích hợp máy ảnh đầu tiên trên thế giới Sony Ericsson T68i cùng máy ảnh MCA-25 đi kèm. Anh nói: “Cái thời năm 2002 có cái này là oách lắm bởi điện thoại ngày ấy có màn hình màu như T68i là đã hiếm chứ đừng nói có thể chụp ảnh kỹ thuật số được”.

Điều đáng nói là, mỗi thứ phụ kiện anh sở hữu đều đi kèm với một chiếc điện thoại tương thích và vị chi tính riêng đống phụ kiện kèm điện thoại ấy đã lên đến hơn 20 máy và đều của Sony Ericsson. Cùng chung quan điểm với anh Đăng, anh Ngọc Anh cho biết: “Bây giờ thương hiệu Sony Ericsson đã mất hẳn nên chắc chắn không thể có bộ sưu tầm thứ 2 như thế này tại Việt Nam. Các phụ kiện mới của Sony thì khá nhạt nhoà và không cá tính nên có lẽ tôi sẽ tiếp tục cất công sưu tầm các dòng máy cổ của hãng cùng những phụ kiện ăn theo mà mình còn thiếu”.

 

 

Gian nan mà vẫn cứ... ham

 

Cuộc chơi nào chả có gian nan, vất vả và đối với dân sưu tầm thì ngoài công sức, tiền bạc, nó còn là chuyện hợp duyên, may mắn. Đồ công nghệ không như đồ cổ bởi nếu sưu tầm đồ cổ thì tìm ngang tìm dọc rồi cũng sẽ ra, quan trọng là giá tiền và độ máu xuống tay. Đồ công nghệ thì khấu hao nhanh, nhanh lạc mốt, với giới sưu tầm là “châu báu” thì với những người cả thèm chóng chán lại như thứ bỏ đi.

Với David Phương, việc làm khách ở các website bán vật dụng game như EBgames, GameStop đã thành thói quen và cứ tới đợt lại lên, khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 là lúc anh ngồi “canh me” liên tục để xem các nhà phát hành game sắp cho ra mắt bộ đĩa game phiên bản Collector nào để còn đặt trước không... ôm hận.

Phương kể: “Có lần vì mua hụt một bộ đĩa Gears of War 3 giới hạn tại trang GameStop mà sau đó tôi phải chi ra số tiền gấp 2 lần để mua từ một người bán tại Ebay”.

Về phía dân chơi sành điệu 8800, anh Đăng cũng chia sẻ kỷ niệm buồn: “Trong số các dòng máy 8800 thì phiên bản Sirocco Light là khó kiếm nhất bởi số lượng bán ra rất ít. Hôm nghe phong thanh có người rao bán máy fullbox (nguyên hộp), tôi phi đến ngay và đồng ý mua giá 14 triệu trong khi giá thị trường chỉ chưa đến 5 triệu/máy mà quên không kiểm tra kỹ. Về chưa kịp hí hửng mới phát hiện ra máy là dựng lại toàn bộ, hàng thay vỏ và vỏ hộp, IMEI cũng không trùng, được làm khá tinh vi, chắc xuất xứ từ Quảng Châu, Trung Quốc”.

Bi hài hơn, anh Ngọc Anh thì kể lại: “Cái cơ duyên của tớ đến với cái xe ô tô Bluetooth của Sony Ericsson thì buồn cười lắm. Năm 2003 nó ra mắt nhưng không bán ở Việt Nam, mình tìm mỏi mắt chẳng mua được. Đến khoảng năm 2007 bỗng dưng sang chơi nhà ông anh họ đi Đức về thì chợt phát hiện trong thùng đồ chơi của trẻ con chềnh ềnh cái xe trong đấy, chẳng biết còn ‘sống’ hay ‘chết’, thế là phải xin vội. Về kiểm tra, sạc pin, lau chùi lại, thấp thỏm bật lên thì may quá vẫn còn hoạt động”.

Còn rất nhiều giai thoại, chân dung về những dân chơi sưu tầm công nghệ như anh Hạnh, Hà Nội với thú chơi chuyên các sản phẩm dán nhãn Product (RED) như iPod, điện thoại Motorola, tai nghe Beats... vốn là những sản phẩm được sơn màu đỏ rất đặc trưng, được bán ra nhằm mục đích ủng hộ quỹ bệnh nhân AIDS; hay Quang Anh với bộ sưu tầm điện thoại chơi game N-Gage cùng thẻ game có một không hai..., tuy nhiên vì khuôn khổ bài báo có hạn nên có lẽ xin hẹn dịp khác.

Cuộc chơi của giới sưu tầm công nghệ có lẽ sẽ còn dài bởi công nghệ là thứ thay đổi liên tục, luôn mới mẻ, sóng sau xô sóng trước và đứng ở một góc độ nào đó, những chuyên gia “đồ cổ” thời công nghệ cũng đáng được ghi nhận như những người chơi chân chính với niềm đam mê bất tận dành cho đồ chơi số.

Khôi Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn