Chuyên gia nước ngoài cứu rùa khổng lồ khỏi thợ săn

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 22/03/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Cuộc đấu trí khá căng thẳng đã diễn ra giữa cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa châu Á với nhóm người săn được rùa khổng lồ.

(VTC News) - Cuộc đấu trí khá căng thẳng đã diễn ra giữa cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, đặc biệt là hai chuyên gia Tim McCormack và Douglas Hendrie với nhóm người săn được rùa khổng lồ.

Ngày đó, báo chí đưa tin nhóm ông Nguyễn Duy Là (thôn Cời, phường Trung Sơn Trầm, Sơn Tây) đã bắt được con rùa khổng lồ ở sông Tích Giang khi nó nổi lên. Báo chí đưa tin như vậy là vì dựa theo lời kể của nhóm người này. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.

Ngày đó, trận mưa lịch sử khiến nước hồ Đồng Mô dâng cao mênh mông, tràn qua đập, khiếp con đập đang xây dang dở bị vỡ, nước từ hồ ào ra ngoài như lũ. Con rùa khổng lồ hứng chí bơi theo dòng nước xối xả thoát ra ngoài đập.

Hồ Đồng Mô nằm dưới chân núi Ba Vì, nơi tìm được cá thể rùa duy nhất ngoài Hồ Gươm.  

Từ con đập vỡ, nước chảy qua một con mương xuyên qua cánh đồng trũng mới qua cống rồi đổ ra sông Tích. Do cống thoát ra sông Tích hẹp, mà nước lại xối như lũ, nên thoát không kịp, nước dâng lên biến cánh đồng giữa cống sông Tích và đập Đồng Mô thành một cái hồ lớn, rộng hơn 10ha.

Ngay khi đập vỡ, các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã tiến hành giăng hàng chục lớp lưới cực kỳ chắc chắn ở cống sông Tích, ngăn không cho rùa bò ra sông. Nếu loài rùa này bò ra sông, thì có thể chúng ta sẽ không bao giờ được nhìn thấy chúng lần nữa.

Tấm ảnh rùa Đồng Mô nổi từng gây xôn xao dư luận do anh Nguyễn Xuân Thuận chụp. 

Cùng với việc giăng lưới, các cán bộ dựng lều ngay trên miệng cống, thay phiên nhau trông nom suốt ngày đêm, chờ nước rút sẽ tóm rùa thả lại hồ. Suốt nửa tháng trời, những chuyên gia này ăn ngủ trên miệng cống. Có đêm, đang ngủ, một ông say rượu lái xe máy húc đổ cả lều. Họ còn làm sẵn một chiếc lồng để nhốt rùa khi tóm được.

Do vướng nhiều lớp lưới dày và bền, không thoát ra sông được, nên rùa cứ bò luẩn quẩn trong cánh đồng. Khi nước rút còn 0,5m, rùa nổi lên, một người dân trong làng đã tóm hụt rùa khổng lồ. Khi thấy rùa lổm ngổm bò lên bờ, anh này đã xông lại tóm đuôi, nhảy cả lên mai cưỡi để bắt, tuy nhiên, con rùa chạy như ngựa phi đã khiến anh ta ngã chổng vó. Nó tiếp tục thoát xuống mương nước.

Thông tin người dân tóm sổng rùa khiến các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á như ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên, người thì ít, mà cả khu vực rộng lớn, nước ngập mênh mông như vậy, thì làm sao mà trông coi cho xuể.

Phạm Văn Thông, cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đang theo dõi rùa Đồng Mô qua ống nhòm. 

Ngay sau hôm cả phường Trung Sơn Trầm ầm ĩ với thông tin một người dân tóm trượt rùa, thì lại xuất hiện tin nhóm ông Nguyễn Duy Là đã tóm được rùa, đã khênh rùa về nhà.

Hôm đó, tôi cũng có mặt ở nhà ông Nguyễn Duy Là để tận mắt con rùa này. Anh Nguyễn Quang Toàn, người trong nhóm săn rùa kể, cách đó nửa tháng, chính anh ta đã nhìn thấy một con rùa nổi trên sông Tích Giang. Anh Toàn đã âm thầm cùng ông Nguyễn Duy Là và 4 người nữa trong gia đình tìm cách giăng lưới bắt rùa.

Mấy lần nhìn thấy nó nổi, nhóm người này liền bủa lưới vây. Rõ ràng nó đã mắc lưới, song con rùa này đều xé lưới tẩu thoát, hoặc chúi xuống bùn để lưới quét qua. Để tóm được rùa, nhóm người này đã giăng 4 lớp lưới dày chặn đoạn sông, rồi dùng gậy chọc xuống lòng sông, xua rùa vào lưới.

Chú rùa thoát ra khỏi hồ Đồng Mô bị một nhóm người bắt được. 

Khi con rùa mắc lưới, 6 người cùng nhảy xuống sông vật lộn với nó mãi mới đưa được nó lên bờ. “Lúc khênh nó lên bờ, mấy cậu nghịch ngợm dẫm lên lưng nó, thế mà nó cứ chạy ầm ầm. Giống rùa này khỏe kinh khủng thật!” – anh Toàn kể.

Anh Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á nhớ lại: “Chúng tôi giăng lưới chốt chặn ngày đêm ở cống sông Tích, nên không có chuyện con rùa này thoát ra sông Tích rồi bị người dân bắt. Giả sử, nếu rùa thoát ra sông Tích thì không ai có thể bắt được, vì nước lớn mênh mông như thế. Sự thật là khi nước trong cánh đồng rút cạn, rùa lại không thoát ra sông Tích được, nên đã bò lên bờ, thế là bị người dân vật ngửa khênh về”.

Con đập này bị vỡ, khiến rùa thoát ra ngoài. 

Chuyện các nông dân thôn Cời tóm được rùa ở sông Tích là bịa đặt. Mục đích của sự bịa đặt này là để họ được toàn quyền sử dụng, được quyền bán, vì rùa bắt được là ở sông, chứ không phải rùa trong hồ Đông Mô, được sự bảo vệ của chính quyền và các tổ chức phi chính phủ.

Ngay khi rùa ở hồ Đồng Mô bị bắt, hàng ngàn người dân ùn ùn kéo đến xem. Dân xóm Cời còn lập cả bãi trông giữ xe để kiếm tiền. Nhiều đại gia đánh xe to xe nhỏ đến đòi mua. Có người trả 40 triệu, có người trả cả trăm triệu bạc. Lẽ ra, những nông dân này đã bán rồi, nhưng vì các cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã có mặt kịp thời, ngăn chặn, nên họ không bán được.

Rùa đã thoát từ hồ Đồng Mô ra cánh đồng ngập nước này. 

Cuộc đấu trí khá căng thẳng đã diễn ra giữa cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, đặc biệt là hai chuyên gia Tim McCormack và Douglas Hendrie với nhóm người săn được rùa khổng lồ. Để bảo vệ được rùa, các cán bộ đã liên lạc khẩn cấp với lực lượng kiểm lâm, cảnh sát cơ động 113, cảnh sát giao thông và toàn bộ lực lượng công an từ xã đến thành phố.

Sau một ngày giằng co, vừa thuyết phục vừa đe dọa bằng luật bảo vệ động vật hoang dã của các chuyên gia nước ngoài và trước sức ép của dư luận, kết quả phần thắng đã thuộc về các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á.

Các cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã giăng lưới chốt chặn ở cống nước chảy ra sông Tích. 

Ngay trong đêm, dưới sự hộ tống của lực lượng công an, kiểm lâm, các chuyên gia của Chương trình đã đưa rùa an toàn về hồ Đồng Mô. Trước khi thả rùa xuống hồ, các chuyên gia đã kịp xác định giới tính rùa là giống đực và lấy mẫu máu để làm các xét nghiệm cần thiết.

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, rùa Đồng Mô cùng loài với rùa Hồ Gươm và cùng loài với giải Thượng Hải, có tên khoa học là Rafetus Swinhoei. Tên này do nhà khoa học Gray đặt từ thế kỷ 19.

Chiếc lồng giữ rùa làm sẵn đã không cần sử dụng đến. 

Tuy nhiên, theo PGS. Hà Đình Đức, thì con rùa ở Đồng Mô cũng như những con rùa bị người dân xẻ thịt đánh chén ở Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình đúng là loài giải. Còn rùa ở Hồ Gươm là loài mới hoàn toàn, chứ không phải con giải. Để chứng minh cụ rùa Hồ Gươm không phải là giải, ông Đức đã đưa ra hàng loạt phân tích về màu sắc da, đặc điểm hình thái… Trong khi chưa có kết luận cuối cùng, PGS. Đức cứ gọi “cụ” rùa Hồ Gươm là “rùa Lê Lợi” hoặc Rafetus Leloii.

Nhắc đến chuyện này, một số chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho rằng, việc gọi rùa mai mềm nước ngọt là rùa Hồ Gươm là có lý, vì rùa đã nằm sâu trong tâm thức người Việt, chứ gọi là Rafetus Leloii thì rất buồn cười và không được giới khoa học quốc tế công nhận.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn