Chuyên gia: Dùng cầu thủ nhập tịch nhưng phải chọn lọc

Thể thaoThứ Bảy, 01/01/2011 09:57:00 +07:00

(VTC News) - Vấn đề cầu thủ nhập tịch cho ĐTVN, nên hay không, số lượng như thế nào là hợp lý, hãy cùng VTC News chia sẻ, thảo luận ý kiến cùng các chuyên gia.

(VTC News) - Sau AFF Cup 2010 với sự thành công đáng kể của Indonesia, Philippines và lâu nay là Singapore, đặc biệt là với trận thua "tâm phục khẩu phục" của ĐTVN trước Philippines (hầu hết đội hình là cầu thủ nhập tịch), vấn đề cầu thủ nhập tịch trở nên nóng hổi trên các mặt báo trong nước. Để độc giả có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, chúng tôi đăng tải loạt bài với nội dung: Cầu thủ nhập tịch có quyết định thành công của bóng đá Việt Nam?

Bài 2: Ý kiến chuyên gia: Dùng cầu thủ nhập tịch nhưng phải chọn lọc

Vấn đề cầu thủ nhập tịch cho ĐTVN, nên hay không, số lượng như thế nào là hợp lý, hãy cùng VTC News chia sẻ, thảo luận ý kiến cùng các chuyên gia bóng đá nước nhà.

Thông qua cuộc trò chuyện, các chuyên gia, huấn luyện viên Nguyễn Văn Vinh và Trần Văn Phúc cho rằng việc gọi các cầu thủ ngoại nhập tịch vào ĐTVN là công việc nên làm, nhưng cần phải giới hạn ở cả hai khía cạnh chất và lượng.

Hãy cùng lắng nghe ý kiến của những người am hiểu tường tận bóng đá Việt Nam.

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh

Về quan điểm, tôi đồng tình với việc sử dụng cầu thủ ngoại nhập tịch cho ĐTQG vì đây là một xu thế tất yếu của thế giới chứ không riêng gì khu vực Đông Nam Á hay Việt Nam. Thế nhưng, rõ ràng, đây không phải lý do chính khiến ĐTVN thất bại tại AFF Cup 2010.

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh.

Hơn nữa, tôi nghĩ, sử dụng cầu thủ ngoại như thế nào, mức độ ra sao cũng là vấn đề cần phải tính đến. Chúng ta cần những cầu thủ thực sự chất lượng cho đội tuyển Việt Nam chứ không đơn giản chỉ là những người biết đá bóng mà trình độ thì không hơn cầu thủ nội bao nhiêu. Trường hợp Phan Văn Santos trước đây là một ví dụ.

Trước khi kêu gọi một cầu thủ ngoại nào đó nhập quốc tịch Việt Nam thì cần phải trao đổi với họ về quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm phải thực hiện. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ chỉ lấy được những công dân từ "đầu gối xuống", tức là những người chỉ biết đá bóng chứ không hiểu gì về văn hoá của người Việt Nam.

Tôi cho rằng, khi nhập tịch cho cầu thủ thì phải xem họ có phù hợp với các tiêu chí, điều kiện của pháp luật Việt Nam hay không. Ngoài ra, cũng nên đặt ra những quy định cụ thể như việc cầu thủ đó phải biết hát Quốc ca, phải hiểu pháp luật, ngôn ngữ Việt Nam, quốc gia mà họ muốn gắn bó và cống hiến lâu dài.

Kết luận của tôi là tôi ủng hộ việc sử dụng cầu thủ gốc nước ngoài thi đấu cho đội tuyển nhưng đó phải là những người yêu đất nước Việt Nam thật sự, quyết định chọn đất nước này là nơi để cống hiến. Việc này nên để cho các CLB làm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các CLB, họ là những người trực tiếp trả tiền cho các cầu thủ. VFF không phải là những người chịu trách nhiệm chính.

Những việc mà VFF cần làm vào thời điểm này, thay vì kêu gọi sử dụng cầu thủ ngoại nhập quốc tịch cho đội tuyển là tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup. Xác định rõ trách nhiệm đó thuộc về ai và xử lý trách nhiệm cụ thể như thế nào.

Huấn luyện viên Trần Văn Phúc

Thực tế qua AFF Cup vừa qua, có thể nhận thấy rõ, Philippines trước đây lúc nào cũng có thể thua đậm, thậm chí thua tới 0-13. Nhưng với lực lượng cầu thủ nhập tịch, họ đã tiến tới bán kết.

HLV Trần Văn Phúc.

Theo tôi, tất nhiên chủ trương thuộc về Đảng và Nhà nước nhưng tôi ủng hộ quan điểm của VFF là nên cho cầu thủ ngoại đá. Nhưng để cho bóng đá Việt Nam phát triển bền vững mà không bị ảnh hưởng thì cần phải giới hạn số lượng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển. Nên giới hạn số lượng này ở 3 cầu thủ ngoại, như V.League đang làm.

Việc nhập tịch cầu thủ là rất quan trọng. Nếu không, tôi nghĩ HLV Calisto giỏi đến mấy cũng chịu thôi. Các cầu thủ nhập tịch rất mạnh và đẳng cấp. Sang năm Philippines chắc chắn sẽ còn mạnh hơn bởi cầu thủ ngoại sẽ được đưa vào nhiều hơn. ĐTVN thể đá nổi họ.

Tôi là người làm bóng đá nên tôi hiểu, cầu thủ ngoại mạnh hơn cầu thủ nội nhiều. Thời tôi làm việc ở Thanh Hoá, nếu không có Lytovka Mykola, Kizito, Wandwasi Rodgers thì tôi dám đảm bảo chúng tôi xuống hạng lâu rồi. Mykola mà làm thủ môn thì Tấn Trường hay các thủ môn khác hiện tại của Việt Nam thua hết. Trên hàng công lúc còn ở Bình Dương tôi biết, Kesley một năm ghi rất nhiều bàn thắng và còn thường xuyên lui về hỗ trợ. Những trung phong như Anh Đức không thể sánh bằng.

Như cầu thủ trung phong hiện nay của Indonesia (Cristian Gonzalez - PV), dù đã 35 tuổi rồi nhưng anh ta vẫn đá càn quét và rất tốc độ.

Nói chung, tôi nghĩ, nếu trình độ cầu thủ ngoại nhập tịch là 10 thì cầu thủ nội chỉ được 7 phần thôi.

Xem bài 1: Cầu thủ nhập tịch - Trào lưu ở VN và "mốt" ở Đông Nam Á

Chí Tâm (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn