Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước: Ngoài nội lực, cần sự hỗ trợ của chuyên gia

Sản phẩmThứ Tư, 26/07/2023 15:26:44 +07:00
(VTC News) -

Sáng 26/7, chuyên gia từ các tập đoàn lớn đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Ngày 26/7, Hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước: Cơ hội và thách thức” do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, diễn ra với mục tiêu nhìn lại công cuộc chuyển đổi số (CĐS) và chỉ ra những thách thức trong tương lai, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số trong sự phát triển của doanh nghiệp Nhà nước nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, các tập đoàn, doanh nghiệp, những người có nhiều kinh nghiệm, đã đi tiên phong và rất thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông; Viện chiến lược Chuyển đổi số thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam; các tập đoàn chuyên về chuyển đổi số như VNPT, Viettel, FPT, và cả những doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số như Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng đông, đã trình bày các tham luận về những cơ hội và rào cản thách thức, đồng thời đưa ra những đề xuất cũng như giải pháp xung quanh nội dung chuyển đổi sốtrong các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp cho Chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.

Do đó, Hội thảo về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp các doanh nghiệp có thêm các tham vấn từ các chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số, hội thảo cũng góp phần cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới. 

Ông Nguyễn Thành Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Nguyễn Thành Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chia sẻ về các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Thành Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng cao; tích hợp dữ liệu và phân tích thông minh; tạo ra giá trị cho khách hàng; thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống; tăng khả năng kết nối và tương tác; đổi mới liên tục để giữ vững vị thế cạnh tranh.

Ông Tuyên nhấn mạnh, những yếu tố này sẽ trở thành động lực trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi số của xã hội và kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Tuyên cũng cho rằng, hiện nay việc chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư chuyển đổi số lớn, "vấn đề đầu tiên là tiền đâu", bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đã có thói quen kinh doanh, khó thay đổi; thiếu sự cam kết từ lãnh đạo; hay thậm chí có tình trạng "trên chỉ đạo, dưới không nghe, thiếu sự cam kết từ người lao động", thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… Tất cả những yếu tố này đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam cho biết doanh nghiệp nhà nước đang gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số.

Trước hết là thách thức từ hành lang pháp lý. Vì doanh nghiệp nhà nước có những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ, đó là những yếu tố tạo ra những rào cản khiến quá trình chuyển đổi số chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để thành công.

Việc chuyển đổi cách vận hành trong quá trình chuyển đổi số cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn nhưng quá trình ra quyết định đầu tư trong khu vực doanh nghiệp nhà nước rất chậm, qua nhiều cấp khiến việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm trở nên khó khăn.

Chuyển đổi số đòi hỏi cái nhìn toàn cảnh, cách làm tổng thể và chỉ thành công, hiệu quả với với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây lại là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các doanh nghiệp Nhà nước...

Để hóa giải những thách thức trên, Viện Chiến lược chuyển đổi số đã xây dựng và phát triển một chiến lược nền tảng thông qua xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng để chuyển đổi số doanh nghiệp.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của quá trình chuyển đổi số để định hình chiến lược và mô hình phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Chia sẻ trong phiên thảo luận, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi số cần có quyết tâm.

Trong quá trình phát triển kinh tế trong thời đại mới, đặc biệt đối với doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi số, việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà nước là vô cùng quan trọng. Những người đứng đầu doanh nghiệp cần phải có quyết tâm lớn, dám nghĩ dám làm. Đồng thời, Nhà nước bên cạnh việc giám sát quản lý chặt chẽ thì cũng nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, các tập đoàn doanh nghiệp, những người có nhiều kinh nghiệm, đã đi tiên phong và rất thành công trong lĩnh vực CĐS.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, các tập đoàn doanh nghiệp, những người có nhiều kinh nghiệm, đã đi tiên phong và rất thành công trong lĩnh vực CĐS.

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

Để xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số thì không thể không có các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh, mà trong đó doanh nghiệp Nhà nước phải là đầu tầu, dẫn dắt các doanh nghiệp tư nhân và dẫn dắt cả nền kinh tế.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công thì ngoài nỗ lực nội tại, quyết tâm của người đứng đầu thì không thể thiếu sự hỗ trợ, dẫn dắt của những chuyên gia, những doanh nghiệp chuyên về chuyển đổi số.

Phương Thảo
Bình luận
vtcnews.vn