Chuyện chưa kể về nhà văn “Đội gạo lên chùa”

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 01:14:00 +07:00

Sau thành công vang dội của Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và mới nhất là Đội gạo lên chùa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã trở thành một cái tên “hot”...

Sau thành công vang dội của Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và mới nhất là Đội gạo lên chùa (Giải thưởng Hội nhà văn VN và Hội nhà văn HN năm 2011), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - “cha đẻ” của bộ ba trường thiên tiểu thuyết này đã trở thành một cái tên “hot”, một “thương hiệu mạnh” trên văn đàn. Cho dù cuốn nào cũng dày cộp, giá bìa không rẻ và nội dung kiến giải tâm thức – văn hóa người Việt không hề chạy theo thị hiếu dễ dãi của đám đông.

 

 

Nhà văn “best – seller”

Hồ Quý Ly – tác phẩm đầu tiên có cái tên Nguyễn Xuân Khánh trang trọng in trên bìa ra mắt công chúng khi lão nhà văn đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Và ngay lập tức đoạt giải thưởng Hội nhà văn VN năm 2003.  Với những đầu sách thông thường, 1000 bản in là sự lựa chọn an toàn cho các nhà xuất bản, khi những hồi chuông báo động về sự suy giảm văn hóa đọc của công chúng cứ liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng gióng lên đầy khẩn thiết. Vậy mà cứ tằng tằng 2000 cuốn mỗi lần, Hồ Quý Ly đã được tái bản rồi in nối bản tới lần thứ … 15.

Cũng như thế, Mẫu Thượng ngàn “chào đời” sau đó vài năm và “ẵm” luôn Giải thưởng Hội văn học nghệ thuật Hà Nội 2006. NXB Phụ nữ - “bà đỡ mát tay” cho các tác phẩm “dán nhãn” Nguyễn Xuân Khánh cũng đã phải tái bản – nối bản tới 6 lần. Hàng vạn bản sách bìa cứng sang trọng đã đến với công chúng, đó là còn chưa kể tới con số không thể tính đếm bị in lậu bởi vô số đầu nậu luôn thính nhạy đặc biệt với độ nóng và sức hút lan tỏa của từng tác phẩm với thị trường.

Tháng 6/2011, những trang bản thảo Đội gạo lên chùa viết tay cần mẫn suốt bốn năm trời của ông đã có cơ hội “trình làng”, nhận về sự đánh giá rất cao của cả giới học giả phê bình, báo chí lẫn công chúng yêu văn học. Một cuộc tọa đàm về tiểu thuyết đã được tổ chức tại Hội VHNT Hà Nội. Những cuốn Đội gạo lên chùa luôn ngự ở vị trí bắt mắt nhất trên các cửa hàng thuộc phố sách Đinh Lễ. Và chỉ sau khi “xuất xưởng” hai tháng, “nhà” Phụ nữ đã rục rịch tái bản lần thứ Nhất để kịp đáp ứng nhu cầu độc giả.

Khiêm nhường chọn cách đi bên lề dòng chảy của những sự kiện bề nổi của văn giới, thi thoảng lắm mới lặng lẽ đạp xe tới góp mặt trong một đám đông, giải thưởng  -  sự tung hô – thành công - tiếng tăm … hình như không chạm được tới chỗ thẳm sâu nhất trong con người ông. Trong căn phòng nhỏ ba bề bốn bên là sách, vật bất ly thân của lão nhà văn vẫn chỉ là cái bàn thấp nhỏ kiểu Nhật mà ông thường ngồi bệt xuống sàn để cần mẫn mỗi ngày 3-4 tiếng đồng hồ đổ đầy những trang giấy trắng, bằng vốn tri thức đồ sộ cùng sự chiêm nghiệm suốt một đời tích cóp.           

 

 

Ẩn sau con chữ là mặn đắng mồ hôi

Sau Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh trở thành cái tên được báo giới chăm sóc tận tình. Thật khó để liệt kê đã có bao bài viết đăng tải trên báo viết, báo mạng, báo nói và cả báo hình về cây bút đầy sung sức dù tuổi đã bát thập này. Vừa gặp tôi, ông đã tủm tỉm, “cứ tổng hợp chừng đó thông tin trên mạng là thừa đủ viết bài, cần gì phải gặp tôi cho mất công mất việc”.

Nhưng nghe tôi dài dòng, rằng một bạn văn từng ngạc nhiên, “cuộc đời ông Khánh cay đắng, vất vả đến thế mà sao từng trang văn vẫn lấp lánh ánh sáng của tình yêu và lòng nhân hậu. Khổ mà viết văn hay thì dễ hiểu, nhưng khổ mà viết văn vẫn đẹp thì đúng là … sự lạ”. Rằng tôi không muốn viết lại những điều đã cũ mà ông đã chia sẻ trong rất nhiều câu chuyện với phóng viên các báo về nội dung, bút pháp của bộ ba tác phẩm nổi tiếng ấy. Tôi muốn hiểu ông từng khổ sở ra sao, lý do nào giúp ông “khổ nhưng vẫn viết đẹp”. Tôi muốn cảm được vị mặn đắng của những giọt mồ hôi hòa trộn cùng nước mắt, phía sau những con chữ thấm đẫm tình yêu con người và cuộc sống mà ông đã chắt chiu dâng tặng cho đời. Ông lặng lẽ, “có nên không, hay ho gì khi đào xới lại những quá khứ buồn, thôi thì tùy cô”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1932, tại Cổ Nhuế (Từ Liêm - Hà Nội). Tuổi Nhâm Thân vất vả nhưng do được mệnh Kiếm Phong Kim nên dẫu thế nào cũng nên nghiệp lớn. Ấy là nghe sách Tử vi nói vậy, đúng sai đến đâu thật khó phân định.

Yêu văn chương từ nhỏ, ông thú nhận mình là con mọt sách. Những năm tháng tuổi thơ, ông thèm sách tới mức cứ nhìn ngắm cái tủ mất chìa khóa mà ước khi mở ra sẽ có hàng hàng lớp lớp sách truyện bên trong. Giấc mơ ấy lớn tới mức, khi phải nhìn cái tủ rỗng không, nỗi thất vọng cùng cực trong ông trở nên không chịu nổi. Rồi đi bộ đội, rồi “tập tọng” viết văn, truyện ngắn đầu tay đoạt ngay giải Nhì (không có giải Nhất) của Tạp chí Văn. Độc giả hầu như “mù tịt” thông tin về Nguyễn Xuân Khánh trong quãng thời gian “tiền” Hồ Quý Ly, phần đa đều nghĩ ông chỉ may mắn bật lên và khẳng định vị thế khi đời đã về chiều. Không nhiều người hay, ông đã cầm bút từ thập kỷ 50, cùng lứa với những nhà văn con đẻ của thời đại như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Vũ Bão, Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn…

 

Ông đã từng là nhà giáo, rồi nhà báo – biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi phóng viên thường trú báo Thiếu niên Tiền phong ở khu 4. Rồi ông dính “tai nạn nghề nghiệp”, gọi thẳng ra là bị xếp vào “nhóm xét lại văn chương” (dù ông rất tránh dùng cụm từ này trong suốt cuộc chuyện trò với tôi). Nói như ông bạn Văn Chinh,  “điều này không chỉ mình ông, nhiều nhà văn thời đó, do nóng lòng muốn nâng cao chất lượng Người một cách cả tin cũng từng gặp lắm điều bất trắc”.

Rơi vào cảnh “ngồi chơi xơi nước” không được phân công công việc, rồi được gợi ý về hưu non khi tuổi năm mươi còn đang vô cùng sung sức, lại gánh gồng trên vai bài toán cơm áo gạo tiền cho tới bảy miệng ăn  (mẹ già, hai vợ chồng cùng bốn cậu con trai hai năm một đang tuổi ăn tuổi lớn), có lẽ hiếm nhà văn nào phải kinh qua thượng vàng hạ cám các loại nghề như Nguyễn Xuân Khánh.

Danh mục nghề nghiệp “cứ kiếm được đồng tiền, dù rất ít ỏi là nhận” của ông có cả dịch thuật lẫn thợ may, có thợ khóa và chuyên nghiệp đi bán máu, có làm bảo vệ ban đêm lẫn nuôi lợn….

Ông xáo tung mảng hồi ức buồn bằng chất giọng tưng tửng, nhẹ tênh như thể đang kể tôi nghe về cuộc đời một ai đó mà cả hai cùng quen biết. Tôi chỉ biết nghe, nghe mà cứ thấy đắng đót, xót xa trong lòng.

Ông bảo “tôi có nghề thợ may là nhờ cậu em con ông chú truyền cho. Đây vốn là nghề gia truyền của làng Cổ Nhuế quê nội, may tôi sáng dạ, học lỏm rất nhanh nên chẳng mấy chốc đã nhập tâm được kha khá. Từng mặc đồ do tôi “biểu diễn” có cả một danh sách rất nhiều người nổi tiếng, từ Trần Tiến, Dương Tường tới Dương Thụ, Sơn Tùng… Không dừng lại ở việc sửa chữa, may mới quần áo cho hàng xóm, người cùng làng, tôi còn trổ tài sản xuất đồ may sẵn cho bà xã đi bán ngoài chợ Trời. Sáng sáng, vợ vừa khoác trên người vừa vắt trên tay hàng chục sản phẩm, ai mua thì bán. Gặp công an đi bắt con phe thì cắm cổ chạy, gặp lãnh đạo cơ quan đi ngang phải giấu mặt đi. Có những hôm bám theo sau vợ đi tìm hiểu nhu cầu thị trường, tôi còn nghe khối kẻ tán tỉnh bà xã mà cũng đành… ngậm bồ hòn làm ngọt. Ngày ấy, lương sinh viên mới tốt nghiệp khoảng dăm chục đồng, một sản phẩm may mang lại cho tôi vài ba đồng tiền lời là mừng húm. Thế mà tôi cũng gắn bó với cái nghề ấy tới dăm sáu năm, cây kéo viên phấn cũng đã góp phần không nhỏ giúp tôi chèo chống con thuyền gia đình thoát con sóng cả”.

Cũng lại cậu em vẽ đường cho ông đi bán máu. Hai ba tháng bán một lần, tiền được nhận bằng cả tháng lương, lại có thêm ký thịt cân đường tem phiếu để bồi dưỡng, không ăn bán cho dân phe cũng có thêm chút đỉnh tiêu pha. Cái nghề khủng khiếp ấy cũng song hành cùng nhà văn gầy gò cỡ 3-4 năm.

Rồi ông làm bảo vệ ban đêm tại một kho lương thực ngoài trời tập kết tại vườn hoa Pasteur. Vẫn không đủ tiền chi tiêu, ông mày mò gia công ổ khóa. Tiếng xoèn xoẹt hàng đêm phát ra từ căn nhà nhỏ của Bí thư Chi bộ Khối 51 ngày đó đã từng làm dân phố xung quanh nghi ngờ, họ báo công an hình như ông này đang in lậu.

Trong phong trào nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn, ông cũng dành phần lớn diện tích cho dăm bảy chú ỉn. Được tổ làm mì của HTX linh động bán cho chỗ mì rơi vãi để chăn nuôi, lợn xuất chuồng thì chia nhau, việc chăm heo xem ra cũng tàm tạm.

Cay đắng nhất với ông, theo góc nhìn của tôi, chính là thời kỳ một năm phải đi lao động cải tạo. “Năm 1978, người ta xem xét lại toàn bộ những đối tượng bị tai nạn nghề nghiệp như tôi và phát hiện ra cái ông này vẫn chưa hề tham gia lao động cải tạo, chưa hề bị khai trừ khỏi Đảng. Vậy là lệnh đưa ra, tôi phải xuống công trình xây dựng công viên Thủ Lệ để làm việc. Cũng có ý kiến thương tình, muốn giao cho tôi chân thợ hàn thợ xây gì đó mà không được. Người ta yêu cầu phải lao động chân tay vất vả thực sự kia. Vậy là tôi được điều về nhóm bốc vác, gồm toàn dân trộm cắp, lưu manh, đĩ điếm. Lạ là đám người ấy lại rất yêu quý tôi, tình cảm của họ giúp những tháng ngày cải tạo của tôi vơi bớt nặng nề”.

 

 

Ðược sinh ra trong cõi đời này cũng đã là một niềm hạnh phúc

Ông không buồn, vì đời mình đã phải kinh qua những nghề nặng nhọc nhất, trong những tháng ngày tủi cực nhất. Ông cười nhẹ, “nghề nào kiếm được ra tiền bằng bàn tay lương thiện đều cao quý như nhau. Tôi luôn cảm ơn những ngày tháng ấy, những trải nghiệm ấy, những giọt mồ hôi và cả nước mắt ấy. Tất cả đã giúp tôi có một bề dày vốn sống vô giá để viết lách, hun đúc cho tôi một ý chí để vượt lên”.  

Ý chí vươn lên ấy luôn cháy bỏng trong ông, khi trong suốt những tháng ngày khổ đau, vất vả ấy, ông vẫn không ngừng học, không ngừng đọc, không ngừng tích lũy vốn hiểu biết về văn hóa, triết học, phong tục tập quán làng xã Việt khổng lồ. Những đạo Mẫu, đạo Phật, những chính sách cải cách canh tân của vị vua họ Hồ mà ông gửi gắm trong các tác phẩm sau này đều có nguồn gốc từ đó.

Ý chí ấy cũng giúp ông đi qua những ngày bị treo bút, cặm cụi dịch tài liệu cho Viện thông tin nhưng cũng phải mượn tên bạn bè ký bên dưới để lĩnh đồng nhuận bút còm cõi. Mấy năm rau cám nuôi lợn, ông vừa nghiên cứu Kinh Dịch vừa viết Trư cuồng. Miền hoang tưởng chấp bút từ năm 1971 nhưng phải chờ đến tận 1990 mới có thể ra mắt bạn đọc, tiếc là vẫn phải đứng bằng bút danh Đào Nguyễn (ghép họ của hai bên nội ngoại).

Ông bảo, sách văn chương đã đành, ngày viết cuốn biên khảo George Sand – Nhà văn của tình yêu, chỉ vì ông quyết ký tên thật mà tuy NXB Hà Nội đã đồng ý cho in nhưng bên công an vẫn yêu cầu dừng lại. Phải nhờ tới thái độ quyết liệt đầy dũng cảm của Giám đốc NXB Phụ nữ, ông mới được hưởng hạnh phúc lớn lao khi được “trả lại tên” trên tác phẩm của chính mình, khi đó đã là năm 2000. 

Lý giải tình yêu đời, yêu người luôn thấm đẫm những trang viết, dù những va đập nghiệt ngã của số phận dễ biến ánh mắt nhìn của con người trở nên hằn học, uất ức, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói giản dị. “Từ những năm 60, tôi đã nghiên cứu giáo lý nhà Phật. Tôi hiểu mọi hệ lụy rồi cũng sẽ qua, cứ thấm lời răn từ bi hỉ xả, biết khoan dung vị tha thì việc dữ rồi cũng sẽ hóa lành. Vả lại, tôi cứ nghĩ đơn giản thế này, con người được sinh ra trong cõi đời này đã là niềm hạnh phúc. Và hãy luôn cố gắng giúp cõi đời ấy ngày một đẹp lên, ấy là hạnh phúc đã được nhân đôi”.   

   “Tôi rất mê ánh sáng của con đom đóm. Mỗi con người đều có phần Phật tính trong mình, giống như ánh sáng của con đom đóm, không phải do Thượng đế ban cho mình mà con người tự tỏa sáng, ánh sáng từ bên trong”. Bằng nỗ lực lao động miệt mài, bằng những tác phẩm giá trị để lại cho đời sau, tôi chắc “ánh sáng từ bên trong” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sẽ không bao giờ tắt.

 

Cúc Phương


Bình luận
vtcnews.vn