Chuyện chưa biết về vụ doanh nhân tù oan được đền bù 23 tỷ đồng

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 12/08/2015 06:32:00 +07:00

Ông Lương Ngọc Phi đã được bồi thường 23,5 tỷ đồng bù đắp cho những mất mát mà ông, doanh nghiệp và gia đình phải gánh chịu.

(VTC News) - Ông Lương Ngọc Phi đã được bồi thường 23,5 tỷ đồng bù đắp cho những mất mát mà ông, doanh nghiệp và gia đình phải gánh chịu.


Kỳ 1: Ý tưởng làm giàu cho quê hương khiến doanh nhân vào tù


Ngày 10/8/2015, là ngày trọng đại trong đời doanh nhân Lương Ngọc Phi (Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình, trụ sở số 463 Lý Thái Tổ, phường Quang Trung, TP.Thái Bình), bởi đó là ngày TAND TP.Thái Bình chính thức tuyên án đối với vụ án oan gây chấn động dư luận không chỉ quê lúa, mà với doanh nhân cả nước. Theo đó, nạn nhân trong vụ án oan kinh tế, ông Lương Ngọc Phi, đã được bồi thường 22,9 tỷ đồng bù đắp cho những mất mát mà ông, doanh nghiệp và gia đình phải gánh chịu.

Mấy năm trước, cũng trong một phiên tòa khác, ông đã được bồi thường hơn 600 triệu đồng tổn thất tinh thần, sức khỏe, cho 3 năm ngồi tù oan sai. Tổng cộng, ông Phi được bồi thường 23,5 tỷ đồng.

Mặc dù ông Phi đòi bồi thường 64 tỷ đồng, nhưng khi tòa tuyên mức đền bù gần 23 tỷ, ông Phi đã chấp nhận con số đó.

Đó là con số khổng lồ trong suy nghĩ của mọi người. Nhưng ít ai biết rằng, để đòi được mức bồi thường đó, ông Phi đã phải chiến đấu hết sức kiên cường và tổn thất về vật chất và tinh thần là không thể đo đếm được.

Một doanh nghiệp lớn ở Thái Bình đã bị đóng cửa, bị sạt nghiệp bởi sự tắc trách, vô ý thức của những người cầm cân nảy mực.

VTC News nhắc lại câu chuyện này, như một bài học đắt giá về việc điều tra, xét xử, về việc về hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

TAND TP. Thái Bình tuyên đền bù cho ông Phi 22,9 tỷ đồng
TAND TP. Thái Bình tuyên đền bù cho ông Phi 22,9 tỷ đồng. Ảnh: Tiến Chính 

Ngày 13-6-2006, TAND tỉnh Thái Bình đã chính thức tổ chức buổi xin lỗi doanh nhân Lương Ngọc Phi, Giám đốc Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hoà Bình (Thái Bình) vì đã kết oán oan sai ông Phi hai tội danh: lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và trốn thuế. Hậu quả của sự tắc trách trong điều tra, xét xử của các cơ quan công quyền đã khiến ông Phi lâm vào vòng lao lý, doanh nghiệp hàng đầu Thái Bình phá sản hoàn toàn.
Thành lập năm 1992, Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (sau đây viết tắt là Cty Hòa Bình), do ông Lương Ngọc Phi làm giám đốc đã trở thành một trong số ít công ty lớn nhất Thái Bình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.


Là người sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc huyện Kiến Xương, ông Phi luôn nung nấu làm được một việc gì đó thật lớn, thật có ý nghĩa cho quê hương, do vậy ông đã tập hợp được thêm 10 cổ đông nữa cùng góp vốn để thành lập nên công ty và mục đích hoạt động là kích thích ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển.

Để làm được điều đó, ông Lương Ngọc Phi đã thay mặt công ty viết dự án có tên "Sản xuất nông sản xuất khẩu kê hạt - vừng đen 1996 -2001".

Với những nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đầu ra sản phẩm... cùng những ý định rất tốt đẹp, rất tâm huyết với quê hương thể hiện trong dự án, cá nhân ông Phi cùng Cty được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các lãnh đạo trong tỉnh Thái Bình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Duy Tảo khi đó đã làm công văn gửi đến các huyện, các ngành trong tỉnh, yêu cầu giúp đỡ để Cty Hòa Bình triển khai dự án trên.

Nhận thấy dự án của ông Phi có hiệu quả và đúng chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh nên Ngân hàng Công thương Thái Bình đã cho Cty Hoà Bình vay tổng số tiền gần 5,5 tỉ đồng.

Có tiền, Cty ký hàng loạt hợp đồng xuất khẩu mặt hàng hạt kê vàng, vừng đen sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Phi và vợ. Ảnh: Tiến Chính
Ông Phi và vợ. Ảnh: Tiến Chính 

Để triển khai dự án và có hàng cung ứng cho đối tác, Cty đã đầu tư vốn cho hàng ngàn hộ nông dân của 27 HTX trong địa bàn 4 huyện để trồng hai sản phẩm nông sản nói trên.

Bước đầu dự án rất hiệu quả nên đến năm 1998, Cty đã triển khai được cả một vùng đất trồng nguyên liệu rộng hơn 700ha.

Tham vọng của ông giám đốc Phi cũng như các cổ đông trong Cty là biến phần lớn diện tích trồng lúa, hoa màu kém năng suất trên địa bàn tỉnh thành các vùng trọng điểm trồng vừng đen, kê vàng, là thứ hàng xuất khẩu rất có giá trị.

Làm được điều đó, không những Cty sẽ lớn mạnh nhanh chóng mà người nông dân của vùng quê lúa chân lấm tay bùn cũng có thu nhập, thậm chí giàu lên.

Trong quá trình chờ các vùng nguyên liệu đến ngày thu hoạch, để đồng vốn vay ngân hàng không bị ứ đọng, cũng là để có thêm nguồn hàng xuất khẩu, ông Phi lần vào các tỉnh phía Nam thu mua hạt ý dĩ và ông đã xuất khẩu được 105 tấn hàng. Còn 370 tấn hạt ý dĩ đủ tiêu chuẩn đang nằm chờ trong kho để tiếp tục xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết với phía Nhật Bản.

Ông Phi trò chuyện với tác giả
Ông Phi trò chuyện với tác giả 

Trong quá trình kinh doanh, do bị một số đối tác chậm thanh toán nên Cty Hoà Bình gặp khó khăn và đã phát sinh nợ quá hạn đối với Ngân hàng Công thương Thái Bình số tiền 5,5 tỉ đồng.

Là một doanh nhân làm ăn chân chính, không hề có ý đồ quỵt nợ, hơn nữa ông Phi xác định chắc chắn sẽ trả được nợ ngân hàng khi thanh lý các hợp đồng, nên ông Phi đã thay mặt Cty làm văn bản cam kết sẽ trả hết nợ cho ngân hàng sau khi thu hoạch vụ kê vàng, vừng đen trong năm 1998 và xuất nốt lô hàng trong kho.

Ngân hàng đã cử cán bộ đi xác minh và xác định số tài sản của Cty Hòa Bình lớn hơn nhiều so với số nợ ngân hàng, vả lại Cty vẫn đang hoạt động bình thường, chưa mất khả năng thanh toán và việc Cty cam kết trả nợ vào thời điểm cuối năm 1998 là hoàn toàn có thể.

Việc làm ăn của Cty Hòa Bình đang suôn sẻ thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can giám đốc Lương Ngọc Phi về tội: "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".

Ngày 1-5-1998, ông Phi bị bắt khẩn cấp và đến ngày 6-7-1998, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục khởi tố ông Phi thêm tội "trốn thuế".

Trụ sở công ty của ông Phi
Trụ sở công ty của ông Phi 

Mặc dù vụ án còn đang điều tra, nhưng công an đã phát mại hàng loạt tài sản bị kê biên của Cty gồm 20 tấn kê giống, 1 tấn vừng, 10 tấn kê xuất khẩu trị giá 1,4 tỉ đồng, nhưng chỉ được hội đồng định giá bán hơn 28 triệu đồng; lô hàng ý dĩ 290 tấn trị giá hơn 2 tỷ, nhưng chỉ phát mại được 300 triệu đồng; chiếc xe ô tô vừa mua xong của ông Phi trị giá 25.000USD bị bán với giá rất vô lý là 120 triệu đồng.

Với những "tội danh" trên, ông Phi đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và 3 năm tù tội trốn thuế. Tổng mức hình phạt mà ông Phi phải chấp hành là 17 năm tù và buộc ông phải bồi hoàn số tiền 475 triệu đồng tiền "trốn thuế".

Thế là từ một doanh nhân thành đạt, đang điều hành một công ty có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ, là chỗ dự tin cậy của hàng ngàn nông dân, ông Phi đã trở thành tù nhân và bị trắng tay.

Điều đau xót hơn nữa là các cơ quan công quyền đã vô căn cứ thu hồi con dấu và các giấy tờ pháp nhân của Cty Hòa Bình do vậy Cty bị không hoạt động được và lâm vào cảnh bị phá sản hoàn toàn.

Khi ông Phi đang chấp hành hình phạt tù thì ngày 26-4-2000, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã xử phúc thẩm vụ án nói trên.

Sau khi xem xét, nghiên cứu hồ sơ, Hội đồng xét xử đã kết luận: "Việc ông Phi chưa trả tiền cho Nhà nước là do các nguyên nhân khách quan, các nguyên nhân này là có thật và chính đáng. Do đó, hành vi của ông Phi không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Số tiền ông Phi còn nợ ngân hàng, trách nhiệm của ông Phi cùng với Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình phải thanh toán, nhưng đó chỉ là trách nhiệm dân sự".

Còn với tội "trốn thuế", TAND Tối cao trả hồ sơ về Tòa án tỉnh Thái Bình để "giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra".

Tuy nhiên, các cơ quan công quyền của Thái Bình vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm bằng cách "bới bèo tìm bọ" để "moi" bằng được tội lỗi của ông Phi.

Tuy nhiên, với 2 lần TAND Tối cao trả lại hồ sơ, Công an Thái Bình đã phải vào cuộc thực sự và ra bản kết luận chính xác: "Cty Hòa Bình chỉ thiếu 4,8 triệu đồng tiền thuế".

Điều đặc biệt là công an cũng làm rõ được hành vi biển thủ tờ hóa đơn thuế số 001692 của kiểm sát viên Viện Kiểm sát tỉnh Thái Bình Đặng Đình Liêm nhằm ép ông Phi có tội để truy tố bằng được.

"Những bàn tay đen" không thể che được bầu trời công lý, do đó, ngày 12-12-2003, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình đã phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Phi về tội trốn thuế.

Như vậy, ông Phi đã được minh oan sau 1.066 ngày ngồi tù và trong tình trạng mất sạch tài sản.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn