Chuyện chưa biết về ca khúc Chiến thắng Điện Biên

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 07/05/2014 07:12:00 +07:00

(VTC News) - Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhớ lại những hồi ức của cha mình – nhạc sỹ Đỗ Nhuận thuở âm vang Chiến thắng Điện Biên.

(VTC News) -  Những ngày cả nước hướng về Tây Bắc, nghe lại những giai điệu hào hùng của Chiến thắng Điện Biên, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân bồi hồi khi nhớ về những hồi ức của cha mình, nhạc sỹ Đỗ Nhuận.


Nhạc sỹ Đỗ Nhuận 

Đỗ Nhuận trưởng thành từ một chiến sỹ Điện Biên, những sáng tác ở đỉnh cao sự nghiệp của ông cũng ra đời trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt ấy, đặc biệt là chùm ba ca khúc Hành quân xa, Trên đồi Him Lam Chiến thắng Điện Biên.


Trong hồi ký, nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã viết về những cảm xúc khi viết nên những ca từ của Chiến thắng Điện Biên – Một bài hát được sinh ra ngay trong đêm trận chiến cuối cùng kết thúc.

Ông có viết: Ngày 7/5/1954, chúng tôi đang cuốc, đang rải đá thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận qua, reo to ‘Mường Thanh địch hàng rồi, giải phóng Điện Biên rồi’. Người tôi gai lên, tất cả đoàn dân công ngừng tay cuốc, nhảy lên hò reo mừng chiến thắng.

Suốt đêm hôm đó tôi ngồi viết bên nhà sàn đỏ lửa, có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng anh em, tôi vừa viết vừa bóc sắn ăn, Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui, lời bài hát được viết ngay trong đêm đó.

Anh em, đồng nghiệp sau khi nghe giai điệu âm vang hào hùng đó, vừa thấy không khí nô nức chiến thắng, vừa thấy giai điệu thân quen. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận có nói ông lấy từ xuất xứ của làn điệu chèo Sắp qua cầu  để đưa vào đoạn đầu của bài hát.


‘Kết thúc công việc hoàn thành bài hát, trong ngày vui chiến thắng được tổ chức ở bãi đất rộng, gần cánh rừng Mường Phăng, tôi đã được Bộ Tổng tư lệnh, do đích thân đại tướng Võ Nguyên giáp trao tặng huân chương chiến công hạng 2, và bài hát được hát lên luôn trong lễ mừng chiến thắng.

Trong ngày chiến thắng, chúng tôi hào hứng cùng anh em bộ đội pháo binh hát vang những lời ca Chiến thắng Điện Biên – nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết trong hồi ký.
đỗ nhuận
Niềm vui trong ngày chiến thắng 
Ngay sau khi bài hát  Chiến thắng Điện Biên ra đời, Đài tiếng nói Việt Nam đã chọn giai điệu này để mở đầu cho buổi phát thanh hàng ngày vào lúc 5h sáng, cho đến tận bây giờ.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân không giấu được niềm tự hào: Bài Chiến thắng Điện Biên ngoài việc hát tập thể, hát hợp xướng còn được dàn nhạc trình bày với nhiều hình thức, từ dàn nhạc kèn đến dàn nhạc giao hưởng.  Ca khúc là sự kết hợp tài tình giữa dân ca đồng bằng Bắc Bộ với những nét âm nhạc của dân tộc Tây Bắc.

Năm 2000, một dàn nhạc kèn của thành phố Hannover – Đức đã đến Việt Nam và biểu diễn Chiến thắng Điện Biên với tiêu đề Giai điệu chiến thắng. Để thấy, sức lan tỏa của bài hát, của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với bạn bè thế giới.

Trong chùm ca khúc sáng tác về Điện Biên Phủ, còn nổi bật lên bài Hành quân xa, được người chiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Nhuận sáng tác trên đường hành quân lên Điện Biên.

đỗ hồng quân
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân 
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhớ lại hồi ký của cha mình:


Lúc đó ông là chiến sỹ thuộc đại đội 267, đại đoàn 308. Trên đường hành quân lên chiến dịch mà mọi người vẫn quen với tên gọi Trần Đình, các chiến sỹ thắc mắc, không biết quân ta đã nghi binh lên Nghĩa Lộ hay quặt về đồng bằng? Bỗng nhiên, có một anh lính phía trước nói: Đã là lính, đâu có giặc là ta cứ đi.

Câu nói đó đã lóe lên như tia chớp trong tôi. Đúng lúc đó, một chị y tá đề nghị các chiến sỹ bảo vệ đôi chân để rèn luyện cho ngày hôm sau, tôi vội vàng lấy giấy bút ra viết: Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ, vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi…’.

Chỉ với 4 câu ngắn gọn, bài hát ngay lập tức lan tỏa, đến với các chiến sỹ, đồng bào, dân công. Có rất nhiều người đặt lời khác trên nền giai điệu hào sảng, dễ nhớ và dễ thuộc này.

Còn bài thứ ba trong chùm ba ca khúc nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết là Trên đồi Him Lam, bài hát mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954.

Đó là ngày mà anh em chiến sỹ nhận được tin anh Phan Đình Giót anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên. Trước khi đi,  anh Phan Đình Giót có nói sẽ mang quà cho về văn công, bộ đội, rồi mang theo một cán cờ dài, cuộn lại.

Him Lam đánh lớn, pháo cao xạ bắt đầu hoạt động trên đồi, thì cũng là anh em bị thương được đưa về, những nụ cười nở trên gương mặt bê bết máu mà không ai cầm nổi nước mắt.

‘Trận chiến thắng oanh liệt mở đầu bằng con đường máu đã thôi thúc tôi sáng tác:

Hôm qua đánh trận Điện Biên, chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào…’


3 ca khúc gắn với những năm tháng đạn bom ác liệt 60 năm về trước, đã trở thành những giai điệu bất tử và hào hùng về một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng anh dũng của dân tộc.

Nhớ về Đỗ Nhuận và những âm vang thuở nào, nhạc sỹ Đỗ Nhuận chia sẻ:

'Bản thân tôi cũng là người phối khí hai lần, chuyển đổi tác phẩm này thành nhạc khí, cho dàn nhạc kèn của thành phố Hannover, Đức khi họ đến Việt Nam vào năm 1998. Và năm 2000 dàn nhạc này đã biểu diễn tác phẩm tôi phối khí tại chính thành phố Hannover,  Đức.

Tôi còn nhớ sau này, xúc động nhất là khi giai điệu của Chiến thắng Điện Biên được sử dụng trong bộ phim Hoa ban đỏ của cố NSND Bạch Diệp.

Trên nền nhạc của bài Chiến thắng Điện Biên, là cảnh từng đoàn quân hân hoan trong niềm vui chiến thắng, hết sức xúc động.

Chiến thắng Điện Biên không còn là cảm xúc của một cá nhân, mà trở thành ký ức đẹp mỗi lần nhắc tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

60 năm trôi qua, những ca khúc của thời kỳ ấy vẫn vang lên khắp mọi nẻo đường góc phố, gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm, cảm xúc về một thế hệ những người chiến sỹ, nhạc sỹ cách mạng  cùng hành quân ra trận. Họ gặp nhau trên những trận tuyến ác liệt nhất, khi đất nước đánh thù.

Với cá nhân tôi, nhạc sỹ Đỗ Nhuận không chỉ là một người cha, còn là một người thầy, một tấm gương về sự vươn lên không ngừng nghỉ trong sáng tạo.

Những ngày này, cả nước hướng về Tây Bắc, nhớ ông, bồi hồi nghe lại âm vang Chiến thắng Điện Biên.

An Yên(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn