Tin nóng

Chủ tịch tỉnh Bình Định: Gang thép Long Sơn sẽ không có sự cố như Formosa

Thứ Sáu, 19/05/2023 12:35:00 +07:00

(VTC News) - Đó là khẳng định của người đứng đầu tỉnh Bình Định trước những lo ngại của người dân về vấn đề môi trường từ siêu dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về các vấn đề liên quan đến siêu dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn với tổng số vốn đầu tư 63.000 tỷ đồng.

- Xin ông cho biết lý do chấp thuận chủ trương để Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn)?

Với nhiệm vụ để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, tỉnh Bình Định phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 (giá so sánh 2010) đạt 74.600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 9,2%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt trên 6 tỷ USD; Trong đó, phấn đấu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) kể cả các KCN trong Khu kinh tế chiếm trên 50%.

Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công nghiệp, dự án nhà máy sản xuất thép được đưa vào danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 và đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch tỉnh Bình Định: Gang thép Long Sơn sẽ không có sự cố như Formosa - 1

Phối cảnh siêu dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại tôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định.

Sau quá trình nghiên cứu, nhà đầu tư đánh giá vị trí tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) hội tụ nhiều ưu điểm cho việc đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép. Đồng thời, nhà đầu tư (NĐT) đang đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn với diện tích 496,9 ha, vốn đầu tư 10.500 tỷ đồng; Quy mô, công suất: 30 - 35 triệu tấn/năm, bề rộng luồng 230m; cỡ tàu cập bến đến 250.000 tấn.

Về mặt kinh tế đây là dự án tốt, ước tính nộp ngân sách hàng năm ở giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng, ở giai đoạn sản xuất khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP khoảng 20.524 tỷ đồng tính cho cả 3 giai đoạn, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thị xã Hoài Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Tỉnh muốn phát triển thì phải có một số dự án lớn dẫn dắt, Khu liên hợp Gang thép Long Sơn là một trong những dự án lớn để tạo cú hích về chỉ số thu ngân sách, ngoài ra dự án khi triển khai sẽ kéo theo nhiều dự án nhỏ, doanh nghiệp về làm công nghiệp, dịch vụ phụ trợ logistics, tạo công ăn việc làm và cũng thu về ngân sách rất lớn cho địa phương; đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa khu vực, vì nhân công, người dân, các doanh nghiệp phụ trợ đi kèm… sẽ tập trung về đó.

Bên cạnh đó, dịch vụ sẽ phát triển, đặc biệt là về dịch vụ logistics cũng phát triển được vì trong dự án có cảng chuyên dụng cho nhà máy thép, sau này có thể trở thành cảng dịch vụ (nếu có nhu cầu) vì đây là cảng lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 10.500 tỷ đồng cho 13 bến cảng và có thể tiếp nhận được tàu 250.000 tấn vào làm hàng.

Khi cả 2 dự án đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Dự án cũng giải quyết được số lượng lớn lao động tại địa phương: Tạo việc làm cho khoảng 7.500 – 8.000 người khi Khu liên hợp Gang thép Long Sơn hoàn thành cả 3 giai đoạn đầu tư.

- Tỉnh đã có đánh giá thế nào về tác động của dự án này với môi trường khi đi vào hoạt động, thưa ông?

Công nghệ sản xuất thép là công nghệ chung của thế giới chứ không phải của riêng quốc gia nào, cũng giống như công nghệ ô tô... Khi triển khai vận hành nhà máy sản xuất thép này thì việc lặp lại như Formosa chắc chắn sẽ không xảy ra. Vì toàn bộ nước thải đều tuần hoàn, nhưng kiểu gì cũng có tác động tới môi trường. Xây dựng khách sạn hay khu resort cũng đều ảnh hưởng môi trường cả, vấn đề là hạn chế tối đa, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra.

Về ô nhiễm môi trường thì làm bất cứ một cái gì cũng đều ảnh hưởng tới môi trường, chỉ là mức độ như thế nào thôi. Bài toán môi trường đối với dự án thép là bài toán quan trọng nhất. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng rất quan tâm vấn đề này và sẽ làm rất kỹ. Nếu như các bộ, ngành thông qua thì chắc chắn tỉnh sẽ ủng hộ dự án này.

Chủ tịch tỉnh Bình Định: Gang thép Long Sơn sẽ không có sự cố như Formosa - 2

Một góc biển Lộ Diêu, nơi thực hiện xây dựng dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

- Với một dự án lớn, điều quan trọng là lấy ý kiến cộng đồng một cách rộng rãi, khách quan và minh bạch. Việc lấy ý kiến cộng đồng được thực hiện ở dự án này ra sao, thưa ông?

Khi thực hiện dự án này phải di dời toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu về vị trí khác, chắc chắn sẽ thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt sản xuất của người dân tại khu vực. Do đó, cần phải có sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân thôn Lộ Diêu thì dự án mới đảm bảo tính khả thi.

Bởi vậy, việc tham vấn ý kiến cộng đồng là việc quan trọng và làm đầu tiên, làm một cách căn cơ bài bản và phải làm một cách rộng rãi, khách quan và minh bạch.

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền; các chính sách hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định định cư, an sinh xã hội; kế hoạch tuyên truyền; tập huấn, thành lập Tổ tuyên tuyền tại địa phương… đảm bảo các điều kiện để tổ chức công bố dự án, tham vấn ý kiến cộng đồng rộng rãi, dự kiến được thực hiện trong tháng 5/2023 này.

Chủ tịch tỉnh Bình Định: Gang thép Long Sơn sẽ không có sự cố như Formosa - 3

Làng chài nhỏ trên biển của người dân thôn Lộ Diêu.

Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế xã hội. Tôi khẳng định việc lặp lại như Formosa chắc chắn sẽ không xảy ra.

Dự án bây giờ mới chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, còn nhiều giai đoạn kiểm tra, khảo sát, trình đề án lên Chính phủ, các bộ ban ngành Trung ương thẩm định phê duyệt.  

Dự án chỉ được triển khai xây dựng khi đáp ứng đầy đủ các thủ tục đầu tư, được Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định về công nghệ và thiết bị; Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt dự án, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển đổi đất rừng…; các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan chấp thuận và được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành xây dựng, phải được các Bộ/Ban nghành kiểm tra, phê duyệt các hệ thống bảo vệ môi trường, đảm bảo theo quy định mới được đi vào vận hành sản xuất.

Thép là ảnh hưởng đến môi trường tuy nhiên sự ảnh hưởng đó vẫn nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta, ngoài kiểm soát chính là của tỉnh còn có chuyên gia Bộ TN&MT, các cơ quan của Trung ương và Chính phủ. Dự án mang tầm quốc gia chứ không phải cho riêng tỉnh Bình Định.

- Bình Định lấy phát triển du lịch làm trọng điểm, vậy việc xây dựng dự án như thế này có ảnh hưởng đến du lịch không, thưa ông?

Bình Định xác định có 3 đột phá và 5 trụ cột cho nên không tập trung vào một lĩnh vực nào cả. Du lịch là 1 trong 5 trụ cột đó bao gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía bắc tỉnh làm các khâu đột phá.

Bình Định có 134 km đường biển, Lộ Diêu có đường bờ biển 4 km thì không đáng kể gì. Chúng ta vẫn còn 130 km đường biển nữa, làm đến đâu chắc đến đấy, chưa làm hết thì con cháu làm.

Cho nên còn rất nhiều chỗ, khu vực để phát triển du lịch chứ không riêng gì Lộ Diêu mà chúng tôi đang triển khai. Vì thế 4 km hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều, thậm chí là không ảnh hưởng đến du lịch.

Chủ tịch tỉnh Bình Định: Gang thép Long Sơn sẽ không có sự cố như Formosa - 4

 

Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế xã hội. Tôi khẳng định việc lặp lại như Formosa chắc chắn sẽ không xảy ra.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

- Với các dự án dễ gây tác động tới môi trường, nếu nhà đầu tư vi phạm cam kết môi trường, sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

Nói về môi trường thì làm bất cứ một cái gì cũng đều ảnh hưởng tới môi trường, chỉ là mức độ như thế nào thôi. Bài toán môi trường đối với dự án thép là bài toán quan trọng nhất. Bộ TN&MT cũng rất quan tâm vấn đề này và sẽ làm rất kỹ.

Dự án có thể hoàn toàn bị huỷ giống như dự án lọc dầu nếu như không đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi và người chịu thiệt đầu tiên sẽ là tỉnh. Bất cứ dự án nào cũng hoàn toàn có rủi ro, không có dự án nào đúng 100% cả. Chỉ là tỉnh sẽ bị mất cơ hội nếu lựa chọn dự án tốt hơn. Dự án này khả thi hơn dự án lọc dầu, dự án điện hạt nhân vì ít ảnh hưởng đến môi trường.

Cẩn thận ngay từ những bước đầu tiên thì rủi ro sẽ rất thấp.

Nhà nước làm bất cứ việc gì theo pháp luật quy định, doanh nghiệp và người dân làm những gì mà pháp luật không cấm. Với nhà đầu tư, chúng tôi quan tâm đó là: Năng lực tài chính được chứng minh bằng con số cụ thể, vấn đề về công nghệ có đủ hiện đại, có đạt các tiêu chuẩn về môi trường, có cam kết thực hiện không.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là thu hút đầu tư, nhưng không bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế xã hội. Nhà đầu tư vi phạm cam kết về môi trường sẽ xử lý theo quy định.

Nguyễn Gia- An Yên
Bình luận
vtcnews.vn