Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Bảo thủ duy trì xe máy, Hà Nội chỉ là thành phố an toàn khi ngủ

Thời sựThứ Bảy, 02/07/2016 12:40:00 +07:00

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc người dân bảo thủ duy trì xe máy không những ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn nguy hiểm đến tính mạng con người.

Liên quan đến dự thảo của Thành ủy Hà Nội định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Ông Liên cho biết, Hiệp hội Vận tải Hà Nội ủng hộ việc hạn chế và cấm xe máy từ năm 2025. Bản thân ông Liên cũng mong lãnh đạo Hà Nội quyết tâm thực hiện đúng theo lộ trình.

- Quan điểm của ông thế nào về dự thảo cấm xe máy trong khu vực nội đô từ năm 2025 của Hà Nội?

Việc cấm xe máy hay hạn chế phương tiện cá nhân trong địa bàn thành phố lớn là đúng với lộ trình của các thành phố văn minh, hiện đại. Chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để chống ùn tắc giao thông, nhưng thực hiện không có hiệu quả. Ví dụ như phân luồng giao thông, đặt giải phân cách cứng…

Cho đến giờ phút này có thể nói, người dân đã quá khốn khổ, thấy quá sức chịu đựng do ùn tắc giao thông. Nó không những ảnh hưởng đến kinh tế xã hội nói chung, đời sống dân sinh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường, và người đi xe máy là người trực tiếp chịu hậu quả.

tham-hoa-tac-duong-viet-nam-len-bao-nuoc-ngoai-0

 Đường phố bát nháo, chật kín xe máy giờ cao điểm.

Bạn thử quan sát xem ở Hà Nội ra đường có ai không đeo khẩu trang không? Không khí quá là ô nhiễm.

Giao thông Hà Nội thì thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm, người đi xe máy phải đội mưa đội nắng hàng tiếng đồng hồ. Hạn chế của xe máy thì có nói cả ngày cũng không hết và ai cũng biết điều đó.

Việc Hà Nội hạn chế và cấm xe cá nhân từ năm 2025 Hiệp hội Vận tải Hà Nội ủng hộ.

Vì lần này, Hà Nội đưa ra là có lộ trình 10 năm để thực hiện, để người dân lựa chọn, các chuyên gia, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

Bản thân là người dân, tôi mong lãnh đạo Hà Nội quyết tâm thực hiện cấm xe máy.

- Liệu thời gian 10 năm có đủ để Hà Nội thực hiện các công trình giao thông như mở rộng đường, tìm kiếm phương tiện thay thế, xây dựng hạ tầng?

Có nhiều thông tin cho rằng, Hà Nội đưa ra lộ trình thì đã chuẩn bị các phương án, tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa công bố.

Nếu có thể hạn chế và đi đến triệt tiêu xe máy thì cần phải có phương tiện thay thế. Hiện nay Hà Nội đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện quy hoạch thành phố Hà Nội, trong đó có hệ thống giao thông gồm tàu điện trên cao và tàu điện ngầm. Bình quân, cứ 700m sẽ có 1 lối lên xuống ga tàu điện trên cao hoặc ngầm.

Những thông tin về phương án thay thế xe máy như vậy Hà Nội phải công khai, tuyên truyền cho dân biết, phải để họ hiểu rằng đây không phải là mệnh lệnh hành chính mà là vấn đề thay thế xe máy bằng một phương tiện tốt hơn, ưu việt, an toàn hơn.

Nếu thành phố quyết tâm trong chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quá trình thi công vận hành, tiến độ các dự án thì thời gian 10 năm là đủ.

Thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) còn nhiều xe máy hơn Việt Nam, nhưng họ vẫn thực hiện cấm xe máy được trong 10 năm.

- Ông có nghĩ nhiều người dân sẽ phản ứng về dự thảo cấm xe máy?

Tôi cho rằng cái gì mới cũng có phản ứng đa chiều, đến thời điểm này khi nói đến 10 năm nữa hạn chế xe máy sẽ có 2 luồng tư tưởng:

Một là, cấm thì đi làm bằng gì?

Luồng có cái nhìn tiến bộ hơn, dài hơi hơn thì thấy đó không phải là mệnh lệnh hành chính mà là giải pháp.

Đến lúc này có lẽ người dân tự cảm thấy không còn muốn đi xe máy nữa vì những hạn chế của nó. Nhưng để cấm được thì phải có giải pháp tổng thể giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân. Phải phát triển giao thông công cộng, xe buýt, xe buýt nhanh, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm…

- Lý do nào khiến ông ủng hộ việc cấm xe máy ở Hà Nội?

Xe máy thì đã quá thân thuộc với người dân Việt Nam, đến mức ăn sâu vào tiềm thức. Thậm chí ở nước ta, xe máy quen thuộc với người dân tới mức có thể gọi nó là “văn hóa xe máy”. Nó ảnh hưởng đến cả tính cách, thói quen giao thông, văn hóa giao thông của người dân.

Thanh niên Hà Nội đi 100m cũng xe máy, ở nước ngoài họ đi bộ nhiều, vừa đi vừa chạy. Vì họ sống, làm việc theo tác phong công nghiệp, ăn, làm việc đúng giờ.

Tôi thấy không phải riêng Hà Nội, mà cả nước văn hóa giao thông xe máy kém, người ta chưa xác định

 
Nếu người dân bảo thủ, duy trì xe máy thì sẽ ảnh hưởng không chỉ đến xã hội – kinh tế mà nguy hiểm đến tính mạng con người.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

được tính mạng con người là quý nhất, coi thường luật lệ. Tuyên truyền mãi nhưng không thay đổi. Văn hóa xe máy của tuyệt đại đa số kém.

Nước ngoài họ cũng đi xe máy nhưng họ mặc đồ bảo hộ đầy đủ, mũ bảo hiểm kín đầu. Vì họ coi xe máy là phương tiện nguy hiểm, bất đắc dĩ mới phải sử dụng hoặc chỉ sử dụng để chơi như một môn thể thao. Ở Việt Nam thì khác, bảo hộ không có, thậm chí mũ bảo hiểm cũng chẳng đội. Vì thế nên hơn 70% nguyên nhân tai nạn là do xe máy.

Tai nạn giao thông ở Việt Nam đã trở thành quốc nạn, tắc đường ở Hà Nội thì thành vấn nạn không giải quyết được.

Người ta nói Hà Nội là thành phố an toàn cho du khách, nhưng theo tôi, Hà Nội chỉ là thành phố an toàn khi ngủ trong khách sạn và không tham gia giao thông.

Đi sang đường ở Hà Nội rất sợ, tôi sang đường, xin đường rồi nhưng vẫn bị người ta đâm vào. Họ vừa đi vừa nghe điện thoại.

Tệ nạn xe máy nhiều như thế, cộng với ý thức người tham gia giao thông quá kém, lấn làn, vượt đèn đỏ... khiến nguy hiểm luôn rình rập.

Nếu người dân bảo thủ, duy trì xe máy thì sẽ ảnh hưởng không chỉ đến xã hội – kinh tế mà nguy hiểm đến tính mạng con người.

- Vậy ông có đề xuất gì để dự thảo có tính khả thi hơn?

Các giải pháp có thể kể ra như mở rộng đường, tăng thêm xe buýt…di chuyển nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô, rồi hạn chế xe ô tô, thu phí lưu thông trong nội đô, thu phí ô tô trong giờ cao điểm.

Đặc biệt, thành phố phải không cho làm cao ốc trong nội đô, di dời trường đại học ra khỏi trung tâm.

Phải đột phá về quản lý nhà nước, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, chống tham nhũng… phát triển kinh tế song song với phát triển giao thông. Khi đời sống người dân phát triển, tự khắc họ sẽ cần phương tiện an toàn hơn xe máy, lúc đó không cấm xe máy cũng tự bị triệt tiêu. Đó là quy luật tự nhiên rồi.

Ngoài ra, chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc cân đối phương tiện giao thông như đường sắt, thủy và hàng không, nhất là đường sắt vì nó rẻ, khả năng vận tải lớn, an toàn.

Video: Vì sao Hà Nội tắc đường kinh hoàng

Chủ trương cấm xe máy là đúng, phải quyết tâm, cứng rắn thực hiện. Đồng thời, phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để dân hiểu, dân rất nhiều sáng tạo, phải tin dân.

Nhà chức trách phải nhìn thấy vấn đề trong dân để tập trung giải quyết, qua đó khi kinh tế, xã hội, dân trí phát triển thì người dân sẽ đồng tình.

- Xin cảm ơn ông!

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn